Con đường đến trường nhiều chông gai
Sinh ra và lớn lên tại xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La, nơi kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, định kiến và hủ tục, đặc ực biệt 90% dân bản mù chữ. Tuy nhiên, vùng quê hẻo lánh, xa xôi ấy lại chính là nơi nuôi dưỡng, hun đúc ý chí, nghị lực của chàng trai Sùng A Tông với khát khao chinh phục bầu trời tri thức của nhân loại.
Do hoàn cảnh khó khăn, Tông đi học muộn hơn các bạn cùng trang lứa. Năm lên 8 tuổi, Tông được anh trai cho theo học tại Trường Tiểu học Mường Lý, Mường Lát, Thanh Hóa cùng 20 bạn trong làng. Hàng ngày, Tông và đứa em trai 6 tuổi phải ăn cơm với nước lã, rau dại, củ sắn, ở trong một cái lán rộng 4m2 và đi bộ đoạn đường dài hơn 10 cây số để đi học.
Dù khó khăn nhưng được học chữ là niềm mơ ước nên Tông luôn cố gắng để rồi nhiều năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh Giỏi, 1 năm Tiên tiến và 1 năm học sinh xuất sắc cùng nhiều thành tích trong các phong trào thể dục thể thao do huyện tổ chức. Dưới sự giúp đỡ của các thầy cô, nỗ lực hết mình, chàng trai người dân tộc đầy nghị lực đã được đền đáp khi được tuyển thẳng vào Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Mường Lát và trường phổ thông Vùng Cao Việt Bắc. Tại đây, Tông lần đầu tiên được tiếp xúc với Tiếng Anh và nuôi dưỡng niềm đam mê ngoại ngữ đến tận bây giờ.
Trải qua những khó khăn và thăng trầm của cuộc sống, Tông từng bước khẳng định khả năng tự học Tiếng Anh và giờ đây em đang là sinh viên năm 4, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên. Tông cho biết: Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên là cái nôi nuôi dưỡng đam mê và chắp cánh cho ước mơ của em. Bởi ở đây, không chỉ có môi trường học tập tốt với rất nhiều sinh viên tới từ nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh đó chương trình học tiên tiến, được nhập khẩu từ nước ngoài và 100% giảng viên để có thể giảng dạy môn chuyên ngành bằng Tiếng Anh. Đặc biệt hơn, học tập tại Khoa Quốc tế em luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ và động viên từ các thầy cô và bạn bè.
Nỗ lực tiến về phía trước
Hàng ngày, để trang trải cuộc sống chàng sinh viên người Mông Sùng A Tông tích cực đi làm thêm với đa dạng ngành nghề từ công việc chân tay như bưng bê, bốc vác, shipper cho đến làm gia sư và trợ giảng Tiếng Anh...
Khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, không còn công việc làm thêm, sinh viên phải tạm dừng đến trường để học online, Tông trở về quê nhưng lại phải đối mặt với thử thách lớn mang tên “Không có sóng”. Do vậy, để có thể duy trì việc học tập và tham gia các lớp học trực tuyến, chàng trai ấy đã phải dựng lán trên những ngọn đồi cao cách nhà 6-7 km để “hứng” sóng. Tông kể: “Do phải đi xa nhà để có sóng học online nên mỗi khi học cả sáng và chiều, em mang theo ít cơm, chút muối và nước”.
Dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn và đầy những thử thách nhưng đôi chân của Sùng A Tông chưa bao giờ chùn bước, chàng sinh viên người Mông ấy vẫn luôn lạc quan, tích cực và nỗ lực tiến về phía trước. Với lợi thế tự tin, Tiếng Anh trôi chảy Tông đã tham gia nhiều cuộc thi và đạt được kết quả như: Giải Nhất cuộc thi “Hùng biện Tiếng Anh 2019” do Khoa tổ chức cho học sinh, sinh viên Thái Nguyên; giải Nhất video cuộc thi “Olympic Tiếng Anh không chuyên toàn quốc 2020”.... Bên cạnh đó, Tông cũng tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng như quyên góp ủng hộ vùng lũ lụt, hiến máu nhân đạo…
Mới đây, Sùng A Tông được lựa chọn là một trong những sinh viên xuất sắc của Đại học Thái Nguyên được nhận học bổng của Bộ Khoa Học và Nghệ thuật bang Hessen và Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới CHLB Đức cho sinh viên vượt khó học tốt năm học 2021-2022. Bên cạnh đó, Tông còn được nhận học bổng từ Công ty TNHH An Gia Phát và Công ty Jucy Việt Nam dành cho sinh viên nghèo vượt khó.