Chàng sinh viên trẻ từ chối lương "khủng" để theo đuổi chip quang tử 

GD&TĐ - Hai năm nghiên cứu, bốn tháng xét duyệt và hàng nghìn giờ trau dồi kiến thức, mất ăn mất ngủ, chàng sinh viên trẻ tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đạt được kỳ tích với nghiên cứu về chip quang tử... 

Đỗ Hoàng Khôi Nguyên - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Đỗ Hoàng Khôi Nguyên - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Thành công không đến dễ dàng

Đỗ Hoàng Khôi Nguyên và nhóm nghiên cứu ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đón tin vui khi bài báo khoa học
Self-controlling photonic-on-chip networks with deep reinforcement learning (Mạng quang tử trên chip tự điều khiển với học tăng cường sâu - PV) được xuất bản trên tạp chí khoa học Scientific Reports (hệ thống Nature).

Công trình được hướng dẫn bởi PGS.TS Phạm Văn Cường - Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin và TS Trương Cao Dũng - Bộ môn Điện tử máy tính, đều cùng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Đây là bài báo tập trung vấn đề các chip quang tử silic cho phép chuyển mạch đa hướng, làm thế nào để xây dựng một mạng lưới các cổng kết nối lớn hoạt động thông minh, tốc độ cao.  

Theo PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sinh viên mới tốt nghiệp mà có bài báo trên hệ thống Nature là quá đỗi xuất sắc, rất hiếm gặp.

Chia sẻ về công trình, Đỗ Hoàng Khôi Nguyên cho biết đây là bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế đầu tiên với tư cách là tác giả chính (first author), là một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu AI Photonics (quang tử học AI - PV) của PTIT.

Để có được thành quả trên, Khôi Nguyên đã xin gia nhập phòng nghiên cứu AI Photonics của TS Trương Cao Dũng. Sau 2 năm nghiên cứu và hoàn thiện bài báo, bản thảo đã được gửi đi vào tháng 6/2021. Bốn tháng sau, tạp chí Scientific Reports của Nature mới chấp nhận đăng tải qua nhiều khâu xét duyệt, phản biện khoa học từ các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

TS Trương Cao Dũng cho biết: “Ban đầu, bài báo đã nộp vào tạp chí Nature Communications và được đánh giá cao. Tuy nhiên, bài báo có điểm yếu ở phần thực nghiệm về một mạng quang tử silic cỡ lớn tích hợp trên chip. Bởi lẽ, giá thành công nghệ sản xuất vi mạch tiên tiến để chế tạo như vậy là rất đắt đỏ và tốn nhiều thời gian.

Do đó, khi bài báo được gợi ý chuyển xuống Nature Scientific Reports thì được các chuyên gia phản biện tạp chí này hoan nghênh. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tiếp tục thực hiện những nghiên cứu cao cấp hơn để có thể chinh phục hệ thống có IF cao hơn và uy tín hơn như Nature Photonics hay Nature Communications của Nature”.

“Để có bài công bố quốc tế, đặc biệt công bố trên tạp chí Q1 hệ số tác động cao cần phải có ý tưởng độc đáo, mới mẻ. Bài báo này thuộc dạng hiếm là thành tựu ngay cả với các nhà khoa học hàng đầu ở đất nước phát triển số một như Hoa Kỳ”, TS Nguyễn Minh Hoài - Đại học Stony Brook (Hoa Kỳ) - cho biết.

Viết tiếp ước mơ

Đỗ Hoàng Khôi Nguyên và nhóm nghiên cứu.
Đỗ Hoàng Khôi Nguyên và nhóm nghiên cứu. 

Đỗ Hoàng Khôi Nguyên chia sẻ, bạn sắp thi chứng chỉ GRE để hoàn tất thủ tục cần thiết nhằm xin suất học bổng chương trình Tiến sĩ ở Hoa Kỳ. Ngôi trường mà Nguyên hướng tới là Đại học Florida (Gainesville) để tiếp tục theo đuổi những hướng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo về mảng học tăng cường sâu. Đặc biệt, Đỗ Hoàng Khôi Nguyên rất quan tâm mảng nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo có thể giải thích được (Explainable Artificial Intelligence - PV).

Từ chối mức lương khoảng 2.000 USD/tháng của một công ty công nghệ lớn, Nguyên dành tất cả đam mê để viết tiếp còn ước mơ tiếp tục nghiên cứu khoa học mà bạn đau đáu trong những năm học đại học.

“Mình muốn học tập và nghiên cứu thật tốt tại một nước dẫn đầu thế giới về sáng tạo và phát minh khoa học, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). Sau đó, mình sẽ về nước để trở thành một giảng viên đại học và phát triển một dự án khởi nghiệp (Startup Project - PV) về công nghệ AI”, Khôi Nguyên thổ lộ.

Theo PGS.TS Phạm Văn Cường, việc sử dụng kỹ thuật của các mô hình MSD-PPO trong bài báo có thể áp dụng hiệu quả cho các bài toán định tuyến, phân bố tài nguyên và tái cấu hình trong mạng quang sợi hay mạng thông tin kết nối các trung tâm dữ liệu với các tham số mạng thay đổi một cách tối ưu.
Kết quả từ công trình có thể giải quyết bài toán giao thông thông minh (Intelligent Transportation – PV). Cụ thể là sự kết hợp các mô hình dữ liệu chuỗi thời gian thực để phân hoạch lưu lượng giao thông nhờ sự điều hành từ các camera giám sát.  Bài báo cũng giúp biến một cấu trúc mạng trở thành một mạng tự nhận thức cho phép xử lý phân tán nhanh chóng và hiệu quả bất chấp kích cơ kết nối.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ