Người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh
Chiều muộn ngày 12.4, khung cảnh vùng quê Hương Nha thê lương, sầu não. Những con người PV bắt gặp dọc đường, khi được hỏi thăm về gia đình 4 nạn nhân tử nạn trong vụ hoả hoạn ở Hà Nội, tất cả đều thốt lên một câu trước khi chỉ đường: Nhà nghèo, khổ lắm.
Ở một xã vùng núi của huyện Tam Nông, dân cư thưa thớt, mỗi khu cách nhau cả ki lô mét, đường vắng người qua lại nhưng PV chẳng mất quá nhiều thời gian để tìm được địa chỉ nhà của 4 nạn nhân, bởi ai cũng đã nghe chuyện.
Cái tin xưởng sản xuất thùng rác ở Hà Nội bị cháy được loan báo cho gia đình ông Vinh (bố đẻ anh Việt) từ 4 giờ sáng. Một tin chẳng lành khác cũng đến, rằng tính mạng của cả 4 người nhà anh Việt cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng.
Tờ mờ sáng, 3 người gồm anh rể, 2 em trai nạn nhân tức tốc từ Phú Thọ xuống Hà Nội. Họ đi trong vô thức, bởi thông tin xưởng cháy, gia đình người thân gặp nạn quá bất ngờ, đường đột.
Ông Vinh (bên trái) năm nay 61 tuổi, ông vừa trải qua ca mổ tim cách đây 2 tháng thì lại nhận được tin dữ về 2 con và các cháu.
Cũng từ lúc này, bà Phúc bắt đầu than khóc không ngừng trong góc phòng. Những tin báo liên tục từ 3 người thân ở Hà Nội báo về đều là tin dữ. Chẳng có ai trong 4 người gồm anh Việt, chị Lan và 2 con là cháu Minh (5 tuổi), cháu Tuấn (1 tuổi) thoát nạn.
“Em trai Việt nó báo về, họ tìm thấy thi thể các con cháu tôi rồi, thảm lắm” – ông Vinh rầu rĩ.
Lúc PV đến nhà, mặt ông Vinh như chực khóc. Chẳng biết ông bà có cố gắng gượng được để qua cơn “sóng gió” này, nhưng hiện tại, cả 2 ông bà đều đã cố đến những chút sức lực cuối cùng.
Mảnh đất nhỏ có 2 nóc nhà và 10 con người sinh sống. 4 người trong gia đình anh Việt trước khi vụ hoả hoạn xảy ra, họ sống trong một căn phòng chỉ 6 mét vuông.
1 chiếc giường, 1 chiếc tủ quần áo và những tấm ảnh kỷ niệm chụp bé Minh lúc 3 tuổi là tất cả những gì hiện hữu trong căn phòng này.
Trên căn nhà cấp 4, là nơi vợ chồng ông Vinh và 2 con trai đang ở, ông Vinh dáng người nhỏ thó, trơ trọi ngồi ở bàn nước. Vừa đi mổ tim về chưa đầy 2 tháng, ông Vinh vẫn cố gượng dậy, ra bàn nước để bày tỏ tấm lòng của bà con tới thăm hỏi gia đình.
Ngoài sân cũng có vài người thân ngồi thừ, chẳng ai dám bàn nhiều về câu chuyện ở Hà Nội, họ sợ vợ chồng ông thêm đau lòng.
Người thân đến chia sẻ, thăm hỏi, động viên trước mất mát quá lớn của gia đình ông Vinh.
Kể về con trai, chính bố đẻ nạn nhân cũng phải thốt lên rằng “vợ chồng nó quá khổ, vất vả”.
Kể từ khi xưởng sản xuất thùng rác bằng nhựa bắt đầu cách đây 7 năm, anh Việt đã xuống đó làm thuê. Cũng từ xưởng nhựa đó, anh Việt, chị Lan có cháu bé đầu. Mong muốn những điều tốt đẹp cho con, anh chị nhìn nhau đồng thuận, cháu được đặt tên Lương Công Minh.
Minh phát triển như bao đứa trẻ bình thường, tuy nhiên cháu cũng dăm bảy lần đi viện vì chứng lồng ruột. Gia đình anh Việt cũng cố chạy chữa, đi khắp các bệnh viện từ TP.Việt Trì (Phú Thọ) rồi đến TP.Hà Nội.
Suốt 7 năm, hai vợ chồng lụi hụi làm ăn, tuy nhiên, công cán không quá dư giả, đủ ăn với gia đình anh Việt lúc đó là điều mừng. Cả hai vợ chồng đều bảo nhau, rằng sẽ cố, cố thêm vài năm để “có tấm, có món”, khi đó sẽ toan tính những chuyện to tát hơn như xây nhà, xây cửa.
Năm 2018, anh chị tiếp tục có tin vui, một bé trai thứ 2 ra đời, anh chị đặt tên con là Lương Anh Tuấn. Thời gian gần đây, gia đình phát hiện Tuấn có một vài hạch nhỏ ở nách.
Một lần nữa, vợ chồng anh Việt lại lo thuốc thang, chạy chữa cho đứa con thứ 2. Gánh nặng kinh tế lại thêm một phần áp lực lên đôi vai vợ chồng trẻ.
Về phần Minh, cách đây khoảng 1 tuần, chị Lan đưa con trai xuống bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) để khám. Các bác sỹ kê thuốc về uống và hẹn 1 tuần sau xuống khám lại. Cầm thuốc về uống được khoảng 2 ngày thấy cháu gần khỏi bệnh ăn ngon, đêm ngủ một mạch đến sáng, cả gia đình ông Vinh đều phấn khởi.
Mẹ đẻ nạn nhân Việt từ lúc hay tin cả gia đình con mất, bà nằm bẹp ở đây, liên tục than khóc khi nghĩ về con cháu.
Và, ngày 12.4 là ngày Minh được bác sĩ hẹn tái khám ở Hà Nội.
“Từ sáng sớm ngày 11.2, 3 mẹ con nó đã tíu tít sửa soạn đồ đạc xuống Hà Nội chơi với bố để sáng 12.4 sang bệnh viện Xanh Pôn khám lại cho thằng lớn.
Ăn cơm trưa, vợ chồng tôi bế 2 thằng cùng với mẹ nó ra quán tạp hoá ở đầu làng bắt xe.
Lúc đi thằng Minh còn dặn "con xuống chơi với bố, mai con về với nội" – ông Vinh cố tỏ ra cứng rắn.
Lúc này, trời xẩm tối, mọi người lục tục kéo đến nhà 4 nạn nhân xấu số để thăm hỏi, động viên. Ông Vinh như chỉ muốn ôm choàng lấy những người thăm hỏi để mà oà khóc. Mỗi lần bắt tay cảm ơn là một lần ông lại cố nắm lấy tay họ như một điểm tựa.
Ông sợ, ông gục ngã lúc này, bà Phúc – vợ ông - sẽ chẳng còn tha thiết gì nữa, bởi từ lúc hay tin con cháu mất, bà nằm bẹp ở giường, không ngừng khóc than và chẳng hề ăn uống.
Thấy PV là khách lạ, dù quá đau đớn, bà Phúc vẫn thều thào những câu khàn đặc: “Hai đứa trẻ chúng nó như đôi đũa thế mà. Các con ơi, các cháu ơi”.
Liên tiếp những khó khăn, những biến cố lớn đến với gia đình ông Vinh, bà Phúc rồi lại đến cả với gia đình con trai của ông bà.
Mọi thứ đến một cách dồn dập, những con người nhỏ bé vừa gượng dậy sau những lần nhập viện mổ tim của ông Vinh thì tai hoạ với gia đình anh Việt lại ập đến.
Tai hoạ ở ngõ 1 Đại Linh (Trung Văn, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) đã “đánh gục” chút sức lực, chút hi vọng cuối cùng về một ngày mai đoàn tụ, tươi sáng của 10 con người ở Hương Nha.
Thiếu chút nữa không chỉ 4 người mất mạng
Vào đêm định mệnh của vợ chồng em trai, chị Hoa (chị ruột anh Việt) đang đi làm ca đêm ở công ty. Tảng sáng, nhận được tin gia đình em mất, chị tất tả chạy về nhà mẹ đẻ.
Trên đôi mắt đỏ hoẻn, chị bộc bạch về “vợ chồng cậu mợ”. Anh Việt là em trai thứ 2 sau chị Hoa, tiếp đó là 2 em trai sinh năm 1990 và 1994. Cả 3 người em này, theo chị Hoa, đều là những đứa ngoan ngoãn, chẳng cờ bạc, rượu chè.
Thậm chí, làm ăn có chút, người nào cũng chăm lo, vun vén đưa tiền cho bố mẹ để trang trải công việc, nợ nần.
“Ông trời quá bất công với nhà tôi, mọi chuyện quá sức tưởng tượng” – chị Hoa thốt lên.
Người chị gái sinh năm 1984 này cũng chia sẻ, nếu ngày 11/4, chị không quyết liệt, có lẽ, người mất trong gia đình chị không dừng lại ở con số 4.
“Mợ Lan trước lúc đi có hỏi tôi, rằng có cho cái Cún (bé Hiền, 11 tuổi, con chị Hoa) xuống Hà Nội xem khám lại không.
Chiếc xe đạp Minh vừa được chú mua cho hơn 1 tháng để chuẩn bị vào lớp 1, chẳng bao giờ Minh được ngồi lên chiếc xe đó nữa.
Cún bị đau bụng mấy hôm trước, tôi mua thuốc thang cũng đỡ. Mợ nó hỏi tiện công, một lần đưa đi khám lại cho chắc. Cháu cũng muốn đi lắm, nó nói xuống khám bệnh rồi chơi với cậu mợ, các em.
Nhưng cuối cùng, tôi gạt đi, và Cún ở nhà. Độc mồm, nếu con gái tôi đi, không biết hôm nay nhà tôi sẽ thế nào nữa” – chị gái nạn nhân nói.
Kể về 2 bé Minh, Tuấn, chị Hoa nhìn ra chiếc xe đạp 3 bánh mà một người chú vừa mua cho Minh mà ngước mặt lên trời, khẽ lau những giọt nước mắt.
Chiếc xe đạp là quà của Minh vừa mới mua về được 1 tháng. Minh đang tập đi xe để tháng 9 này cháu vào lớp 1, cháu sẽ đi học cùng với các bạn đồng trang lứa.
“Nó thông minh, lém lỉnh và nghịch ngợm lắm. Ở nhà nó quấn ông bà. Ông nội bảo nó bảo mơ lớn lên làm công an, rồi làm cả lái xe. Giờ thì xe ai đi nữa đây” – chị Hoa nhìn xa xăm ra ngoài sân, nơi chiếc xe của Minh dựa bên hàng rào sắt. Nhắc đến Tuấn, chị Hoa oà khóc, người bác ruột này xót xa, Tuấn còn quá bé để phải chịu đựng những đau đớn đến tận cùng như vậy.
Theo phong tục địa phương và quyết định của người nhà, gia đình sẽ “đón” thi thể của anh Việt, chị Lan đi hoả táng rồi đưa về nhà làm thủ tục tang lễ.
Với 2 cháu nhỏ, các cháu sẽ được đưa thẳng từ bệnh viện 198 (TP.Hà Nội) về nhà, sau đó sẽ được đưa đi mai táng ở đồng Nội (Hương Nha).