Chào hè với búp bê xứ sở Phù Tang

GD&TĐ - Để mùa hè thêm ý nghĩa, hai triển lãm về búp bê sẽ đem đến cho các bạn nhỏ sự tươi mới, hóm hỉnh cũng như khám phá nét văn hóa đặc biệt của xứ sở Phù Tang.

Triển lãm búp bê Hina tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Triển lãm búp bê Hina tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bộ sưu tập búp bê Hina được trang trí trên kệ 7 tầng là điểm nhấn đặc biệt của chương trình “Chào hè cùng văn hóa Nhật Bản” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó là triển lãm búp bê gỗ Kokeshi, diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản - 27 Quang Trung (Hoàn Kiếm - Hà Nội), từ ngày 3/6.

Búp bê may mắn

Sự kiện “Chào hè cùng văn hóa Nhật Bản” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bao gồm chuỗi hoạt động trưng bày và trải nghiệm, tương tác tập trung vào những nét văn hóa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc.

Điểm nhấn của sự kiện là trưng bày giới thiệu 108 búp bê truyền thống Nhật Bản với nhiều kích thước và loại hình như búp bê thiếu nữ, búp bê nam, búp bê hình dáng 12 con giáp, búp bê nhân vật cổ tích…

Đặc biệt trong bộ sưu tập là búp bê Hina được trang trí trên kệ 7 tầng. Ở Nhật Bản, ngày 3 tháng 3 là lễ hội dành cho các bé gái (hay còn gọi là lễ hội búp bê Hina).

Trong lễ hội này các gia đình sẽ trang trí những con búp bê Hina, với mong muốn cầu cho con cái có cuộc sống luôn hạnh phúc. Đây cũng là một trong những ngày rất hiếm hoi trong năm, mà các bé gái xứ sở Phù Tang có thể tận hưởng bữa tiệc dành riêng cho mình.

Từ xa xưa, ở Nhật Bản đã có tập quán làm sạch cơ thể để xua đuổi những điều không may mắn vào những lúc giao mùa. Vào ngày này người ta sẽ làm những con búp bê hình người. Những con búp bê này được làm ra để nhận thay con người những điều rủi ro hay bệnh tật và mang ra sông thả trôi đi.

Trong tiếng Nhật, “Hina” có nghĩa là “búp bê nhỏ”. Đây là một loại búp bê đặc biệt xinh đẹp, là biểu tượng cho vua và hoàng hậu cùng những cận thần. Hina là loại búp bê quý giá và đắt tiền nên được các cô gái khi lập gia đình mang theo về nhà chồng như một vật may mắn. Cho nên Hina còn được truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ. Chúng được trưng bày trong căn phòng đẹp nhất của gia đình một vài ngày trong kỳ lễ hội, sau đó được cất giữ cẩn thận trong hộp cho đến kỳ lễ hội năm sau.

Tùy vào cách chế tạo mà búp bê Hina được phân thành 2 loại: Kimekomi và Ishochaku. Kimekomi là búp bê có y phục làm bằng cách khắc hoặc dán vải trực tiếp vào hình nhân. Còn Ishochaku thì y phục được làm riêng. Loại nào cũng có nét đặc trưng và đều chế tác rất tỉ mỉ, tinh xảo.

Ngoài ra, búp bê Hina còn được phân loại theo số búp bê có trong một bộ. Theo truyền thống, một bộ đầy đủ nhất bao gồm 15 búp bê và được trang trí trên một kệ 7 tầng phủ thảm đỏ. Tầng trên cùng là vua và hoàng hậu, sau lưng là một bức bình phong gọi là Byobu. Ở hai bên là 2 cây đèn đứng gọi là Bonbori, thường có hoa văn là hoa anh đào hoặc hoa đào.

Trước mặt vua và hoàng hậu là Sanpokazari và Hishidai.

Sanpokazari là hai bình hoa được cắm hai nhánh hoa đào. Hishidai là hai bệ đựng Omochi (một món ăn truyền thống của Nhật, gần giống như bánh dày của Việt Nam) gọi là Hishi-mochi. Hishi-mochi trên Hishidai có hình dạng như viên kim cương và có màu sắc tươi sáng tượng trưng cho sắc màu mùa xuân.

Trong không gian trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn có món quà đặc biệt dành cho các bạn nhỏ. Đó là bộ sưu tập và các hoạt động tương tác với đồ chơi truyền thống Nhật Bản, như: Kendama (đồ chơi tung hứng), Koma (con quay), Hanetsuki (cầu lông), Tako (diều giấy thủ công)…

Búp bê gỗ Kokeshi.

Búp bê gỗ Kokeshi.

Không đơn giản chỉ là búp bê

Theo một số nhà sưu tập, trung bình mỗi búp bê Nhật Bản có giá khoảng 10 triệu đồng – tuỳ theo độ tinh xảo và hoạ tiết. Ý nghĩa của việc sưu tập là dạy cho các bé về cái đẹp, văn hóa, đức tính tỉ mỉ, cần cù và hình thành cho bé cách giữ gìn, nâng niu đồ đạc.

Bắt đầu từ ngày 3/6, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, triển lãm búp bê gỗ Kokeshi cũng bắt đầu mở cửa, chào đón các bạn nhỏ Việt Nam.

Theo Ban tổ chức triển lãm, Kokeshi là tên gọi của một loại búp bê được làm bằng gỗ ở vùng Tohoku, xuất hiện vào cuối thời Edo. Những con búp bê Kokeshi truyền thống thường được sản xuất tại các vùng núi có suối nước nóng.

Người ta nói rằng, ban đầu Kokeshi được làm ra là để làm quà lưu niệm cho trẻ em, và những người thợ làm ra Kokeshi được gọi là “Kijishi” - vốn là những người chuyên sản xuất bát và chậu bằng gỗ để bán tại các địa điểm có suối nước nóng.

Hiện nay Kokeshi truyền thống được phân thành 12 loại và nguồn gốc cũng như đặc điểm riêng được định hình bởi các hoa văn và kỹ thuật đặc biệt phù hợp với từng khu vực sản xuất.

Triển lãm lần này trưng bày hai loại Kokeshi - truyền thống và hiện đại để giúp khán giả nhỏ tuổi cảm nhận được tinh thần Nhật Bản. Qua đó còn thấy rằng búp bê không đơn giản chỉ là búp bê, mà còn là văn hóa và tinh hoa kỹ nghệ.

Ở Việt Nam, trong mấy năm gần đây, hoạt động sưu tầm búp bê Nhật Bản diễn ra khá mạnh. Nhà sưu tập Trần Thanh Hương (Hà Nội) cho rằng, búp bê Kokeshi hội tụ tất cả các yếu tố đơn giản, làm thủ công bằng tay, vẽ tỉ mỉ - xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật truyền thống Nhật Bản.

Chị Hồ Tố Liên – Trưởng khoa Nhật Bản học, ĐH Hutech có đến 20 năm sưu tầm búp bê. Đến nay, chị sở hữu khoảng 50 búp bê Nhật Bản khác nhau. Mỗi búp bê đều có những câu chuyện riêng, gắn với kỉ niệm đặc biệt và được chị xem như những người bạn.

Trong đó, có búp bê Kimekomi đã được chị Liên giữ gìn 16 năm. Búp bê này mô phỏng một bé gái, được cấu tạo từ đất nung bên trong, bên ngoài bọc vải kim sa. Búp bê có với khuôn mặt bầu bĩnh, mang ý nghĩa cầu phúc lành cho các bé gái trong nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ