Cháy, nổ diễn biến phức tạp

GD&TĐ - Đây là những thông tin vừa được Công an thành phố Hà Nội đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến quý II/2018. Theo Công an TP Hà Nội, trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực. 

Cháy, nổ diễn biến phức tạp

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của người dân...

Nói về công tác PCCC&CNCH, Thiếu tướng Đào Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, qua thực tế kiểm tra, ngoài những lý do khách quan còn có lý do chủ quan khác. Chẳng hạn như về vấn đề lực lượng, năng lực, các điều kiện trang thiết bị kỹ thuật PCCC&CNCH của lực lượng PCCC còn rất khó khăn và hạn chế.

Theo thống kê, tình hình cháy, nổ 6 tháng đầu năm, Hà Nội xảy ra 411 vụ cháy khiến 4 người chết, 9 người bị thương và thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng. Đối với tình hình nổ, xảy ra 2 vụ khiến 5 người bị thương và thiệt hại tài sản ước tính 325 triệu đồng. Với tình hình cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức CNCH 53 vụ và cứu được 80 người (trong đó, có 19 người bị thương)...

Cụ thể, tuy các lực lượng PCCC hiện đã được trang bị áo chống nóng, nhưng tất cả kích cỡ đều dành cho người nước ngoài nên mặc vào lùng nhùng, nặng, khó di chuyển. Một bất cập khác được Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu ra đó là công tác tuyên truyền, cũng như nhận thức của đảng viên và tầng lớp nhân dân còn thấp, còn coi thường, chủ quan... về công tác PCCC.

Bởi vậy, theo Thiếu tướng Khương để làm tốt công tác này, trước hết ngay tại trụ sở các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành các quy định về PCCC. Cùng với đó, chế tài xử lý, xử phạt cần phải nghiêm khắc - đặc biệt kiểm tra nếu phát hiện công trình xây dựng nào vi phạm về PCCC sẽ xử lý thật nghiêm.

Cụ thể, nếu kiểm tra phát hiện thấy các công trình xây dựng vi phạm, không đảm bảo hay các giải pháp về PCCC phải cương quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước... Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng cần tập huấn, trang bị những kỹ năng cơ bản cho lực lượng cơ sở về PCCC. Bởi thời gian qua tuy lực lượng này đã được coi trọng, nhưng khi kiểm tra nhiều người vẫn loay hoay chưa biết cách sử dụng bình cứu hỏa...

Theo báo cáo của Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội – Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, thời gian qua mặc dù việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của thành phố về công tác PCCC&CNCH đã được thực hiện nghiêm túc, nhưng tình hình cháy nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp, vẫn xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Nguyên nhân là do quá trình hóa đô thị tăng về quy mô và diện tích, các công trình, khách sạn, tổ hợp văn phòng, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như sự gia tăng cơ học về dân số, các phương tiện giao thông, hoạt động kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là những mặt hàng cháy nổ... phần nào đã làm gia tăng tình trạng cháy, nổ.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân và những tồn tại dẫn đến cháy, nổ diễn biến phức tạp trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về PCCC của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chưa cao, không ít người coi PCCC là trách nhiệm của Cảnh sát PCCC. Theo quy định, các khu chung cư phải đảm bảo về PCCC mới được đưa dân vào ở, tuy nhiên một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không quan tâm đến PCCC. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, làm hết trách nhiệm quản lý về PCCC – đặc biệt là công tác phối hợp giữa cảnh sát PCCC và công an, chính quyền chưa thực sự tốt...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ