Châu Âu cuống cuồng tìm nguồn năng lượng trước nguy cơ bị Nga cắt nguồn cung

GD&TĐ -Từ cuối tháng 7, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga tiếp tục cắt giảm khí đốt cung cấp cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nếu dòng chảy khí đốt của Nord Stream 1 bị cắt hoàn toàn, lượng khí đốt dự trữ của châu Âu có thể cạn kiệt hoàn toàn vào cuối tháng 2/2023.

Tình huống trên đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, đe dọa triển vọng kinh tế khu vực. Giữa cơn khát khí đốt, châu Âu đang loay hoay tìm kiếm nguồn cung thích hợp thay thế Nga. Tình cảnh trên chẳng khác nào tìm nước giữa sa mạc.

Hà Lan có thể là “cứu tinh” giúp châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Ít ai biết mỏ Groningen, nằm tại tỉnh Groningen phía Bắc Hà Lan, là một trong những mỏ khí đốt có trữ lượng hàng đầu thế giới. Ước tính, trữ lượng khí đốt tại Groningen là 450 tỷ mét khối, tương đương ba năm nhập khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Mỏ Groningen hoạt động từ năm 1959 và cung cấp nguồn khí đốt dồi dào cho châu Âu. Tuy nhiên, từ những năm 1980, do hứng chịu hàng loạt trận động đất xung quanh mỏ, Chính phủ Hà Lan phải giảm dần công suất khai thác. Dự kiến, đến năm 2026, Hà Lan sẽ chính thức đóng cửa mỏ Groningen.

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu chưa ảnh hưởng đến Hà Lan. Nhưng xem xét mức độ nghiêm trọng của khu vực trong bối cảnh năng lượng khan hiếm, việc tăng khai thác mỏ Groningen có thể là một giải pháp hợp lý.

Để vượt qua mùa đông đầu tiên thiếu khí đốt của Nga, EU cần bổ sung lượng khí dự trữ càng nhiều càng tốt. Nếu Groningen không tăng sản lượng khai thác, châu Âu sẽ phải trải qua một mùa đông khó khăn.

Ngoài ra, không có gì đảm bảo Nga sẽ không cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong thời gian ngắn. Do đó, châu Âu phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và bây giờ là thời gian cần thiết để bắt tay tìm kiếm năng lượng thay thế.

Tuy nhiên, Groningen không thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Dù mỏ có trữ lượng lớn, việc đẩy nhanh sản lượng khai thác là thách thức lớn về vấn đề kỹ thuật và an toàn. Chính quyền Amsterdam cũng đang thận trọng cân nhắc “thiệt – hơn” khi khai thác mỏ Groningen, trong đó phải lưu ý đến việc đàm phán với người dân và ảnh hưởng của việc khai thác đối với đời sống của họ và hệ sinh thái địa phương.

“Cứu tinh” thứ hai của châu Âu được cân nhắc là Iran. Sở hữu trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới, Iran có thể hoàn toàn thay thế Nga trên thị trường khí đốt châu Âu. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải rất nhiều rào cản trong thực tế.

Iran hiện đang chịu nhiều lệnh trừng phạt nghiêm ngặt từ Mỹ còn nước này khẳng định sẽ không nới lỏng biện pháp trừng phạt Iran. Dù lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, nguồn cung từ Iran chắc chắn sẽ có giá thành cao hơn nguồn cung từ Nga do nhiều yếu tố như vận chuyển, kỹ thuật khai thác... Giữa lạm phát như hiện nay, không chắc liệu người dân châu Âu có sẵn lòng móc hầu bao cho nguồn cung đắt đỏ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ