“Chân dung” nhiệm vụ đẩy mạnh giao quyền tự chủ đại học

GD&TĐ - Đến hết năm học 2016-2017, có 23 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động theo quy định của Nghị quyết, trong đó Trường ĐH Trà Vinh là cơ sở GDĐH trực thuộc địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm.

“Chân dung” nhiệm vụ đẩy mạnh giao quyền tự chủ đại học

Bắt đầu hình thành những mô hình mới

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, thực hiện quyền tự chủ, những mô hình mới đã bắt đầu hình thành như Câu lạc bộ Hiệu trưởng của một số khối trường theo ngành đào tạo; những mô hình này bước đầu hoạt động hiệu quả trong việc xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng giảng viên,…

Một số trường có uy tín đã thể hiện trách nhiệm trong việc cơ cấu lại hệ thống cao đẳng, đại học và chứng tỏ sự lan toả uy tín trong toàn hệ thống.

Nhìn chung, các cơ sở GDĐH thí điểm tự chủ đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; từng bước đổi mới cơ chế hoạt động ngày càng hiệu quả.

Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá là thành công và được xã hội chấp nhận. Hầu hết các trường đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm xã hội và chú trọng thực hiện cam kết đối với người học.

Trên cơ sở Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập. Bộ GD&ĐT xây dựng Dự án thúc đẩy tự chủ đại học (SAHEP) từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, thiếu thống nhất;

Một số nội dung cam kết của Chính phủ (theo tinh thần của Nghị quyết 77) chậm thực hiện (cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và NCKH, hỗ trợ lãi suất vay) gây khó khăn cho nhiều cơ sở GDĐH. Tự chủ chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học và trách nhiệm giải trình xã hội.

Tính đến tháng 4/2017, trong toàn hệ thống GDĐH có 169 cơ sở GDĐH công lập chỉ có 58 trường thành lập hội đồng trường (chiếm 34,3% tổng số cơ sở GDĐH công lập).

Ngay cả những cơ sở đào tạo đã thành lập hội đồng trường thì nhiều hội đồng trường vẫn chưa phát huy đầy đủ vai trò của một tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu nhà nước để quyết định những vấn đề lớn như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng hoạt động… của nhà trường.

Trong tổng số 23 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 vẫn còn 6 trường chưa thành lập hội đồng trường.

Kiện toàn các điều kiện thực hiện tự chủ đại học

Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học là một trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục đại học năm học 2017 – 2018. Trong năm học này, toàn ngành đặt nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định về tự chủ đại học tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy sự năng động, sáng tạo, đổi mới và tự chủ rà soát sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tiến hành sáp nhập giải thể theo nhu cầu của thị trường và năng lực của cơ sở.

Hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định tự chủ đối với các trường ngoài công lập. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường đại học và Qui chế đại học vùng.

Kiện toàn các điều kiện thực hiện tự chủ đại học trước hết là hoàn thành việc thành lập Hội đồng trường trong toàn hệ thống; quy định về quy chế làm việc của Hội đồng trường và mối quan hệ giữa Hội đồng trường với Đảng ủy và Ban Giám hiệu; đảm bảo các điều kiện để Hội đồng trường thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Hoàn thiện các chuẩn đối với GDĐH (chuẩn trường đại học chung và trường sư phạm, chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn mở ngành, chuẩn xác định chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo, chuẩn giảng viên và cán bộ quản lý, CSVC…) làm căn cứ để các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ; cơ quan có thẩm quyền quản lý, xã hội và người học giám sát.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 về về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017.

Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên trên cơ sở sử dụng các công cụ quản lý nhà nước như công khai, minh bạch thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả đầu ra, kiểm định chất lượng giáo dục và quy chuẩn đảm bảo chất lượng để định hướng đầu tư cũng như tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở trong hệ thống cho phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Cùng với đó, ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ về phân tầng, xếp hạng các trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ