Từ điển bách khoa Việt Nam (Tập I: A-Đ) (Hà Nội, 1995) giải thích Công nguyên: “Năm gốc của hệ tính thời gian đang thông dụng trên thế giới, theo truyền thuyết của Kitô giáo là năm sinh của Chúa Giêsu. Thời gian được tính về cả 2 phía của Công nguyên: Các năm trước đó gọi là trước Công nguyên hoặc được kí hiệu dấu - trước niên số, ví dụ năm 111 trước Công nguyên hoặc năm -111. Các năm sau đó gọi là năm sau Công nguyên hoặc được ghi bằng niên số không có dấu, ví dụ năm 1990 sau Công nguyên hoặc năm 1990”.
Từ Công nguyên do tiếng Việt mượn trong tiếng Hoa. Mà trong tiếng Hoa, Công nguyên được ghi 公元 lại tắt hóa cụm từ 公曆紀元, âm Hán - Việt phát Công lịch kỷ nguyên. Công đây mang nghĩa chung.
Từ điển 辭海 / Từ Hải ghi rõ: “歐美諸國以耶穌基督誕生之年為紀元之始世稱西曆紀元以其通行最廣亦稱公元”. Phiên âm: Âu Mỹ chư quốc dĩ Gia Tô Cơ Đốc đản sinh chi niên vi kỷ nguyên chi thuỷ, thế xưng Tây lịch kỷ nguyên, dĩ kỳ thông hành tối quảng, diệc xưng Công nguyên. Nghĩa: Các nước Âu Mỹ lấy năm sinh của Jesus Christ làm khởi đầu của kỷ nguyên, đời gọi kỷ nguyên Tây lịch; thông hành hết sức rộng rãi, cũng gọi là Công nguyên.
Khái niệm Công nguyên qua vài thứ tiếng:
* Latinh: Aera vulgaris
* Ý: Era comune
* Pháp: Ère Commune
* Tây Ban Nha: Era común
* Bồ Đào Nha: Era comum
* Anh: Common Era
Khái niệm Công nguyên qua những thứ tiếng vừa nêu đều mang nghĩa kỷ nguyên chung, các tiếng sau mang nghĩa kỷ nguyên của chúng ta:
* Nga: Наша эра
* Ukraina: Наша ера
* Ba Lan: Naszej ery
Công nguyên, còn gọi Kỷ nguyên Kitô, còn gọi Tây lịch, do tu sĩ Dionysius Exiguus tức Denys le Petit / Denys Hạt Tiêu (được Roma phong thánh ngày 8/7/2008) đặt ra từ năm 532 với định nghĩa: Có đơn vị tính bằng năm, Công nguyên là kỷ nguyên bắt đầu tính từ năm Chúa Giêsu ra đời.
Ghi thêm: Kỷ nguyên Kitô được tiếng Pháp gọi ère chrétienne, tiếng Anh gọi Christian Era.
Vậy có mấy vấn đề sau.
Thứ nhất, Công nguyên không phải “mốc để tính thời gian theo công lịch”, tất nhiên không phải “năm gốc của hệ tính thời gian đang thông dụng trên thế giới”. Mốc đó, năm gốc đó, là năm đầu tiên, tức năm 1, cũng ghi +1, tiếng Hoa gọi 公元元年 / Công nguyên nguyên niên, tương truyền năm Chúa Giêsu ra đời.
Thứ nhì, các học giả về Kinh Thánh cho rằng Dionysius Exiguus tính toán sai lầm, vì thực tế Chúa Giêsu chào đời trong thời khoảng từ năm 6 trước Công nguyên đến năm 4 trước Công nguyên.
Thứ ba, Công nguyên bắt đầu bằng năm 1 (cũng ghi +1, tiếng Hoa gọi 公元元年 / Công nguyên nguyên niên), liền trước đó là năm 1 trước Công nguyên (cũng ghi -1), không có năm 0 (zéro), dẫu Dionysius Exiguus biết số 0.
Thứ tư, lịch thiên văn có năm 0 (zéro) trùng năm -1. Vậy năm -1 trong lịch thiên văn trùng năm -2 tức năm 2 trước Công nguyên.
Thứ năm, từ năm 1 (cũng ghi +1) đến nay là trong Công nguyên, hoàn toàn chẳng phải “sau Công nguyên” cực kỳ bất hợp lý như rất đông người và nhiều tài liệu nhầm lẫn, mà khổ thay, trong đó có đôi bộ từ điển tầm cỡ nêu trên.
Đã có trước Công nguyên, nếu thêm “sau Công nguyên” thì Công nguyên là thời đoạn nào? Chắc chắn Công nguyên không chỉ năm +1. Cần nêu rõ rằng người Pháp dùng cụm từ après
Jesus-Christ, viết tắt ap. J.-C., mang nghĩa sau năm sinh của Chúa Giêsu, vẫn thuộc kỷ nguyên Kitô / kỷ nguyên của chúng ta, tức trong Công nguyên.