Nhận được học bổng tại Đại học Hoàng gia Phnôm Pênh (RUPP), Vương quốc Campuchia là điều không hề dễ dàng bởi những tiêu chí khắt khe và số lượng chỉ tiêu hạn chế dành cho sinh viên nước ngoài.
Tuy nhiên, ngay tại ngôi trường này, có một lưu học sinh người Việt đã để lại những dấu ấn sâu sắc cho thầy cô và bạn bè bởi sự thân thiện, hòa đồng và thành tích đáng nể trong học tập cũng như các hoạt động đoàn thể. Đó là Kiên Sehás - chàng sinh viên nhiệt huyết, năng nổ của Đoàn Lưu học sinh Việt Nam tại Phnôm Pênh.
Dạy tiếng Việt cho thầy hiệu trưởng
Kiên Sehás sinh ra và lớn lên trong gia đình Khmer Nam bộ tại vùng quê nghèo thuộc xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ngay từ nhỏ Sehás đã mang trong mình quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để có thể hoàn thiện bản thân và giúp gia đình vơi đi những khó khăn.
Tháng 9/2014, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, Sehás đã trúng tuyển học bổng để theo học chuyên ngành Ngữ văn Khmer, hệ chính quy 5 năm của trường Đại học Hoàng gia Phnôm Pênh, Campuchia.
Với vốn kiến thức cơ bản về ngôn ngữ Khmer sẵn có, Sehás hoàn toàn có thể bỏ qua 1 năm dự bị học tiếng để bắt đầu theo học chuyên ngành. Thế nhưng chàng sinh viên đến từ Trà Vinh vẫn lựa chọn học dự bị 1 năm để có nhiều thời gian tìm hiểu về vùng đất Campuchia cũng như con người nơi đây.
Nhờ đức tính cần cù, siêng năng, trong 5 năm học tại RUPP, Sehás liên tiếp đạt thành tích học tập xuất sắc. Chàng trai trẻ còn khiến nhiều người phải thán phục khi thường xuyên vượt qua nhiều sinh viên bản địa, đứng đầu bảng thành tích học tập của lớp học bổng Ngữ văn Khmer A, niên khóa 36.
Điều khiến Kiên Sehás tự hào hơn cả trong quãng thời gian học tập tại RUPP đó là vinh dự được mang tiếng Việt vào ngôi trường danh tiếng này và trở thành “thầy giáo” của chính thầy Chet Chealy - Hiệu trưởng RUPP.
Xuất phát từ mong muốn học tiếng Việt của thầy Hiệu trưởng để có thể giao tiếp cơ bản với sinh viên và các đối tác đến từ Việt Nam, ban lãnh đạo nhà trường đã liên hệ với Đại sứ quán và đoàn lưu học sinh để được giới thiệu người hỗ trợ. Tuy nhiên quá trình lựa chọn “thầy giáo tiếng Việt” lại không hề dễ dàng bởi nhiều bạn sinh viên không tự tin đáp ứng các tiêu chí về phát âm chuẩn hoá, ngôn ngữ, kỹ năng giảng dạy cũng như tâm lý.
Cuối cùng, phương án được chọn là một bạn sinh viên Khmer Nam bộ là Kiên Sehás đứng lớp giảng dạy và một bạn sinh viên đến từ Hà Nội có tên Nguyễn Minh Dũng hướng dẫn phát âm tiếng Việt.
Hay tin mình được giao trọng trách lớn, Sehás cho biết mình thấy hãnh diện nhưng cũng vô cùng lo lắng vì “không có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Trong khi đó những người ngồi trong lớp học lại có học vị rất cao như TS, PGS…
Tuy nhiên, đứng trước thách thức lớn, chàng sinh viên ấy không hề nao núng mà ngày đêm trăn trở, học hỏi thầy cô, bạn bè để xây dựng giáo trình và tổ chức lớp giảng dạy. Lớp học chỉ duy trì được thời gian ngắn, do các “học sinh đặc biệt” có lịch trình bận rộn, thường xuyên đi công tác, nhưng nỗ lực của Kiên Sehás và người bạn của mình đã nhận được những lời tán thưởng và tình cảm yêu quý của các thầy cô.
Thậm chí trong những sự kiện quan trọng, chính thầy Hiệu trưởng Chet Chealy đã khiến nhiều người bất ngờ khi giới thiệu Sehás là “thầy giáo của tôi”.
Đặc biệt hơn nữa, trong bài phát biểu nhân chuyến thăm của Đoàn Uỷ ban Nhân dân TP.HCM cùng Đại học Quốc gia TP.HCM do ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ dẫn đầu, thầy hiệu trưởng đã nhấn mạnh trong số các sinh viên Việt Nam theo học tại đây có 2 người là “thầy giáo của tôi” khiến Sehás như vỡ òa trong hạnh phúc và hãnh diện.
Người nước ngoài hiếm hoi tham gia đội văn nghệ truyền thống của trường
Không những có thành tích nổi bật trong học tập, Sehás còn khiến nhiều người phải thán phục khi sở hữu khả năng chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống.
Trong quá trình học tập tại Campuchia, Sehás luôn cố gắng tranh thủ thời gian tham gia các khóa học ngắn hạn về văn nghệ (biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nhạc Dù-kê, nhạc Môhori) tại trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Campuchia, đăng ký học phụ đạo với các bậc thầy về nghệ thuật âm nhạc truyền thống của đất nước với những làn điệu Chòm-riêng Chà-pây du dương (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể) cùng âm điệu của dàn nhạc ngũ âm và dàn nhạc cưới cổ.
Niềm đam mê và tài năng âm nhạc dân tộc truyền thống Khmer của Sehás đã nhanh chóng được nhà trường chú ý. Chàng sinh viên người Việt đã trở thành người nước ngoài hiếm hoi tham gia đội văn nghệ truyền thống của trường.
“Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết có một sinh viên nước ngoài tham gia các chương trình nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, điều khiến mình yêu thích hơn cả chính là việc thông qua chương trình biểu diễn có cơ hội tiếp xúc với bạn bè, từ đó cảm nhận được sự trân trọng, gần gũi và luôn sẵn sàng giúp đỡ những người bạn Việt Nam của người dân bản địa” - Kiên Sehás chia sẻ.
Sau khi hoàn thành khoá học tại Campuchia, Sehás đã mang những kiến thức mà mình được học tham gia các hoạt động hỗ trợ công tác bảo tồn âm nhạc cũng như văn hoá dân gian Khmer Nam Bộ.
Bên cạnh đó, Kiên Sehás còn tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy và trợ giảng cho lớp truyền dạy Nghệ thuật Chom Riêng Cha Pây cho trường đại học Trà Vinh.
“Văn hoá Khmer với mình là niềm đam mê và cũng là mục tiêu theo đuổi. Bởi kho tàng văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ rất đồ sộ và phong phú nên được nghiên cứu cũng như góp phần truyền bá, bảo tồn là niềm vinh dự cũng là trách nhiệm của bản thân” - Kiên Sehás chia sẻ.
Bên cạnh việc dành thời gian cho các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hoá dân gian Khmer Nam Bộ, Kiên Sehás còn rất năng nổ trong việc quảng bá hình ảnh, uy tín về chất lượng các trường đại học ở Việt Nam nói chung và trường Đại học Trà Vinh nói riêng với bạn bè quốc tế.
Trong quá trình học tập tại Campuchia, Sehás đã nhiệt tình giới thiệu các ngành nghề được đào tạo của trường với bạn bè, đặc biệt học sinh bậc THPT có nguyện vọng sang du học tại Việt Nam và ĐH Trà Vinh. Nhờ đó, trong những năm qua đã có nhiều du học sinh Campuchia đến học tập tại ĐH Trà Vinh với các ngành nghề về Khoa học sức khỏe, Kỹ thuật và Công nghệ, Kinh tế - Luật…
Nhờ sự năng nổ trong học tập cũng như hoạt động hữu nghị Việt Nam - Campuchia, ngày 15/1/2019, Sehás vinh dự được nhận giấy khen từ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam.
Chia sẻ về vinh dự lớn lao mà mình nhận được, chàng sinh viên đến từ Trà Vinh lại khiêm tốn cho rằng mình thực sự may mắn khi được bạn bè và thầy cô giúp đỡ tận tình. “Hy vọng rằng những nỗ lực của mình sẽ góp một phần nhỏ giúp cho mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng vững chắc hơn nữa” - Kiên Sehás bày tỏ.