Thực ra việc này đã diễn ra từ lâu nay nhưng do dư luận ít quan tâm, phản ánh còn nhà chức trách một số địa phương thì thờ ơ, buông lõng trong quản lý, giải quyết nên các vụ việc thường bị bỏ qua.
Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, nhất là sự vào cuộc tích cực của báo chí, ứng dụng công nghệ thông tin hiện tượng chặt chém được quan tâm đưa ra xử lý nhiều hơn. Điều này cũng hợp lý khi ngành du lịch đang đóng vai trong quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đất nước. Vì vậy, nếu tình trạng chặt chém tồn tại, kéo dài, phức tạp sẽ khó phát triển được ngành du lịch.
Các địa phương có ngành du lịch phát triển đều cam kết xử lý nghiêm và có đường dây nóng để khách du lịch phản ánh, giúp đỡ khi bị chặt chém, tiêu cực như giá cả các loại dịch vụ, thuê phòng, ăn uống, đi lại... để cơ quan chức năng can thiệp, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không được như mong muốn, vẫn còn hiện tượng “đánh trống, bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” theo kiểu phong trào, ra quân ồ ạt một thời gian, sau đó đâu lại vào đấy.
Vì vậy, tình trạng khách du lịch bị chặt chém không những không giảm mà còn gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng, rất hấp dẫn, thu hút du khách nhưng chỉ vì nạn chặt chém nên khách tham quan, nghỉ dưỡng ngày một thưa dần, nhiều người đến một lần mà không dám quay lại lần hai.
Theo chúng tôi, xử lý tình trạng chặt chém khách du lịch không khó, chỉ cần sự quyết tâm vào cuộc, quyết liệt trong xử lý của các ngành chức năng, ý thức trách nhiệm của người dân địa phương, cả từ sự hợp tác tích cực từ phía du khách sẽ giải quyết triệt để tình trạng này.
Theo đó, khi nhận được thông tin phản ánh của khách du lịch, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý nghiêm, triệt để các cá nhân, tổ chức vi phạm như phạt tiền, thu hồi giấy phép kinh doanh và nêu tên các cá nhân, tổ chức vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán thông báo ở các địa điểm công cộng... để răn đe, phòng ngừa.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa kinh doanh du lịch như cần tôn trọng, thân thiện với du khách cho người dân ở các khu du lịch...
Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần phân bổ nguồn thu từ du lịch mang lại một cách hợp lý, công bằng. Theo đó, người dân ở địa phương, người kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương đều được hưởng lợi do nguồn thu từ phát triển du lịch mang lại nhằm cải thiện cuộc sống người dân, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt an sinh xã hội ở cả khu du lịch và vùng lân cận... Có như vậy, mới ngăn chặn, hạn chế triệt để tình trạng chặt chém khách du lịch đang diễn ra ngày càng tăng như hiện nay./.