Chưa bao giờ Thanh nghĩ đến chuyện kết hôn với Quang - người bạn thân từ hồi học cấp 3. Nhưng trong một lần cả hai đi nhậu với nhau, sau khi cà kê đủ thứ chuyện, bỗng nhiên Thanh hỏi: "Hay mình cưới nhau cho xong?". Chẳng ngờ Quang cũng: "Ừ, thì cưới, sợ gì!".
Tưởng chuyện đùa mà họ nên vợ nên chồng thật! Vốn là bạn thân nên họ rất hiểu nhau. Quang không khác gì "phiên bản nam" của Thanh. Anh khuyến khích vợ giữ nếp sống cũ, độc lập và tự chủ.
Nhưng nếu hôn nhân chỉ là "chuyện của hai người" thì có lẽ Thanh đã không gặp đủ chuyện "thị phi" với họ hàng bên chồng.
Thanh và Quang ở căn hộ riêng, bố mẹ Quang không ý kiến gì về vấn đề này, họ rất thoải mái, cởi mở với con dâu.
Trung tâm rắc rối ở bên nhà chồng có lẽ là bác dâu. Bác có sở thích mời họ hàng đến nhà tụ tập, ăn uống và trò chuyện thân mật. Một lần Thanh đang tất bật nấu nướng trong bếp thì bác gọi, bảo: "Cuối tuần này 2 đứa sang bên bác ăn tối nhé, bác mời!". Thanh nhanh nhảu: "Dạ vâng, cháu cảm ơn bác" rồi cúp máy.
Đúng lịch hẹn, hai vợ chồng dung dăng dung dẻ sang nhà bác. Bác dâu đon đả chào đón: "Gớm! Sao đến muộn thế?". Thanh ngơ ngác nhìn đồng hồ: "Chúng cháu sang đúng giờ mà bác".
Bác dâu vẫn giữ nguyên nụ cười, trả lời kiểu nửa đùa nửa thật: "Đáng lẽ cháu dâu nên biết ý, đến sớm một chút để cùng bác chuẩn bị đồ ăn chứ".
Không rõ bác trách thật hay đùa, nhưng Thanh cũng hơi bất ngờ. Cô không nói gì, lẳng lặng tháo giày rồi đi vào trong nhà. Quả nhiên hôm ấy bác dâu chuẩn bị rất nhiều món ăn, có khi bác phải dậy từ tờ mờ sáng mới làm xong hết chỗ thức ăn ấy.
Đánh chén xong, Thanh cứ thế lên ghế ngồi uống nước, ăn trái cây cùng chồng. Thái độ của bác dâu lúc này không còn nửa đùa nửa thật như lúc trước. Bác nháy Quang vào trong bếp nói chuyện: "Cháu không bảo được vợ à? Nó không đến được sớm để nấu nướng thì đáng nhẽ phải giúp bác dọn dẹp và rửa bát chứ?".
Không biết Quang trả lời bác dâu ra sao, nhưng khi quay trở lại phòng khách, anh chẳng nói gì với Thanh. Thái độ này càng khiến cô tò mò: "Bác nói gì thế anh? Bác hỏi tại sao em không rửa bát cho bác chứ gì? Giời ơi, còn lâu nhé! Em là cháu dâu thật đấy, nhưng bác chủ động mời mình đến ăn thì mình chỉ là khách thôi. Mà đã là khách thì sao lại bắt em rửa bát?
Mấy lần em mời bác đến nhà mình chơi, em có để bác phải dọn dẹp giúp đâu, em tự làm hết đấy chứ, vì bác cũng là khách của nhà mình cơ mà".
Quang cằn nhằn: "Thì anh có nói gì em đâu, thôi kệ, bác thích thì bác nói, bác cũng chưa trực tiếp góp ý với em cơ mà". Thanh hậm hực: "Nhưng mà em cứ bị bực mình ý, tụ tập ăn uống là nhằm mục đích vui vẻ, đằng này bác cứ thích xét nét rồi đánh giá em không hay".
Đúng như dự đoán của Thanh, hôm sau mẹ chồng "dựng" Thanh dậy từ sáng sớm: "A lô, con đấy à? Hôm trước sang nhà bác sao con không chịu trò chuyện tỉ tê cho bác vui? Con làm bác buồn đấy". Thanh giải thích thế nào mẹ chồng cũng không chịu hiểu, cứ động viên: "Thôi lần sau con chịu khó chiều bác một tí nhé".
Y rằng, lần sau bác dâu lại chủ động rủ hai cháu sang ăn cơm. Thanh vẫn giữ đúng nguyên tắc đến chuẩn giờ, không dọn dẹp và rửa bát. Dù bác dâu không nói ra nhưng Thanh biết lần này bác mời hai đứa sang chủ yếu là đề dò xét thái độ của cô cháu dâu, xem nó có động thái thay đổi gì không sau khi được bác "góp ý". Cách phản ứng quyết liệt của Thanh làm bác dâu tức điên.
Sau bữa ăn "thân mật" thứ 2, bác dâu lại gọi cho mẹ chồng Thanh, phàn nàn đủ điều, nào là cháu dâu bướng như thế thì sau này chỉ chỉ làm "gương xấu" cho con cái, rồi thì thằng Quang để vợ "cầm lái" như thế là mất hết phong độ đàn ông.
Mẹ chồng Thanh chẳng còn cách nào khác, đành gọi cho con dâu: "Thôi coi như mẹ nhờ con đấy Thanh ạ, mẹ cũng biết tính bác dâu hay để ý rồi trách móc người khác, nhưng con thử chiều bác ấy một lần xem nào, cho bác vui".
Thanh giữ thái độ dứt khoát, không cả nể: "Con chỉ thích làm những việc mà con thấy hợp lý thôi mẹ ạ. Con nói chuyện với bác rất lễ phép và không hề có thái độ hỗn láo, nhưng bác mời vợ chồng con sang với mục đích dò xét thì con không thích chút nào cả. Con không thấy vui nên chắc lần sau con không dám nhận lời mời của bác nữa đâu. Con rất xin lỗi mẹ!".