Chẩn đoán trẻ thiếu máu

GD&TĐ - Thiếu máu ở trẻ em là căn bệnh thường gặp với triệu chứng điển hình như da xanh xao, thể trạng yếu, cơ bắp nhão.

Hầu hết bệnh thiếu máu ở trẻ em được chẩn đoán bằng các xét nghiệm máu.
Hầu hết bệnh thiếu máu ở trẻ em được chẩn đoán bằng các xét nghiệm máu.

Tình trạng này kéo dài có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Biểu hiện khi trẻ thiếu máu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cách tốt nhất để nhận biết tình trạng thiếu máu ở trẻ em là dựa vào số lượng Hemoglobin. Với trẻ 6 tháng đến 6 tuổi, nếu Hemoglobin dưới 110g/ lít thì là thiếu máu. Với trẻ từ 6 đến 14 tuổi, nếu lượng Hemoglobin dưới 120g/lít thì là thiếu máu BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, Hemoglobin (Hb) là một loại protein có thành phần là sắt, giúp tạo ra sắc tố đỏ của hồng cầu.

Chức năng của Hb là vận chuyển oxy từ phổi đến các bộ phận trong cơ thể. Cơ thể trẻ cần phải có đủ một lượng Hb cần thiết ở mỗi giai đoạn phát triển. Nếu thiếu hụt chất này sẽ gây ra tình trạng thiếu máu. Chia sẻ về biểu hiện của trẻ thiếu máu, bác sĩ Tuấn cho biết, thông thường, bệnh nhi sẽ có làn da xanh xao.

Bên cạnh đó, phần lòng bàn tay và lòng bàn chân cũng không hồng hào như những trẻ bình thường. Sức đề kháng yếu khiến trẻ dễ mắc phải một số bệnh về nhiễm khuẩn đường tiêu hoá hoặc hô hấp,… Trẻ thiếu máu cũng có thể biếng ăn, sụt cân bất thường, lười hoạt động và rất dễ mất tập trung, tóc dễ gãy rụng.

Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nếu thiếu máu, thường có tình trạng ù lì, không nhanh nhạy và phát triển chậm trong các hoạt động như tập bò, tập ngồi hay tập đi,… Một số trẻ bị thiếu máu do xuất huyết dạ dày còn có biểu hiện đi ngoài ra phân đen, ợ hơi,… Khi xuất hiện những biểu hiện trên, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để biết được nguyên nhân gây ra thiếu máu nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời.

Dù nguyên nhân gây thiếu máu là gì, tình trạng này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Lý do là vì máu làm nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng và oxy duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, tình trạng thiếu máu sẽ ảnh hưởng tới chức năng của hầu hết các cơ quan. Mức độ ảnh hưởng có thể từ ít tới nhiều, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Tình trạng thiếu máu có thể gây ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của trẻ. Ảnh minh họa

Tình trạng thiếu máu có thể gây ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của trẻ. Ảnh minh họa

Điều trị thiếu máu

Theo các chuyên gia, việc điều trị thiếu máu sẽ phụ thuộc vào triệu chứng, nguyên nhân, độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và sức khỏe tổng thể của trẻ. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm: Cấy ghép tế bào gốc; Thay đổi chế độ ăn uống; Phẫu thuật cắt bỏ lá lách; Truyền máu khi được chỉ định; Ngừng các loại thuốc gây mất hồng cầu; Dùng chất bổ sung vitamin hoặc khoáng chất.

ThS.BS Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, với nền y học phát triển hiện đại, bác sĩ có nhiều thủ thuật khác nhau để chẩn đoán bệnh thiếu máu cũng như tìm kiếm nguyên nhân đứng sau.

Trong đó, phổ biến nhất là: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (CBC), xét nghiệm hồng cầu lưới, định lượng sắt huyết thanh, định lượng vitamin B12, axit folic và một số thành phần dưỡng chất khác trong máu.

Bên cạnh đó là sinh thiết tủy xương và các xét nghiệm dùng trong chẩn đoán bệnh về tiêu hóa như loét dạ dày, polyp đại tràng lành tính, ung thư đại tràng… Ngoài ra còn có chụp CT, MRI để chẩn đoán thiếu máu não.

“Vì bệnh thiếu máu phổ biến ở trẻ em nên các bác sĩ sẽ kiểm tra định kỳ cho bệnh này. Thêm vào đó, nó thường không có triệu chứng. Hầu hết bệnh thiếu máu ở trẻ em được chẩn đoán bằng các xét nghiệm máu”, ThS Trâm cho biết.

Trong đó, Hemoglobin và hematocrit thường là xét nghiệm sàng lọc đầu tiên cho bệnh thiếu máu ở trẻ em. Xét nghiệm này đo lượng hemoglobin và hồng cầu trong máu. Ngoài ra, còn có công thức máu hoàn chỉnh kiểm tra các tế bào hồng cầu và bạch cầu, các tế bào đông máu (tiểu cầu) và đôi khi là các tế bào hồng cầu non (hồng cầu lưới).

Nó bao gồm hemoglobin, hematocrit và nhiều chi tiết hơn về các tế bào hồng cầu. Với xét nghiệm phết tế bào ngoại vi, một mẫu máu nhỏ sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem có bình thường hay không.

Để lấy mẫu máu, các kỹ thuật viên sẽ đưa kim vào tĩnh mạch, thường là ở cánh tay hoặc bàn tay của trẻ. Xét nghiệm máu có thể gây ra một chút khó chịu trong khi kim được đưa vào. Việc xét nghiệm cũng có thể gây ra một số vết bầm tím hoặc sưng tấy. Sau khi lấy hết máu, nhân viên y tế sẽ tháo garô, ấn vào chỗ đó và băng lại.

Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm máu, trẻ có thể được chọc hút tủy xương, sinh thiết hoặc cả hai. Quá trình này được thực hiện bằng cách lấy một lượng nhỏ dịch tủy xương (chọc hút) hoặc mô tủy xương rắn (sinh thiết lõi). Chất lỏng hoặc mô được kiểm tra số lượng, kích thước và sự trưởng thành của các tế bào máu cũng như các tế bào bất thường.

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ dựa trên dạng thiếu máu gặp phải để xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp.

Đối với thiếu máu bất sản, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kê toa, truyền máu hoặc ghép tủy xương là những lựa chọn chữa trị quen thuộc. Với thiếu máu tán huyết tự miễn, người bệnh có thể cần uống thuốc ức chế miễn dịch để kìm hãm tình trạng này. Trong trường hợp thiếu máu do xuất huyết, phẫu thuật có thể cần thiết để chữa lành mao mạch bị tổn thương.

Các giải pháp điều trị hồng cầu lưỡi liềm có thể gồm sử dụng thuốc giảm đau, bổ sung axit folic, dùng kháng sinh cách quãng hoặc liệu pháp oxy. Ngoài ra, hiện nay, không ít bác sĩ đề xuất hydroxyurea và voxelator để đối phó với vấn đề này.

Đối với tan máu bẩm sinh, tình trạng này có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ cần truyền máu, ghép tủy xương hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, vitamin B12 hay folate…, cải thiện thực đơn ăn uống là điều cần thiết.

Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi về việc, liệu thiếu máu có gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ. Chia sẻ về vấn đề này, ThS Trâm cho biết, việc trẻ bị thiếu máu có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào những gì gây ra tình trạng này. Một số loại thiếu máu là di truyền và không thể ngăn ngừa được. Trong khi đó, thiếu máu do thiếu sắt - một dạng thiếu máu phổ biến, có thể được ngăn ngừa bằng cách đảm bảo trẻ đủ chất sắt trong chế độ ăn uống.

Để ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ, các phụ huynh được khuyến cáo cho trẻ bú sữa mẹ nếu có thể. Khi đó, trẻ sẽ nhận được đủ chất sắt từ sữa mẹ. Ngoài ra, cho trẻ uống bổ sung sắt nếu bé đang dùng sữa công thức. Cha mẹ lưu ý không cho trẻ uống sữa bò cho đến sau tuổi 1.

Lý do là vì sữa bò không có đủ chất sắt. Đồng thời, cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất sắt khi bước vào độ tuổi ăn dặm. Những thực phẩm này bao gồm ngũ cốc và ngũ cốc giàu chất sắt, lòng đỏ trứng, thịt đỏ, khoai tây, cà chua, nho khô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Rào cản từ vạch xuất phát

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học thông tin hầu như năm nào cũng có sinh viên mong muốn chuyển ngành, trường.