Gần đây, người tiêu dùng tại Việt Nam lại được dịp xôn xao vì một thức chanh lạ, có giá tới 3,5 triệu đồng/kg, tức đắt gấp... gần 100 lần so với những loại chanh tươi và ngon nhất của Việt Nam. Loại chanh đó mang tên: Chanh ngón tay.
Tuy mức giá đắt đỏ là thế nhưng giới nhà giàu Việt vẫn tranh nhau đặt mua để ăn thử. Nguồn nhập hàng chủ yếu lấy từ Thái Lan, chỉ gần đây giống chanh ngón tay mới bắt đầu được trồng tại các nhà vườn ở Đà Lạt.
Chanh ngón tay - finger lime (tên khoa học là Microcitrus australasica) là một loài thực vật có hoa thuộc họ cam chanh, và là một trong 6 loài chanh bản địa của Úc. Loại chanh này mọc trong những cánh rừng mưa ven biển phía đông. Loài cây này có nhiều gai, lá nhỏ, kháng sâu bệnh tốt nên chăm sóc cực kỳ đơn giản.
Một số nhà vườn Thái Lan đã nhập giống cây này về trồng và thực hiện chiết ghép để nhân giống bán cho dân bản địa. Tuy nhiên, số lượng không có nhiều bởi bên Thái Lan mới chỉ có vài nhà vườn có giống.
Quả chanh ngón tay có hình trụ, dài 4-8cm. Vỏ mỏng, có nhiều màu sắc khác nhau như màu xanh lá cây, xanh đen, màu tím, màu đỏ tía hay màu đỏ nhạt. Đặc biệt là tép chanh thì tròn, mọng nước, có màu xanh hoặc hồng nhạt với hình dạng giống hệt trứng cá hồi.
Đây có thể xem là loài chanh đặc biệt bậc nhất trong họ cam chanh, khi không những có hình dáng khác biệt, mà cả những múi chanh bên trong nhìn cũng rất "sai" so với chanh thường.
Chanh ngón tay có mùi thơm rất đặc biệt, vị chua ngọt không hề giống các loại chanh của Việt Nam. Theo nhiều ý kiến chuyên gia, từng tép chanh mọng nước có hương vị kết hợp giữa chanh vàng và chanh thường. Nó có thể dùng để ăn cùng các món hải sải như: sushi, hàu tươi sống giúp tăng độ hấp dẫn cho các món hải sản.
Quý hiếm và đặc biệt, nhưng loại chanh này đã từng có thời gian suýt bị tuyệt chủng vì con người.
Cụ thể, theo như các chuyên gia dự đoán, chanh ngón tay đã xuất hiện từ 18 triệu năm về trước, trở thành loài cây đặc hữu của hai vùng Queensland và South Wales (Úc). Loài cây gai góc, có sức chịu đựng tốt nhanh chóng phát triển mạnh mẽ trong những khu rừng nhiệt đới.
Mọi chuyện chỉ khác đi khi người châu Âu xâm lược nơi đây vào thế kỷ 18. Rất rất nhiều chanh ngón tay đã bị đốn hạ để lấy chỗ phục vụ cho nông nghiệp, cho chăn nuôi, khiến loài cây này gần như kiệt quệ. May mắn thay, một số cây vẫn còn sót lại trong Công viên Quốc gia, để bây giờ con người vẫn còn được thưởng thức loại "cực phẩm chanh" này.
Những năm gần đây, chanh ngón tay bắt đầu được nhân giống tại nhiều nơi trên thế giới - như Mỹ, một số nước châu Âu, Thái Lan... nhưng chưa nhiều. Cộng thêm nhu cầu tăng cao, việc một cân chanh có giá 3,5 triệu đồng tại Việt Nam có lẽ cũng dễ hiểu.