Dạy học Lịch sử để chấn hưng tinh thần dân tộc

Dạy học Lịch sử để chấn hưng tinh thần dân tộc

(GD&TĐ)-Là một trong 6 tiến sĩ được lựa chọn được nhận giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2012 cũng là một giảng viên gắn bó với bộ môn Lịch sử 10 năm, TS.Lê Thế Cường – Trưởng bộ môn Lịch sử thế giới (Khoa Lịch sử - ĐH Vinh) cho rằng, giáo trình Lịch sử hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến quan niệm Lịch sử đơn thuần là một môn học thuộc.

cxcxc
TS.Lê Thế Cường nhận giải thưởng sử học Phạm Thận Duật tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: gdtd.vn

Theo TS.Lê Thế Cường, sách giáo khoa, giáo trình lịch sử hiện nay viết theo hướng hàn lâm. Do hệ thống giáo trình như vậy dẫn đến quan niệm của người học cho rằng, Lịch sử là môn học thuộc. Trách nhiệm này dù thuộc cả về giáo viên, giảng viên truyền đạt môn học (Tính hàn lâm này đòi hỏi người dạy phải có cách thức truyền đạt gây cảm hứng nhiều hơn) nhưng cũng một phần do giáo trình tạo ra một “khuôn” như vậy và các giảng viên buộc phải theo khuôn đó. TS.Lê Thế Cường hy vọng, giáo trình Lịch sử sẽ có cải cách nhẹ hơn về dung lượng nhưng tăng thêm phần kích thích người học mà vẫn đảm bảo đủ dung lượng nội dung Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới.

PV.Vấn đề dạy và học Lịch sử đang rất được xã hội quan tâm và thực tế thì bức tranh về dạy – học Lịch sử hiện nay không được tươi sáng lắm, theo TS, đâu là nguyên nhân?

TS.Lê Thế Cường:
Nếu xác định một nguyên nhân cơ bản cụ thể nào là rất khó. Dạy học Lịch sử bao gồm một hệ thống: chương trình, sách giáo hoa, quan niệm của người dân, các thức giảng dạy của giáo viên và nhiều yếu tố khác, trong đó có xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn quá độ hiện nay, người học lựa chọn đi theo những ngành nghề có thể mang lại lợi ích kinh tế cao trước mắt... Tất cả những yếu tố đó tác động chung và các môn khoa học cơ bản, trong đó có môn Lịch sử.

PV. Anh nhận định thế nào về thực trạng sinh viên học Lịch sử và giảng viên dạy Lịch sử trong các trường ĐH, CĐ hiện nay?

TS.Lê Thế Cường: Thực tế tại khoa Lịch sử của Trường ĐH Vinh cho thấy, trong bối cảnh sinh viên tham gia vào bộ môn Lịch sử rất ít như hiện nay thì những em đã đăng ký và đúng chuyên ngành Lịch sử thường có niềm đam mê thực sự. Số lượng giảng viên của chúng tôi hiện tại có học hàm, học vị rất cao và đều rất tâm huyết nên tôi tin tưởng có thể đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là, cũng như xu hướng các trường ĐH trong cả nước, ngành Sử vài năm gần đây nói chung và ngành sử của ĐH Vinh nói riêng việc tuyển sinh có khó khăn hơn, điểm đầu vào cũng có giảm. Mặc dù vậy, riêng với ngành sư phạm Lịch sử của chúng tôi vẫn duy trì được điểm chuẩn khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Năm 2012, ngành sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Vinh chỉ lấy khoảng 55-60 thí sinh với điểm đầu vào là 15 điểm.

PV. Hiện nay học sinh rất sợ học Lịch sử, kết quả thi ĐH môn Lịch sử vài năm gần đây rất thấp. Là một giảng viên ĐH, người sẽ truyền lửa cho thế hệ sinh viên mà sau này sẽ là các thầy giáo, cô giáo giảng dạy Lịch sử trong trường phổ thông, anh thường truyền đạt cho sinh viên của mình điều gì và như thế nào?

TS.Lê Thế Cường: Trên bục giảng tôi luôn cố gắng đảm bảo 3 nguyên tắc, đó là đảm bảo đúng về nội dung, đảm bảo hay về nội dung và đảm bảo phương pháp giảng dạy hợp lý, đúng đối tượng. Tuy nhiên, kỹ năng của mỗi người mỗi khác, phụ thuộc vào năng lực, kỹ năng của môic giảng viên cũng nhưng phụ thuộc vào từng đối tượng sinh khác nhau...

Bản thân tôi đã “theo” Lịch sử từ năm học lớp 8 – tính từ khi tôi bắt đầu tham gia các kỳ thi học sinh giỏi Lịch sử. Đối với tôi, Lịch sử giúp tôi cân bằng trong cuộc sống cũng như có cái nhìn điềm tĩnh hơn đối với xã hội, con người nói chung và với gia đình, bạn bè nói riêng. Tôi nghĩ rằng, một cá nhân yêu Lịch sử sẽ hình thành nên một gia đình yêu Lịch sử; gia đình yêu lịch sử sẽ hình thành một đất nước yêu Lịch sử... Tôi sẽ truyền tình yêu này cho sinh viên của tôi trong mỗi bài giảng.

Học sinh Hà Nội khám phá di tích Hoàng Thành. Ảnh: gdtd.vn
Học sinh Hà Nội khám phá di tích Hoàng Thành. Ảnh: gdtd.vn

PV. Nói rộng ra là vấn đề chấn hưng nền sử học nước nhà, theo anh cần phải làm gì?

TS.Lê Thế Cường: Vấn đề về bộ môn Lịch sử hiện nay không thể quy trách nhiệm cụ thể cho người giảng dạy, cơ sở đào tạo hay cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn. Trong đó có vấn đề cái nhìn của nhà quản lý đối với bộ môn; cơ chế chính sách đối với bộ môn chưa xứng tầm; có trách nhiệm của người biên soạn chương trình; trách nhiệm của người giảng dạy các cấp và hơn hết là hiệu ứng xã hội.

Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, để chấn hưng nền sử học nước nhà đòi hỏi một hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước có sự quan tâm nhất định đối với bộ môn này. Hệ thống chính sách đó phải dựa trên cơ sở là chấn hưng tinh thần dân tộc và phải đảm bảo các yếu tố: có sự đầu tư nhất định đối với chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và thời lượng giảng dạy ở các cấp; có sự đầu tư nhất định đối với đội ngũ các nhà nghiên cứu, với đội ngũ cán bộ giảng viên liên quan đến môn Lịch sử cũng như các phương tiện vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc giảng dạy môn học này. Bên cạnh đó là hệ thống chính sách nhằm khuyến khích cũng như có những chế độ nhất định đối với ngành khoa học Lịch sử nói chung và bộ môn Lịch sử nói riêng.

Tôi cho rằng, Lịch sử là cơ sở nền tảng của một dân tộc. Một dân tộc vững mạnh, trước hết phải giữ được cái gốc của mình. Tôi hy vọng trong thời gian tới, cùng với sự thay đổi của chương trình, sách giáo khoa, thay đổi của từng cán bộ giảng viên giảng dạy môn Lịch sử, Đảng và Nhà nước có cái nhìn đúng với bộ môn này nhằm chấn hưng tinh thần dân tộc cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Hải Binh (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ