Chàng sinh viên "bước đi" trong bóng tối

GD&TĐ - “Chia tay” với ánh sáng năm 14 tuổi là cú sốc với Nguyễn Minh Hải (Lâm Hà - Lâm Đồng). Nhưng nó không cản trở được Hải bước tới tương lai, thực hiện ước mơ và chuẩn bị tốt nghiệp Đại học RMIT ở tuổi 27.

Ngay từ nhỏ, Minh Hải đã nhận được nhiều giải thưởng ở bộ môn cờ vua. Ảnh: NVCC
Ngay từ nhỏ, Minh Hải đã nhận được nhiều giải thưởng ở bộ môn cờ vua. Ảnh: NVCC

Đứa trẻ hư “chia tay” ánh sáng

Hải sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn ven Đà Lạt (Lâm Đồng). Dù vậy, bố mẹ Minh Hải không ngày nào để anh thiếu thốn. Theo chính lời Hải, anh là đứa trẻ hư, thích đua đòi, phá hoại và thường xuyên làm bố mẹ buồn.

Minh Hải nhớ lại: “Tôi theo bạn bè đánh nhau, ăn trộm ăn cắp, phá làng phá xóm, bỏ học đi chơi game. Những người hàng xóm sợ tôi như sợ tà. Họ xem tôi như cặn bã của xã hội. Vài người còn kêu bố mẹ kiếm cho tôi cái trại giáo dưỡng mà vứt vào. Thấy tôi đến chơi là họ phải bật chế độ cảnh giác hoặc tìm cách đuổi khéo. Nhiều người cấm con cái họ không chơi với tôi”.

Ngay từ khi sinh ra, mắt của Hải đã kém hơn bạn bè xung quanh. Đã thế, Minh Hải chẳng bao giờ nghe lời bố mẹ bảo vệ đôi mắt ấy, ngày đêm lao vào xem phim, chơi game. Năm 14 tuổi, Hải bị mù vĩnh viễn.

“Tôi òa khóc nói “sao con không thấy gì nữa bố ơi?”. Bố kiểm tra nhưng mắt tôi thực sự không thấy gì hết. Bác sĩ kết luận mắt của tôi chắc không thể cứu nữa. Vậy là mọi mong ước của tôi về một đôi mắt sáng để vui chơi và bay nhảy cùng bạn bè đều sụp đổ”, Minh Hải chia sẻ lại cú sốc của mình.

Minh Hải không vì thế mà quay lưng với cuộc đời. Bên cạnh anh còn có một gia đình ấm áp. Bố anh luôn đồng hành cùng trên mọi nẻo đường khó khăn. Ông đã dẫn Minh Hải ra nhà thờ lớn Hà Nội để cầu nguyện sau khi Hải biết tin mình bị mù vĩnh viễn. Đó là lúc Hải biết đến một cô gái bị ung thư đang chơi với gia đình. Qua lời kể của bố, Hải biết cô ấy đầu rụng hết sạch tóc, cơ thể gầy gò, trên người còn phải đeo một đống dây để truyền dịch. Nhưng cô vẫn vui đùa cùng người thân và mỉm cười rất tươi.

Nghe lời bố nói cùng với tiếng cười của cô gái ung thư làm Hải bớt trầm tư hơn. “Người ta ngay cả tính mạng có lẽ cũng mất, phải xa rời người thân, xa rời bạn bè, nhưng vẫn cười vui. Còn con mất có đôi mắt, thì có gì mà phải buồn…”, bố Minh Hải tiếp tục nói. Nghe xong câu nói của bố, không biết từ đâu một nguồn năng lượng mạnh mẽ thổi bay mọi suy nghĩ tiêu cực của Hải và nụ cười lập tức quay lại trên môi.

Anh Hải khoe với mọi người món bò lúc lắc do tự tay mình nấu. Ảnh: NVCC
Anh Hải khoe với mọi người món bò lúc lắc do tự tay mình nấu. Ảnh: NVCC 

Tìm thấy những điều tuyệt vời trong bóng tối

Vài tháng sau, bố mẹ chuyển anh vào học tại trường dành cho người khiếm thị. Ở đây, Minh Hải đã làm quen với môi trường rất nhanh. “Sau khi tôi bị mù, nhiều người lại nói cuộc đời thằng này chắc chỉ đi bán vé số, bán hàng rong, làm mát-xa hoặc để bố mẹ nó nuôi cả đời thôi. Có những người còn đề nghị đem tôi đến một đoàn khuyết tật nào đó để bán hàng rong và làm chim mồi câu lòng thương hại. Nhưng tôi đã quay lại trường học và hoàn thành hết lớp 12 năm 22 tuổi. Chẳng biết vì lý do gì mà bỗng nhiên tôi lại học giỏi và liên tục được học sinh giỏi, trong khi ngày xưa năm nào tôi cũng thi lại vài môn”, Hải chia sẻ.

Minh Hải chơi cờ vua rất giỏi. Anh đã từng đánh bại một số người chơi xếp hạng Elo top 100 Việt Nam (Elo là một phương pháp để tính toán một cách tương đối trình độ của người chơi trong các trò chơi có tổng bằng không như cờ vua). Anh cũng giành nhiều huy chương vàng trong các giải đấu và kiếm được 10 triệu đầu tiên bằng cờ vua.

Sau khi hoàn thành phổ thông, biết gia đình không đủ kinh tế cho mình học trong ngôi trường yêu thích, Minh Hải vẫn tìm mọi cách để xin học bổng toàn phần vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học RMIT. Kết quả là anh Hải đã được nhận học bổng trong sự coi thường của nhiều người.

Mặc dù bị khiếm thị hoàn toàn nhưng Minh Hải vẫn có thể làm nhiều thứ giống như người thường. Bởi với anh, khiếm thị chẳng bao giờ làm cuộc đời mình bớt đặc sắc và ít trải nghiệm. Anh học cách kinh doanh, nấu ăn, sử dụng mạng xã hội một cách thành thạo. Ngoài ra, anh còn hay “bóc phốt yêu” người vợ mới cưới từ cuối năm 2021 để lan tỏa niềm hạnh phúc của bản thân tới cộng đồng.

“Tôi mong rằng, khi các bạn hiểu rõ về người khiếm thị thì sẽ có cái nhìn đúng đắn, cảm thông. Sự hỗ trợ phù hợp sẽ giúp chúng tôi có thể sống tự lập với khả năng của mình”, Nguyễn Minh Hải giãi bày.

Khó khăn, thử thách là vậy, chưa bao giờ anh lấy việc mình bị khiếm thị làm lý do hoặc từ bỏ. Ngược lại, Hải luôn cố gắng tìm kiếm những điều tuyệt vời trong bóng tối để mang lại niềm tin và hi vọng trong cuộc sống cho mình, cho gia đình, cho mọi người xung quanh.

Chính thành quả đạt được như thế càng khiến cho anh Hải cố gắng không ngừng. Minh Hải đã chứng minh, khiếm thị không phải là kết thúc mà là khởi đầu của một hành trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.