Chạp họ - Nét đẹp văn hóa vùng Kinh Bắc

GD&TĐ - Không biết có từ bao giờ, mỗi năm một lần, vào dịp tháng 12 âm lịch, các dòng họ vùng Kinh Bắc lại nô nức tổ chức ăn “Chạp họ” với sự quây quần của con cháu xa gàn tạo nên một nét đẹp văn hóa làng xã thú vị.

Nhiều dòng họ gây quỹ khuyến học và trao thưởng dịp Chạp họ.
Nhiều dòng họ gây quỹ khuyến học và trao thưởng dịp Chạp họ.

Từ nghi lễ lưu truyền

Đình làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh.
Đình làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh.

Tìm hiểu về phong tục thú vị này, chúng tôi tìm về một số xã của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Người dân nơi đây cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp (tức tháng 12 âm lịch) là các dòng họ không ai bảo ai lại tổ chức ăn Chạp họ - Phong tục đó đã trở thành những điều không thể thiếu của người dân nơi đây. 

Cụ Nguyễn Văn Hợi, thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang cho biết: Nhiều người vẫn nhầm Giỗ họ và Chạp họ là một, nhưng thực ra đó là hai ngày khác nhau. Giỗ họ là ngày giỗ ông tổ của dòng họ, thường được diễn ra ở nhà thờ họ không cần tất cả các “đinh” (đàn ông con trai) trong họ phải tề tựu đông đủ, mà chỉ cần đại diện của các chi đến tế lễ.

Giỗ họ không tổ chức ăn uống linh đình, mà chỉ làm lễ cáo yết gia tiên. Còn Chạp họ lại là cả họ tự thống nhất định ra một ngày trong tháng Chạp được tổ chức tại nhà trưởng họ. Thành phần chỉ có suất “đinh” (đàn ông con trai) mới được tham dự. 

Mục đích của ăn Chạp họ để nhận biết ngôi thứ bậc các chi, các ngành trên dưới và các anh em trai đinh trong họ. Trong lễ Chạp họ thường là có lễ “trình” của các “đinh” mới sinh xin được cáo yết cùng tổ tịên. Cha mẹ của các con trai mới sinh sắm một cái lễ gồm xôi, gà, hoa quả, tuỳ theo lệ của họ, rồi mời vị trưởng họ làm lễ trình tổ tiên.

Sau lễ nhập họ của các “đinh” mới, là lễ cáo yết của các “đinh” trong toàn dòng họ. Và cuối cùng tất cả đàn ông con trai cùng ra đồng thắp hương phần mộ cụ tổ, sau đó từng chi tự tảo mộ các chi của mình. Sau lễ tảo mộ, các “đinh” tập trung tại nhà trưởng họ ngồi ăn uống theo ngôi thứ cao thấp trong họ.

Vì ngày xưa trưởng họ có 1 sào ruộng hương hoả nên tất cả chi phí của Chạp đều do trưởng họ lo toàn bộ. Thường là những ngày này, trưởng họ thịt lợn, mổ trâu, mổ bò ăn uống rất linh đình, vui vẻ. 

Gắn tình quê hương

Nghi lễ Chạp họ Nguyễn - thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).
Nghi lễ Chạp họ Nguyễn - thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).

Ngày nay, cuộc sống văn minh hơn, phong tục ăn Chạp họ vẫn được giữ gìn, nhưng người ta đã thay đổi cho phù hợp với lối sống mới. Thành phần tham gia ăn Chạp họ cũng không phân biệt trai gái như xưa mà được mở rộng hơn, gồm cả con dâu và các con gái tham gia.

Trưởng họ bây giờ không có ruộng hương hoả như xưa nên mọi thủ tục ăn uống cũng đơn giản. Tất cả kinh phí đều do các gia đình đóng góp, thường là con trai thì góp nhiều hơn, con gái góp bằng nửa. Các “đinh” dưới 5 tuổi và trên 70 tuổi thì miễn phải góp.

Trong bữa ăn ấy, người ở xa về nhận diện được họ hàng, người ở làng cũng biết đến người thân tộc còn làm ăn nơi xa, cùng với những câu chuyện hỏi han nhau về cách làm ăn, hay truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm phương thức làm giàu chân chính…

Đây cũng là lúc các cụ cao niên kể cho con cháu nghe về truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình, những tấm gương tốt, hiếu thuận, đồng thời phê phán những hiện tượng chưa tốt trong tu dưỡng đạo đức.

Có những dòng họ còn lập “gia pháp”, “gia quy” phù hợp với nếp sống mới để quy định những việc nên làm và không được phép làm, thưởng phạt rất cụ thể phân minh. Điều này đã thực sự phát huy hiệu quả rất lớn, vì tác động đến lòng tự trọng của mỗi người, phát huy đựơc những truyền thống tốt đẹp của các gia đình trong tộc họ. 

Hầu hết các dòng họ ở huyện Lạng Giang đều đã lập quỹ khuyến học. Quỹ này do các đinh “ăn nên làm ra” tự tâm đóng góp, hay gia đình nào có “lộc” gì đều góp vào quỹ khuyến học, coi đó như một lời động viên lớp trẻ cố gắng phấn đấu học hành giỏi giang đỗ đạt. Quỹ này dùng để thưởng các cháu đỗ đạt, như đạt học sinh giỏi các cấp, đỗ đại học, cao đẳng… Dù phần thưởng không lớn, đôi khi chỉ là sách vở hoặc một vài trăm nghìn đồng nhưng cũng đã động viên, khích lệ các em rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Phương - Bí thư thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết: Nét đẹp Chạp họ rất cần được gìn giữ và lưu truyền lại. Vì ngoài việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, sự đùm bọc yêu thương lẫn nhau trong cùng một dòng tộc, ngày Chạp họ còn giúp các cá nhân gìn giữ và phát huy được những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ mình.

Hiện rất nhiều làng quê đã có các dòng họ khoa bảng, con cháu cũng phấn đấu noi theo và làm rạng danh truyền thống khoa bảng ấy.

Để nét đẹp Chạp họ được phát huy đúng bản chất tốt đẹp vốn có của nó, các dòng họ trong huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đang được đưa vào hương ước cụ thể của các làng xã để sao cho giá trị vật chất không lấn át giá trị tinh thần, không lợi dụng để phô trương hay khích bác lẫn nhau giữa các dòng họ. Chính vì vậy đã tạo ra nét đẹp văn hóa nông thôn gắn kết quê hương rất ý nghĩa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.