Trao quyết định bổ nhiệm cho nhà văn, đại tá Phạm Quang Khải
Ngày 30/1, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Mai Văn Hà (Cục trưởng Cục Truyền thông CAND) trao Quyết định phân công Tổng Biên tập Báo CAND cho Đại tá Phạm Quang Khải. Đại tá Khải trước khi trở thành Tổng Biên tập báo CAND đã giữ trách nhiệm là phó Tổng Biên tập của tờ báo này.
Trung tướng Mai Văn Hà mong muốn, trên cương vị mới, Đại tá Phạm Quang Khải tiếp tục cùng với lãnh đạo Cục Truyền thông CAND, Ban Biên tập Báo CAND lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên xây dựng đơn vị Báo CAND vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và của độc giả trong tình hình mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Phạm Quang Khải cảm ơn sự tin tưởng, tín nhiệm của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Truyền thông CAND. Đại tá Phạm Quang Khải chia sẻ, với thời gian, kinh nghiệm công tác, gắn bó tại Báo CAND 20 năm qua, trải qua nhiều thời kỳ, hiểu rõ được những mặt thuận lợi cũng như khó khăn của đơn vị, nhận thức rõ nhiệm vụ báo chí trong thời gian tới hết sức nặng nề.
Đại tá Phạm Quang Khải khẳng định, trên cương vị Tổng Biên tập Báo CAND sẽ cố gắng bằng cái tâm của mình vì việc chung, làm sao để sự thay đổi của cá nhân ngày hôm nay đóng góp vào sự thành công, phát triển chung của đơn vị; biến niềm vui của mình thành niềm vui chung của mọi người. Sự thành công sau này luôn gắn liền với sự đoàn kết của tập thể, sự ủng hộ của Đảng uỷ, lãnh đạo Cục, của các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, lao động hợp đồng trong đơn vị…
Đại tá Phạm Quang Khải sinh năm 1968, quê quán xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trước khi là Tổng Biên tập Báo CAND từ ngày 1/2/2020, ông từng là Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, từng là Phó Tổng Biên tập Báo CAND trong 6 năm.
Đại tá Phạm Quang Khải (bút danh Phạm Khải) hiện là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Đại tá Khải từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí quốc gia và giải thưởng văn học nghệ thuật của Trung ương và Hà Nội.
Đại tá Phạm Quang Khải từng nổi tiếng trên các diễn đàn thi ca, văn học với các bút danh như Hà Khải Hưng, Phạm Thành Chung, Phạm Nhật Linh, Phạm Khải.
Trong mảng thơ, Đại tá Phạm Quang Khải đã cho xuất bản 2 tập thơ là Cánh chuồn tuổi thơ (tập thơ) NXB Hội Nhà văn (1991) và Giấc mơ ban ngày (tập thơ) NXB Văn hóa (1992). Ngoài ra, ông cũng có rất nhiều tác phẩm thơ đơn lẻ nổi tiếng khác.
Ông còn tham gia viết lý luận phê bình với các tác phẩm như: Người gặp trong ngày (thơ đọc trong đêm tập phê bình - chân dung văn học) NXB Văn học (1992); Sự sống thật (tập bình thơ) NXB Hà Nội (1992); Thành phố đời mình (tập bình thơ) Hội Văn nghệ Hà Nội (1993); Cho mai này con lớn (tập bình thơ) NXB Văn hóa - Thông tin (1996); Bình thơ cho học sinh tiểu học (tập bình thơ) NXB Giáo dục in lần đầu năm (2004, tái bản vào các năm: 2005, 2006, 2007, 2008); Quyền phản biện không của riêng ai (tập chính luận) NXB Công an nhân dân (2013); Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo (tập tiểu luận - phê bình văn học) NXB Dân trí (2013).
Trong lĩnh vực văn xuôi, các tác phẩm tiêu biểu nhất của Đại tá Phạm Quang Khải như: Chuyện tình của những người nổi tiếng (sách chuyên đề) (NXB Công an nhân dân in lần đầu năm 2000), (NXB Thanh niên tái bản năm 2006); Kể chuyện bút danh nhà văn (sách chuyên đề, in chung với Lê Hữu Tỉnh) (NXB Giáo dục in lần đầu năm 2007, tái bản năm 2009); Những vụ án và sự cố bi hài (tập bút ký - phóng sự) NXB Văn học (2013); Người về từ chân trời cũ (tập ký chân dung) NXB Văn học (2013); Mỗi nhà văn một chuyện lạ (sách chuyên đề) NXB Dân trí (2014); Thuận chưa hẳn đã lợi (sách chuyên đề) NXB Dân trí (2014); Bài học nhớ đời NXB Dân trí (2014); Đã vì dân đâu cần danh lợi (tập tản văn, tập chuyên luận) NXB Dân trí (2015); Một người đâu phải nhân gian (tập tản văn - thời luận) NXB Thông Tấn (2016); Thêm một lần biển gọi (tập tản văn - thời luận) NXB Dân trí (2016).
Ông cũng đã đạt được nhiều giải thưởng tiêu biểu trong mảng văn học, báo chí: