Đây là một số trong rất nhiều câu hỏi được nêu ra tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019; giải pháp khắc phục; do UB Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 6/3/2019.
Tổng hợp các nội dung yêu cầu giải trình, nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp nêu vấn đề, dù đã được kiểm soát, kéo giảm mạnh thời gian qua nhưng tình hình vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2018, vẫn có tới 8.190 người chết, gần 15.000 người bị thương. Những con số đó vẫn được xem là rất nghiêm trọng.
UB Tư pháp đề nghị các bộ, ngành tập trung giải trình, làm rõ những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước - nguyên nhân dẫn đến các vi phạm pháp luật, tội phạm trong lĩnh vực, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, tổng cộng có 11 vấn đề.
Công an tiêu cực, thanh tra nhận tiền “chung chi”
Về vấn đề cơ chế chính sách, nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an báo cáo về việc nợ đọng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật giao thông đường bộ, những quy định không phù hợp, gây khó khăn trong thực tiễn như quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn xe cơ giới tham gia giao thông; đăng ký phương tiện, quản lý xe chính chủ…
Bộ Y tế giải trình về những hạn chế, vướng mắc trogn các văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe, việc khám sức khoẻ định kỳ, cơ sở khám sức khoẻ đối với người lái xe ô tô.
Về công tác tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, thay mặt nhóm nghiên cứu, Uỷ viên thường trực UB Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nhận xét, việc này vẫn chủ yếu thực hiện thủ công. So với nhiều nước, số lượng CSGT tại Việt Nam phải trực tiếp chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường là rất lớn, gây quá tải cho hoạt động của lực lượng, đồng thời ảnh hưởng đến tính hiệu quả… Bộ Công an được yêu cầu nêu giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bộ Công an cũng được đề nghị giải trình về công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi hoạt động này hiệu quả chưa cao, thậm chí có biểu hiện “nhờn” luật do cán bộ tuần tra, kiểm soát tiêu cực trong xử lý.
Công tác tuần tra, kiểm soát với xe siêu trường, siêu trọng chưa chặt chẽ, vẫn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về tải trọng, thậm chí đi ngang nhiên, công khai từ Bắc vào Nam. Cử tri phản ánh, bằng mắt thường có thể phát hiện xe vận chuyển quá tải nhưng thực tế các xe này vẫn “qua cửa” trót lọt.
Nhóm giải trình cũng nêu rõ, từ lâu dư luận phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma tuý song công tác tuần tra, kiểm soát chưa tập trung nhiều vào việc kiểm tra tình trạng này. Chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do lái xe sử dụng ma tuý, gây bức xúc trong dư luận thì việc kiểm tra tình trạng này mới được chú trọng hơn.
Thực tế, một số cán bộ công an còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, thậm chí có tình trạng “bảo kê” cho vi phạm. Thống kê, từ 16/11/2016 đến 15/2/2019 đã xử lý 344 cán bộ vi phạm quy trình, chế độ công tác. Đây cũng là một vấn đề Bộ Công an cần giải trình.
Liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của Bộ GTVT, UB Tư pháp đề nghị lãnh đạo Bộ này giải trình lý do vì sao công tác này chưa được triển khai thường xuyên; chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.
Nhóm nghiên cứu dẫn chứng, công tác kiểm tra việc thu phí tại Trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác của số tiền thu phí hàng ngày. Nhiều vi phạm chỉ được tiến hành thanh tra sau khi đã xảy ra tai nạn hoặc báo chí, dư luận phản ánh.
Một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, như vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ, 7 cán bộ thanh tra thỏa thuận với một số doanh nghiệp, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông; hàng tháng hoặc mỗi lần vi phạm, các doanh nghiệp và cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cán bộ thanh tra giao thông, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng.
Đăng kiểm có “cò kiểm định”, thi lái xe có dịch vụ “bao đỗ”
Bộ GTVT cũng phải giải trình khi công tác quản lý vận tải còn nhiều sơ hở. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải có các vi phạm phổ biến về: chở quá tải trọng; vi phạm quy định về số giờ lái xe liên tục trong ngày; lái xe sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện... Đặc biệt, có tới 25,63% phương tiện vận tải không gửi dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Chỉ riêng năm 2018, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 21 đơn vị kinh doanh vận tải không tổ chức khám sức khỏe cho lái xe, không lập hồ sơ lý lịch phương tiện; 30 đơn vị có 716 lái xe vi phạm về thời gian lái xe liên tục trong ngày; 8 đơn vị có 17 lái xe vi phạm tốc độ; 12 đơn vị có 97 xe không truyền dữ liệu.
Dư luận cũng phản ánh về tình trạng tiêu cực trong công tác này, một số kiểm định viên gây khó khăn, kéo dài thời gian kiểm định, thậm chí có hiện tượng sử dụng “cò kiểm định” để tiêu cực.
Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT thì số cán bộ và đơn vị đăng kiểm liên quan đến nguyên nhân gây ra vi phạm, tội phạm giao thông bị xử lý khá nhiều, năm sau có xu hướng tăng hơn năm trước. Cụ thể, số đăng kiểm viên bị đình chỉ năm 2017 là 63 người, năm 2018 là 72 người; số đơn vị đăng kiểm bị đình chỉ năm 2017 là 6 đơn vị, năm 2018 là 8 đơn vị.
Báo chí từng phản ánh trường hợp nhiều xe hết hạn đăng kiểm vẫn lưu thông ở Cát Bà, Hải Phòng, trong đó có thông tin về 2 vụ tai nạn nghiêm trọng do xe quá hạn đăng kiểm gây ra. Theo đó, riêng tại huyện đảo này đã có hơn 500 xe quá hạn đăng kiểm, hơn 60 xe khách quá hạn đang mất dấu.
Phần trách nhiệm của Bộ Công an trong lĩnh vực này là để tồn tại tình trạng xe “không chính chủ” nên khó truy nguyên người điều khiển khi xảy ra tai nạn, ảnh hưởng đến hoạt động “phạt nguội”. Thực tế, chỉ có 27% số người nhận được thông báo xử phạt đến công an nộp phạt. Đặc biệt những năm gần đây, tình trạng xe máy điện nhập về tràn lan, không có chứng từ gốc, người dân mua về sử dụng không đăng ký, không biển số diễn ra phổ biến.
Về việc cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT phải trả lời về việc nhiều cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, số giờ học lý thuyết và thực hành lái xe không đủ so với quy định; thay vì dạy bài bản thì lại dạy "mẹo” với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng "bao thi”, "bao đỗ” tại một số cơ sở cấp giấy phép lái xe.