Châu Âu xích lại gần Trung Quốc

GD&TĐ - Châu Âu cũng như khối Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc sau một thời gian quan hệ song phương bị rạn nứt.

Châu Âu xích lại gần Trung Quốc

Các nước lớn ở châu Âu cũng như khối Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc sau một thời gian quan hệ song phương bị rạn nứt.

Biểu hiện rõ nhất của xu hướng mong muốn xích lại gần Trung Quốc hơn của châu Âu là việc khối này liên tục xúc tiến các chuyến thăm cấp cao tới quốc gia tỷ dân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đang cùng có mặt tại Bắc Kinh trong chuyến thăm chính thức là sự tiếp nối mới nhất của chính sách ngoại giao này.

Trong cuộc phỏng vấn trước chuyến đi, bà Ursula von der Leyen thừa nhận rằng các mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã trở nên “xa cách và khó khăn hơn” trong những năm qua. Do đó, theo bà, hai bên cần phải thấu hiểu lẫn nhau bằng cách bắt đầu từ việc nói chuyện với nhau.

Bà Von der Layen được Tổng thống Pháp Macron mời đi cùng chuyến thăm Trung Quốc nhằm thể hiện sự đoàn kết của EU. Cả hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Bắc Kinh ngày 6/4.

Trước đó, các lãnh đạo châu Âu khác như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đều đã lần lượt đến thăm Bắc Kinh ngay sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19, vào tháng 12/2022.

Mục tiêu chính của chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel là khôi phục đối thoại giữa EU và Trung Quốc.

Trong khi đó, mục tiêu dài hạn là tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay. Chuyến đi mới nhất của Tổng thống Pháp và Chủ tịch EC đang diễn ra cũng nhằm mục tiêu này.

Một trong những vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự trong chuyến thăm Trung Quốc của hai nhà lãnh đạo châu Âu là cuộc xung đột tại Ukraine. Cả ông Macron và bà Von der Leyen đều muốn nhân cơ hội tiếp xúc cấp cao các nhà lãnh đạo Trung Quốc để tái khẳng định các cam kết của EU đối với Ukraine.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc luôn giữ quan điểm trung lập, kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp hòa bình, đồng thời từ chối việc lên án Nga trong cuộc chiến.

Giới phân tích cho rằng đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ giữa phương Tây với Bắc Kinh không được nồng ấm trong thời gian qua.

Một chủ đề lớn khác được lãnh đạo Trung Quốc và EU tập trung thảo luận là sự mất cân bằng thương mại giữa khối này với Trung Quốc. Phòng Thương mại của EU tại Trung Quốc ước tính rằng, các khoản đầu tư của châu Âu tại Trung Quốc đã giảm tới 50% trong những năm đại dịch.

Trong khi đó, Chủ tịch EC Von der Leyen cho biết bà tin rằng Trung Quốc sẽ xúc tiến các cuộc thảo luận về vấn đề Hiệp định đầu tư toàn diện của EU với Bắc Kinh vốn đang bị đình trệ.

Còn việc Tổng thống Pháp, một trong những thành viên quan trọng nhất của EU, đến thăm Trung Quốc lần này đang được nhìn nhận như một tín hiệu tích cực cho thế giới rằng Pháp và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.

Thị trường rộng lớn và quan trọng, cũng như ảnh hưởng không thể phủ nhận của Trung Quốc trong nền chính trị toàn cầu đang khiến châu Âu không thể để mối quan hệ với nước này thêm xa cách sau nhiều rạn nứt những năm qua. Các chuyến thăm cấp cao khác của lãnh đạo châu Âu tới Bắc Kinh dự kiến sẽ còn tiếp tục được xúc tiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục luôn được Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo quan tâm thực hiện.

Giữ lửa nơi non cao

GD&TĐ - Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo nỗ lực bền bỉ đưa sự nghiệp giáo dục phát triển giữa vùng đất còn nhiều gian khó.