Chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển các trường khu vực phía Nam

GD&TĐ - Sáng nay, (3/6), tại trường ĐH Đông Á, Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức buổi chạy thử nghiệm phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu khai mạc tập huấn chạy thử phần mềm tuyển sinh các trường khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu khai mạc tập huấn chạy thử phần mềm tuyển sinh các trường khu vực phía Nam.

Tham dự buổi tập huấn, có 22 trường ĐH khu vực phía Nam và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga dự và phát biểu khai mạc.

Các trường sẽ chạy thử nghiệm phần mềm như chạy thật dựa trên những số liệu được cung cấp sẵn. Trên cơ sở kết quả của lần chạy thử, các trường sẽ thảo luận, đóng góp để hoàn thiện phần mềm sử dụng chung phục vụ cho kì tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 sắp tới.

Đủ cơ sở để tin tưởng vào một kỳ thi nghiêm túc

Phát biểu khai mạc buổi chạy thử nghiệm phần mềm xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Công tác thi và tuyển sinh 2017 diễn ra đúng kế hoạch dự kiến. Các địa phương đã hoàn tất chu đáo các khâu chuẩn bị như cơ sở vật chất, gửi giấy báo dự thi…

Qua kiểm tra của Ban chỉ đạo thi và tuyển sinh của Bộ tại một số địa phương cho thấy các địa phương vào cuộc rất nghiêm túc, ý thức được trách nhiệm của mình trong năm đầu tiên đứng ra tổ chức kì thi 2 trong 1: vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ nên đã huy động nguồn lực tốt nhất, đảm bảo cho các trường ĐH sử dụng kết quả thi để xét tuyển.

Công tác tập huấn cũng đã được tiến hành nghiêm túc, các Sở GD&ĐT cũng như các trường ĐH được Bộ phân công điều động cán bộ, giảng viên về làm công tác thi tại các địa phương đã cử đầy đủ số lượng cán bộ tham gia coi thi.

Khác với mọi năm, kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT đã ban hành phương án thi từ rất sớm, ngay sau khi kết thúc năm học 2016 đã công bố phương án. Các trường ĐH,CĐ, các sở địa phương đã nắm kế hoạch, biết được phương thức sớm nên không bị động và có sự chuẩn bị từ sớm.

Các điểm đổi mới được thảo luận kỹ, ví dụ như phương thức thi trắc nghiệm được thảo luận và có sự đóng góp ý kiến rộng rãi trong xã hội. Bộ cũng đã xây dựng ngân hàng đề thi quốc gia đầy đủ để làm cơ sở biên soạn đề thi năm nay. Bộ cũng đã 3 lần ban hành đề minh họa để HS, các nhà trường cũng như xã hội biết và làm quen với cấu trúc đề thi mới.

Để đảm bảo tính nghiêm túc kết quả thi, để các trường ĐH yên tâm sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh, Bộ GFD&ĐT đã trao đổi rất kỹ với các trường ĐH về các biện pháp kỹ thuật. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng, phòng thi chỉ có 24 thí sinh.

Về mặt kỹ thuật thì thí sinh không thể trao đổi bài vì thời gian thi quá ngắn, mã đề thi riêng. Mỗi phòng thi có 1 giáo viên đại học, 1 giáo viên phổ thông được luân chuyển từ huyện này sang huyện khác. Chấm thi trắc nghiệm, sử dụng phần mềm, có máy quét dữ liệu bài thi trước khi chấm nên không ai can thiệp được.

Kế hoạch tổ chức đảm bảo kết quả tin cậy, công bằng để các trường ĐH dùng kết quả này để xét tuyển. Công tác tập huấn cán bộ coi thi đã được các địa phương và các trường ĐH tập huấn chu đáo, kỹ lưỡng.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã hoàn tất, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ diễn ra khách quan, nhẹ nhàng, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Từ đề xuất, thảo luận tại buổi tập huấn, phần mềm sẽ được hoàn chỉnh để phục vụ cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 sắp tới.
Từ đề xuất, thảo luận tại buổi tập huấn, phần mềm sẽ được hoàn chỉnh để phục vụ cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 sắp tới. 

Sử dụng phần mềm lọc “ảo”

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đợt xét tuyển sinh năm 2016 dù đã làm khá tốt nhưng số thí sinh ảo khá đông nên có nhiều trường không phán đoán số lượng ảo bảo nhiêu để xây dựng điểm chuẩn dẫn đến tình trạng nhiều trường ở top trên cũng không tuyển đủ thí sinh, thí sinh đạt điểm cao không đỗ đúng ngành mong muốn. Năm nay phải xử lý được điều đó, đảm bảo cho thí sinh điểm cao trúng tuyển vào trường các em mong muốn.

Năm nay các trường ĐH tự động thành lập các nhóm xét tuyển lớn, nhóm các trường khu vực phía bắc với 54 trường và nhóm các trường khu vực phía nam với 72 trường bao gồm các trường lớn, tỷ lệ chọi cao… Công tác xét tuyển trong một nhóm lớn sẽ có nhiều thuận lợi, lọc được số thí sinh ảo của các trường,

Việc xây dựng phần mềm đã xây dựng từ khi có phương án tuyển sinh, Bộ đã phối hợp với Tập đoàn Viettel cung cấp phần mềm dùng chung cho tất cả các trường ĐH, CĐ trên cơ sở quy chế tuyển sinh. Khi các nhóm tuyển sinh thành lập, dựa trên đề xuất của các nhóm, Bộ đã xây dựng phần mềm cho các nhóm.

Hai nhóm có 2 phương thức khác nhau nhưng đều có cùng mục đích lọc “ảo”, đảm bảo một thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất có thể.

Theo như phân tích của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, quy trình lọc ảo của phần mềm được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự chủ các trường. Việc quyết định điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển là do chính các trường quyết định, không có sự can thiệp nào từ Bộ hay từ nhóm.

Trong từng nhóm nếu một trường điều chỉnh thì các trường khác thấy được sự tác động  của lần điều chỉnh ấy để có sự điều chỉnh của mình, làm sao để trong mỗi lần chạy phần mềm thì mỗi thí sinh trong nhóm đấy chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Nhóm càng rộng chừng nào thì độ lọc ảo càng cao. Về vấn đề bảo mật: trong quá trình chạy phần mềm mỗi trường chỉ biết được danh sách trúng tuyển của mình thôi.

Với nhóm các trường phía Bắc xây dựng quy trình xét tuyển của mình theo phương thức điều chỉnh điểm chuẩn trực tuyến, mỗi lần thay đổi điểm chuẩn của một trường thì các trường còn lại sẽ thấy sự tác động đến trường mình để có điều chỉnh hợp lý.

Với nhóm các trường phía Nam, từng trường tự xây dựng danh sách trúng tuyển dự kiến của mình sau đó đưa lên phần mềm nhóm để lọc ảo, để đảm bảo mỗi em trúng tuyển nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các em đăng kí trong nhóm.

Dù phương thức của hai nhóm khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu là đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất mà các em đã đăng ký trong nhóm.

Gần như những thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường trong nhóm sẽ khó lọt ra ngoài vì nhóm rất lớn. Danh sách trúng tuyển sẽ được các trường lên nhóm và đưa kết quả dự kiến của nhóm lên cổng của bộ để ra kết quả cuối cùng.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.