Châu Âu: Bất ổn hơn trong năm 2019

GD&TĐ - Với tình trạng chủ nghĩa dân túy và rạn nứt ngày càng tăng, nhiều nhà bình luận dự đoán châu Âu sẽ còn bất ổn hơn nữa vào năm 2019.  

Châu Âu rạn nứt hơn bao giờ
Châu Âu rạn nứt hơn bao giờ

Thêm nhiều rạn nứt

Cả những người theo chủ nghĩa dân túy lẫn những người theo chủ nghĩa truyền thống đều tin rằng, họ có những “liệu pháp” phù hợp cho những bất ổn hiện nay tại châu Âu, nhưng có một điều chắc chắn: Sẽ có nhiều thay đổi trong trật tự cũ, không phải theo cách từ từ mà chính phủ các quốc gia có thể chủ động điều tiết.

Dân số châu Âu đang ngày một tăng, nhu cầu tài nguyên ngày càng lớn, với những mong đợi còn cấp bách hơn nhiều. Trong khi khả năng thay đổi của châu Âu là khá uyển chuyển, thì vẫn có những giới hạn khó vượt qua cho những thay đổi này.

Để hình dung ra năm 2019, hãy nhìn lại châu Âu năm 2018. Các phong trào hoạt động đang gia tăng, từ những người biểu tình chống biến đổi khí hậu đóng cửa trung tâm London, đến phong trào “áo vàng” phản đối luật pháp kiểm soát khí hậu xé toạc trung tâm Paris. Dưới mỗi biểu hiện xấu xí của sự giận dữ trên đường phố lại là một tảng băng lạnh lẽo của sự bất mãn. Brexit là một trường hợp điển hình: Quá trình này được miêu tả một cách phổ biến như một biện pháp kiểm soát nhập cư, cùng hàng loạt điều hay ho khác; nhưng thực tế, quá trình này đang tàn phá sự gắn kết của châu Âu.

Những gì bắt đầu năm 2018 của một cuộc “ly hôn” vốn đã lộn xộn, lại rơi vào tình trạng cay đắng thường xuyên, chắc chắn sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.

Sự lạnh lùng của “người bạn lớn”

Một vấn đề lớn cũng đang nổi lên, đó là Mỹ - quốc gia góp phần hình thành nên châu Âu ngày nay, đang quay lưng lại với lục địa già.

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã nói rõ rằng, ông không quan tâm nhiều đến châu Âu. Ông tỏ ra thờ ơ với các đồng minh chí thiết của Mỹ tại châu Âu, sẵn sàng “làm tổn thương” Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức

Angela Merkel, tỏ ra thù địch với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tóm lại, Tổng thống Mỹ đang làm các đồng minh của nước Mỹ ở châu Âu bối rối vì mối quan hệ lạnh lẽo hiện nay.

Tổng thống Donald Trump góp phần tạo nên sự rối bời khắp thế giới trong năm 2018, với những hệ lụy chắc chắn sẽ lộ rõ trong năm 2019. Không chỉ với châu Âu, ông đã làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc và tham gia vào những thỏa thuận không có cam kết với Triều Tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa. Ông đã xoa dịu Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman về vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi, trong khi góp phần làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Nga.

Nhưng có lẽ sai lầm lớn nhất của ông Trump, đó là việc giã từ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, xuất phát từ quyết định rút quân khỏi Syria và yêu cầu cắt giảm nửa quân số đang đồn trú ở Afghanistan. Những động thái đó khiến cho nội bộ chính trị nước Mỹ hỗn loạn; ngay cả những người Cộng hòa vốn ủng hộ ông Trump, nay cũng lên tiếng chỉ trích; còn các đồng minh quốc tế thì bất an. Tuy vậy, ở góc độ nào đó, ông Trump lại có vẻ giành được tình cảm người dân, khi chỉ ra đúng điều họ mong muốn về sự thịnh vượng của đất nước và mong muốn ổn định về an ninh toàn cầu.

Ông Trump đã thất bại trong việc buộc Tổng thống Nga Putin phải chịu trách nhiệm trước cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016; cũng giống như ông đã thất bại trong việc thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên tiếng cam kết thực sự từ bỏ năng lực hạt nhân.

“Vũ khí” lớn nhất của ông Trump là sự bất ngờ, không thể đoán trước được - chẳng hạn như thuế quan thương mại đối với Trung Quốc. Mặc dù có được một số sự ủng hộ trên hế giới, nhưng những hành vi khó đoán định của ông trong các lĩnh vực khác làm suy yếu điều này.

Các đồng minh như Ả-rập Xê-út, được hỗ trợ bởi các chuyên gia tư vấn thế giới đầu tiên tinh vi, đã tìm ra điểm yếu của mình: Mối quan hệ giao dịch và ngoại giao đơn giản hóa quá mức, chẳng hạn như doanh số bán vũ khí mà ông đã viện dẫn bảo lưu mối quan hệ với Ả-rập Xê-út.

Bất ổn ngày càng tăng

Kể từ khi ông Trump nhậm chức, người ta cho rằng, châu Âu sẽ duy trì trật tự quốc tế. Nhưng lục địa già nua này đã phải đối mặt với đủ các mối đe dọa của riêng mình trên nhiều mặt trận vào năm 2019: Putin về phía Đông, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam, Trump ở phía Tây. Dù thế, vấn đề nội bộ châu Âu mới chính là yếu tố làm suy yếu khu vực này nhiều nhất.

Chỉ một năm trước, Tổng thống Macron của Pháp xuất hiện với nhiều hứa hẹn, đại diện cho một thế hệ tư duy mới mẻ và hiện đại. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, uy tín của Tổng thống Pháp đang tuột dốc không phanh. Tại Đức, Thủ tướng Merkel loay hoay giữ ghế. Ở Anh, việc xử lý quá trình Brexit của bà May có thể buộc bà phải thỏa hiệp để giữ được chiếc ghế của mình.

Trong mỗi quốc gia hàng đầu này, sự bất mãn đang gia tăng. Các vấn đề về nhập cư ngày càng trầm trọng. Căng thẳng chính trị giữa các quốc gia này đang leo thang trong nỗ lực cùng nhau gìn giữ một châu Âu như họ mong muốn. Những mối bòng bong chắc chắn sẽ mang lại cho châu Âu một năm mới kém khả quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.