Chắp đôi cánh âm nhạc cho 'Hoàng tử bé'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tiểu thuyết 'Hoàng tử bé' được nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp Marc-Olivier Dupin chắp thêm đôi cánh và lần đầu tiên 'bay' đến Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ với ông vua ở một thiên thạch của hoàng tử bé được thể hiện hài hước, thú vị. Ảnh: Bình Thanh
Cuộc gặp gỡ với ông vua ở một thiên thạch của hoàng tử bé được thể hiện hài hước, thú vị. Ảnh: Bình Thanh

Sự kiện thú vị diễn ra mới đây tại Hà Nội đã nhân thêm tình cảm yêu mến của công chúng với cậu hoàng tử vốn nổi tiếng khắp thế giới qua trang văn đặc sắc của Antoine de Saint-Exupéry…

Quyện hòa cảm xúc

Cả hai đêm biểu diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” tại Nhà hát Lớn Hà Nội đều kín khán giả, không chỉ người lớn mà cả những cô bé, cậu bé chừng tuổi 10 - 12. Ban đầu nhìn vào chương trình phần nào đem đến cảm giác sốt ruột, vì khán giả chưa được bước ngày vào “Hoàng tử bé” mà cần khai màn với 3 tác phẩm âm nhạc.

Nhưng, ngay khi thanh âm của những: “Se chỉ luồn kim” (dân ca Việt Nam, phối khí: Trần Mạnh Hùng , “Khúc suy tưởng” (trích từ vở opera “Thais” của nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin) và “L'Introduction et Rondo capriccioso” cung la thứ, op.28 của Camille Saint-Saëns vang lên thì mới thấy đây là cách ban tổ chức cố tình mời khán giả món khai vị giao lưu văn hóa Việt - Pháp đầy tinh tế, khéo léo, vừa vặn.

Sự kết hợp với tranh minh họa là 'tình yêu sét đánh' của nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin và họa sĩ Joann Sfar. Ảnh: Bình Thanh.

Sự kết hợp với tranh minh họa là 'tình yêu sét đánh' của nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin và họa sĩ Joann Sfar. Ảnh: Bình Thanh.

Những bản nhạc được hòa tấu ngọt ngào cùng tiếng violon solo rung cảm của Bùi Công Duy đã tạo mạch dẫn xuất cảm xúc, hối thúc khán giả sửa soạn một tâm hồn đẹp cùng đôi mắt trong veo để gặp gỡ chàng hoàng tử mến yêu của mình trong một diện mạo mới mà không bị lạ lẫm.

Bởi thế, khi bước vào không gian âm nhạc quyện hòa cùng lời kể chuyện của Hứa Thanh Tú và những bức tranh chuyển thể của họa sĩ Joann Sfar thì khán giả nhập cuộc ngay để dõi theo bước chân khám phá vũ trụ của “Hoàng tử bé”.

Khi đó, dù sân khấu được chia 3 với bảng điện tử, dàn nhạc giao hưởng và người kể chuyện thế nhưng không có ranh giới nào bị vạch ra mà tất cả gần như hòa làm một, tạo thành tổng thể (nếu đôi khi không ngước đọc phụ đề tiếng Việt) để đem đến những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.

Bám sát cốt truyện của nguyên tác nên câu chuyện tất nhiên được bắt đầu từ những ám ảnh của nhân vật “tôi” về bức tranh lúc còn nhỏ cố gắng vẽ theo sự tưởng tượng của mình - con trăn nuốt một con voi.

Thế nhưng, niềm yêu thích ấy luôn bị người lớn, kể cả cha mẹ xem thường, cười chê, nhạo báng… đến nỗi cậu phải từ bỏ và lao vào những bài học toán, lịch sử, địa lý… rồi trở thành phi công.

Ở những phút giây mở đầu này, biểu cảm trong ngôn ngữ của Hứa Thanh Tú thật sống động; lúc là tiếng nói yếu ớt nhưng chứa đựng tâm trạng hậm hực của một đứa trẻ bị phản đối theo đuổi ước mơ; lúc lại là những giễu cợt vô cảm của người lớn với con trẻ.

Âm nhạc do Marc-Olivier Dupin soạn và chỉ huy được Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thể hiện cũng không kém phần sinh động, có lúc buồn rượi bởi nỗi thất vọng trước người lớn khi ước mơ của con trẻ không được lắng nghe, cổ vũ…

Còn các tranh minh họa được trình chiếu cũng có những biểu cảm, chuyển động theo diễn biến tâm trạng vừa hóm hỉnh vừa diễu nhại cho cái điều: “Người lớn không bao giờ tự mình hiểu được điều gì và trẻ con lúc nào cũng phải giảng giải… Tại người lớn mà tôi nản lòng trong sự nghiệp hội họa…”.

Nối tiếp đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ của nhân vật “tôi” với cậu hoàng tử trong tình huống “tôi” bị mắc kẹt ở sa mạc vì máy bay hỏng. Cũng phải từ đây ông mới có được người bạn thực sự của mình.

Người bạn ấy đến từ một hành tinh khác rủ rỉ bao nhiêu là chuyện tưởng trẻ con mà chẳng con trẻ chút nào: Từ chuyện về quê hương đến những cây bao báp rồi ước mơ được ngắm Mặt trời lặn nhiều lần bằng cách dịch ghế cùng tình yêu với bông hoa của cậu hoàng tử để thấy “cuộc đời nhỏ nhoi, man mác của em”...

Hay như, những trò chuyện của cậu bé với ông vua, kẻ khoác lác, gã nát rượu, lão tư bản, người thắp đèn, nhà địa lý… khi đi thăm các thiên thạch ở hành tinh của mình không phải là chuyện phiếm mà luôn gieo lại những luận bàn, triết lý về các vấn đề của cuộc sống. Và mỗi cuộc gặp gỡ ấy được trải ra bằng dòng nhạc, lời kể chuyện và tranh minh họa lung linh sắc màu.

Nếu tranh biểu đạt sắc màu biểu cảm ngoại hình các nhân vật cậu hoàng tử gặp thì nhạc biểu đạt những diễn biến nội tâm của cậu bé. Đó là sự chấp thuận với những điều tâm đắc “Uy quyền trước hết dựa trên lẽ phải”, “Xét mình khó hơn xét người nhiều.

Nếu ngươi xét được mình đúng đắn, thì ngươi là một bậc hiền nhân chân chính” (gặp ông vua) đến nỗi khó chịu khi nhận ra “những người lớn chắc chắn là kỳ quặc, kỳ dị”. Ở đó có cả nỗi “miên man buồn” khi gặp gã nát rượu trong cái vòng luẩn quẩn uống rượu để “quên nỗi xấu hổ - xấu hổ vì uống rượu”; tiếng thở dài, buồn tiếc trước sự cần mẫn lo cho “một cái gì khác” đến vô lý ở người thắp đèn...

Nhất là cuộc gặp gỡ của cậu hoàng tử khi đặt chân đến hành tinh Trái đất: Với vườn hoa hồng, con cáo, con rắn, người gác ghi và cuối cùng là “tôi”. Khi đó, âm nhạc rất đỗi ảo diệu trước vườn hồng nhưng nhanh chóng chùng xuống khi cậu bé gặp con cáo.

Sự chùng xuống ấy để diễn tả sự xích lại gần nhau mà thấu hiểu và kết nối một tình bạn thân của hai kẻ cô đơn. Dù rằng sẽ luôn là những tiếc nhớ khi phải ly biệt nhưng điều nhìn thấy và lắng lại trong lòng mỗi người mới quan trọng: “Người ta chỉ có thể nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình.

Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy”… Trong rất nhiều thông điệp được gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết thì đây là thông điệp được tác giả Saint-Exupéry trở đi trở lại trong cuộc chia biệt giữa nhân vật “tôi” với cậu hoàng tử bé và nó được âm nhạc, tranh vẽ, người kể chuyện của phiên bản “Hoàng tử bé” do nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin chuyển soạn làm sáng rõ hơn…

Đa dạng biểu đạt văn hóa

Tiểu thuyết 'Hoàng tử bé' có phiên bản giao hưởng kết hợp với kể chuyện, trình chiếu tranh minh họa. Ảnh: Bình Thanh.

Tiểu thuyết 'Hoàng tử bé' có phiên bản giao hưởng kết hợp với kể chuyện, trình chiếu tranh minh họa. Ảnh: Bình Thanh.

Chương trình biểu diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” là sự kiện văn hóa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức. Đây cũng là sự kiện mừng sinh nhật tuổi 80 của tác phẩm văn học kinh điển được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, bán chạy nhất thế giới… như “Hoàng tử bé”.

Theo bà Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH,TT&DL, trong chuỗi các sự kiện văn hóa được tổ chức đồng thời ở Pháp và Việt Nam, chương trình này là một trong những hoạt động điểm nhấn mang tính hợp tác tầm quốc gia.

“Với sự trợ giúp của công nghệ và phần trình diễn của nghệ sĩ hàng đầu của hai nước, chương trình góp phần phát huy sự đa dạng sự biểu đạt văn hóa cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam”, bà Vân nhấn mạnh.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery cho rằng, “Hoàng tử bé” là kiệt tác văn học, có một ngôn ngữ mang tính triết học, tính thơ rất cao, có giá trị hoài niệm. Tác phẩm này không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cho mọi lứa tuổi với những suy nghĩ sâu sắc về nhiều vấn đề lớn trong cuộc sống như: Tình bạn, sự mất mát, vận mệnh cũng như sự ra đi và cái chết.

“Vinh danh tác phẩm là việc cần làm nhưng không dễ. Buổi biểu diễn giới thiệu tới công chúng Việt Nam phương pháp tiếp cận dưới 3 góc độ: Tác phẩm kinh điển của văn học Pháp được đọc rất nhiều trên thế giới cùng tranh chuyển thể và kết hợp với bản giao hưởng độc đáo”, ông Nicolas Warnery nhấn mạnh.

Chia sẻ về đứa con tinh thần của mình, nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin bày tỏ niềm vui và sự hân hạnh khi được đến Hà Nội để thực hiện dự án. Theo ông, dù chỉ tập luyện trong vòng chưa đầy một tuần nhưng các bộ phận từ dàn nhạc giao hưởng đến người kể chuyện và bộ phận kỹ thuật… có sự phối hợp ăn ý khá nhuần nhuyễn.

Tác phẩm âm nhạc “Hoàng tử bé” được chuyển soạn năm 2015, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên song ở quy mô nhỏ khi chỉ có 4 nhạc cụ tham gia biểu diễn. Để hoàn chỉnh tác phẩm như hiện nay từ một lời đề xuất, Marc-Olivier Dupin đã đọc lại tác phẩm và gặp “tình yêu sét đánh” khi phát hiện có một phiên bản truyện tranh của Joann Sfar.

Việc kết hợp tranh của Joann Sfar cùng biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật cũng cần phải khéo léo, không phải chiếu như một bộ phim hay tuần tự như chiếu slide. Vì vậy, Marc-Olivier Dupin cảm thấy may mắn khi được làm việc với chuyên gia giúp việc trình chiếu này một cách nghệ thuật, các bức tranh có sự chuyển động nhưng không phải là phim.

Lời thoại trung thành với 2 tác phẩm, không có bất kỳ thay đổi nào. Vì vậy Marc-Olivier Dupin phải dành nhiều thời gian chú ý phần tranh vẽ và lời thoại; đồng thời cố gắng thu xếp để phần biểu diễn chỉ dưới một tiếng phù hợp cho các lứa tuổi, nhất là với các em học sinh.

“Tôi đã cố gắng để cảm xúc lựa chọn các chi tiết, trích đoạn trong nguyên tác để chuyển soạn. Điều thú vị tôi rút ra trong tác phẩm này là cách nhìn nhận, ứng xử của chúng ta với cái chết.

Chiều kích được khai thác về cái chết ở đây rất hay, không khiến ta buồn khi đọc về cái chết, cho phép ta có một quãng lùi khi xử lý, nhìn nhận cái chết trên một góc độ hết sức thông thái. Tác phẩm đã được biểu diễn nhiều lần ở Pháp, Thụy Sĩ và tới đây sẽ biểu diễn ở Anh, Đức...”, nhà soạn nhạc Marc-Olivier Dupin nói.

Chương trình biểu diễn âm nhạc 'Hoàng tử bé' tiếp tục gửi đến công chúng những thông điệp sâu sắc về cuộc sống. Ảnh: Bình Thanh

Chương trình biểu diễn âm nhạc 'Hoàng tử bé' tiếp tục gửi đến công chúng những thông điệp sâu sắc về cuộc sống. Ảnh: Bình Thanh

“Chương trình biểu diễn âm nhạc “Hoàng tử bé” góp phần làm phong phú hơn đời sống âm nhạc Việt Nam. Chương trình cũng tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ nước nhà quan tâm hơn đến việc làm mới các tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới cũng như các tác phẩm văn học đặc sắc của Việt Nam bằng các hình thức phong phú, đa dạng, mang đến hơi thở mới của thời đại, đặc biệt là những cảm xúc mới mẻ cho khán giả” - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH,TT&DL Trần Hải Vân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.