Bệnh nhân 73 tuổi ở Cam Ranh bị cánh cửa xe ôtô đập vào vai, không xây xát bên ngoài nên cho rằng chỉ chấn thương nhẹ. Sau đó khớp vai liên tục đau âm ỉ, cánh tay yếu dần, ông không thể tự sinh hoạt. Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám phát hiện gân cơ chóp xoay vai của ông bị rách.
Kết quả chụp MRI cho thấy phần gân rách bị thoái hóa và tụt sâu vào bên trong điểm bám gân. Sau phẫu thuật nội soi khâu gân chóp xoay vai, mất bốn tháng bệnh nhân mới có thể sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân bị chấn thương vai. |
Bác sĩ Nguyễn Phúc Thịnh, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, khớp vai có cấu trúc đặc biệt nên dễ tổn thương hơn các vị trí khác. Đau vai thường có biểu hiện yếu cơ, sưng, lỏng khớp vai, cứng khớp, đau kéo dài, giới hạn vận động.
Những cơn đau thường dễ bị nhầm lẫn với các cơn đau căng cơ do hoạt động sai tư thế nên người bệnh không chú ý và bỏ qua. Từ đó dẫn đến nhiều chấn thương nghiêm trọng hơn như gãy xương, trật khớp, rách gân cơ.
"Chấn thương có thể xảy ra khi người bệnh chơi cầu lông, bơi lội, mang vật nặng, bị tai nạn... Người lớn tuổi gân cơ đã thoái hóa nên các vận động trong sinh hoạt thường ngày như xách nước, làm vườn cũng có thể dẫn đến rách gân", bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không được lơ là các triệu chứng đau nhói ở vai. Đến bệnh viện khám sớm nếu cơn đau kéo dài, nhờ đó quá trình điều trị và phục hồi dễ dàng hơn. Để hạn chế chấn thương, nên khởi động kỹ trước khi vận động mạnh.