Xoá bỏ thành kiến
Giáo sư Alice Pell, từng nắm giữ cương vị Phó hiệu trưởng tại Trường ĐH Cornell (Mỹ) nhận định, những thách thức trong việc khuyến khích phụ nữ châu Phi đảm nhận vị trí lãnh đạo ở các tổ chức GDĐH, hay học các khóa học về đổi mới khoa học, công nghệ (STI) có thể được giải quyết, nếu người học được định hướng từ cấp tiểu học và trung học.
“Ở cấp độ GD này, chúng ta cần phải giúp các HS nữ hiểu rằng, có rất nhiều công việc tốt liên quan đến lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Nhờ đó, khi nộp đơn vào ĐH, những nữ sinh này sẽ đáp ứng đủ yêu cầu để trở nên thành công”, bà Alice Pell khẳng định.
Với chủ đề mang tên “Vai trò lãnh đạo và gia tăng số lượng phụ nữ trong các trường ĐH ở châu Phi, Chương trình nghị sự về GDĐH nông nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới (AHESTI): Yếu tố chính để thành công”, diễn đàn đã thu hút sự tham dự của hàng loạt nữ học giả cấp cao châu Phi, bao gồm các phó hiệu trưởng và nhà lãnh đạo GD.
Hội nghị là một sự kiện thường niên và được coi là cơ hội để các nhà lãnh đạo nữ trong trường ĐH chia sẻ kinh nghiệm từ tổ chức mà họ đại diện, về cách nâng cao năng lực và cách đào tạo những nhà lãnh đạo trẻ về khoa học, công nghệ và đổi mới.
Bà Alice Pell cũng nhấn mạnh, nhiều nghiên cứu và dữ liệu cho thấy, phụ nữ hoàn toàn có khả năng như đàn ông trong các môn học như Khoa học, Toán học và Kỹ thuật.
Trích dẫn các ví dụ từ Trường ĐH Ivy League Cornell, GS Alice Pell cho biết khoảng 10 năm trước, tỷ lệ SV nữ tham gia ngành Kỹ thuật của trường là 25%. Tới nay, con số này đã tăng lên 50%, nhờ những biện pháp của nhà trường trong việc tuyển SV nữ vào các khóa học từng được coi là chỉ phù hợp với SV nam.
“Tạo điều kiện cho SV nữ theo học chỉ là một phần. Quan trọng là họ có thể ở lại ngành và tốt nghiệp. Hiện tại, phụ nữ đang có tỷ lệ tốt nghiệp và điểm trung bình ngang bằng đàn ông”, bà Alice Pell nói; đồng thời nhấn mạnh, để có được thành công, ban lãnh đạo các trường châu Phi cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ.
Bà Alice Pell cho biết thêm, thách thức đối với các trường ĐH ở châu Phi không chỉ là gây ấn tượng với SV rằng, học khoa học là một quyết định đúng đắn và có lợi cho nghề nghiệp, mà còn phải bảo đảm sẽ cung cấp đủ thông tin về các khóa học khoa học khác nhau của trường tới người học.
“Chúng ta không nên chỉ chú trọng tới số lượng SV, vì thất bại sẽ là điều tồi tệ cho cả nhà trường và người học. Chúng ta phải chắc chắn rằng, những SV được nhận cũng có những kỹ năng để thành công”, GS Alice Pell nhấn mạnh.
Vượt qua thách thức
Bà Ibiyinka Fuwape, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Michael và Cecilia Ibru (Nigeria) nhận định, việc cung cấp cố vấn hỗ trợ cho các trường trung học chỉ đang ngầm khẳng định rằng, khoa học là một ngành học khó và HS nữ sẽ không thể theo được.
“Thông qua các chương trình hỗ trợ này, chúng tôi sẽ nói chuyện với HS tại các trường trung học về tầm quan trọng của việc học khoa học. Đây cũng là một cách để nâng cao nhận thức của người học về những chủ đề này”, bà Fuwape nói.
Trong khi đó, GS Dora Francisca Edu-Buandoh, Phó hiệu trưởng tại Trường ĐH Cape Coast (Ghana), cho biết, đại diện nữ trong ngành STI trên khắp châu Phi vẫn còn rất ít; đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết trong việc giúp những người trẻ nhận thấy giá trị của các môn học này.
Phát biểu tại diễn đàn, GS Esi Awuah, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Năng lượng và Tài nguyên (Ghana), khẳng định, việc phụ nữ chiếm vị trí lãnh đạo hàng đầu trong các tổ chức GD cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khiến những phụ nữ khác quan tâm và muốn đảm nhận vị trí như vậy, cũng như tham gia khóa học STI.
Tuy nhiên, theo GS Mary Okwakol - Chủ tịch của FAWoVC kiêm Chủ tịch Ủy ban kiểm tra quốc gia Uganda, hiện chỉ có 40 nữ phó hiệu trưởng trong số khoảng 1.500 trường ĐH trên khắp châu Phi.
“Những nhà lãnh đạo nữ trở thành hình mẫu cho những người trẻ tuổi noi theo. Việc đề cao và tạo điều kiện cho phụ nữ là rất quan trọng, không chỉ là một số ít người ưu tú, mà cả phụ nữ trong các chương trình phát triển kỹ năng khác”, nữ GS Esi Awuah nói thêm.
Tại Trường ĐH Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên, bà Awuah khẳng định, bà đã tiên phong trong việc giới thiệu các chương trình xuyên suốt những lĩnh vực như doanh nghiệp và kinh doanh, cung cấp các kỹ năng thực hành cho SV nữ để theo đuổi các chương trình về khoa học, tập trung vào đổi mới.
Bà Awuah nhận định, các tổ chức GDĐH tại châu Phi cần đưa ra các chương trình tích hợp các khóa học phi khoa học với mục tiêu đổi mới.
Các nữ lãnh đạo cũng quán triệt rằng, điều quan trọng nhất là cần bảo đảm, các chính sách và văn hóa của các tổ chức GDĐH sẽ không phải là một trở ngại đối với việc khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong việc học STI.
Tuy nhiên, GS Fatima Batul Mukhtar, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Liên bang Dutse (Nigeria) cho biết, một số tổ chức GDĐH vẫn chưa xoá bỏ các rào cản văn hóa và phân biệt đối xử - những yếu tố cản trở phụ nữ thăng tiến trong trường và tạo ra môi trường khiến phụ nữ không thể nổi trội trong lĩnh vực họ chọn.
Theo bà Mukhtar, để có thể vượt qua những thách thức này, nhà trường cần khuyến khích nhiều phụ nữ theo học ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng nên có biện pháp toàn diện, nhằm giúp SV nữ tiếp cận các khóa học này trong tất cả các loại GD. Nữ GS Mukhtar nhấn mạnh, việc giải quyết các thách thức tiềm ẩn để đạt được mục tiêu này là điều vô cùng quan trọng.