Theo nhà báo và nhà khoa học chính trị của đảng Bảo thủ Mỹ Doug Bandow nhận xét, ngày nay, việc trở thành một nhà lãnh đạo châu Âu không hề dễ dàng, bởi họ phải tìm kiếm những cách thức mới để chung sống với một đồng minh đầy nghi ngờ ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứ không chỉ đơn thuần là “học cách chung sống với Nga”.
Các nước Liên minh châu Âu có công nghệ cao, xã hội tiên tiến và thịnh vượng về kinh tế, nhưng lại không tự bảo vệ được mình và người bạn giàu có bên kia Đại Tây Dương vẫn tiếp tục đảm bảo sự bảo vệ cho “Lục địa già”, còn các nhà lãnh đạo EU thì chẳng cần làm bất cứ điều gì.
Nhưng chuyên gia Doug Bandow tin chắc rằng, “cuộc sống dễ chịu này” của các nguyên thủ quốc gia châu Âu có thể bị gián đoạn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và họ sẽ phải tăng chi tiêu quốc phòng, trước những sự uy hiếp đến từ bên ngoài, nhưng điều này không đơn thuần là đến từ nước Nga.
Và quả nhiên, bất chấp trước đây cựu Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump đã nhiều lần thúc giục các nước châu Âu tăng chi tiêu quân sự nhưng không được, trong thời gian gần đây các nhà lãnh đạo của “Cựu Thế giới” đã đưa ra quyết định đúng đắn là chi tiêu nhiều hơn cho nền kinh tế và quốc phòng.
Nhiều nước Liên minh châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực này, nhiều nước đã tăng chi tiêu quốc phòng lên lên mức bằng và thậm chí quá 2% GDP trong tiêu chuẩn của NATO, điều này được tất cả các nhà quan sát ghi nhận và xác thực.
Tuy nhiên, nguyên nhân đằng sau thúc đẩy họ làm như thế không phải là do sợ Nga, nên phải tăng chi tiêu quân sự để chịu trách nhiệm phòng thủ cho chính mình; mà đúng hơn là họ đang chi tiêu nhiều hơn để duy trì cam kết với Washington, để không khiến nước Mỹ phải phật ý.
Theo chuyên gia Doug Bandow, các nguyên thủ châu Âu đang lo sợ viễn cảnh ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa là ông Donald Trump một lần nữa bước vào Nhà Trắng nên các thành viên NATO châu Âu phải chi tiêu nhiều hơn để không làm Trump phật ý.
Chuyên gia này tin rằng, Washington không cần thiết phải diễn kịch và lăng mạ các đồng minh để buộc họ phải làm theo ý mình.
Mặc dù lối hùng biện của ông Trump đã khiến vấn đề trở nên “có tính sân khấu hơn” nhưng nó lại ngăn cản việc tạo ra các mối quan hệ công việc tích cực cần thiết để chuyển đổi một cách hiệu quả liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Đúng hơn, Trump đã đưa ra ý tưởng chính là “có một đại dương giữa chúng ta”, tức là Mỹ và châu Âu không phải là một thể thống nhất, thậm chí có lúc ông đã nêu ra ý tưởng đưa nước Mỹ ra khỏi NATO.
Cựu Tổng thống Mỹ còn cho rằng, liên minh này “quan trọng hơn” đối với người châu Âu chứ không phải là với Hoa Kỳ và “Lục địa già” phải chịu trách nhiệm với an ninh của chính mình.
Với sự giàu có và dân số của châu Âu, ông tin rằng EU nên đảm nhận vai trò phòng thủ bảo vệ an ninh cho chính mình, thay vì mong đợi người Mỹ luôn đứng ra chi trả chi phí, cả về nhân lực và vật lực. Nếu các nước châu Âu không tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2%, họ sẽ không được nhận cái ô bảo đảm an ninh của Mỹ.