Tội phạm lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch… để ngụy trang, cất giấu ma túy thẩm lậu vào Việt Nam đang là vấn đề “nóng” thách thức các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Mánh khóe tinh vi
Tại Hội nghị đánh giá công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy ngày 22/5, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhận định, tình hình tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến hàng không để ngụy trang, cất giấu ma túy từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước thứ 3 để tiêu thụ.
Công an TP Hà Nội chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an cấp huyện, cấp xã chủ động phát hiện, đấu tranh, bắt giữ các vụ việc vi phạm pháp luật về ma túy liên quan đến dịch vụ chuyển phát, bưu chính, vận tải hàng hóa theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công.
Sau 2 năm triển khai thực hiện kế hoạch, đến nay, Công an TP Hà Nội phối hợp đơn vị chức năng phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 35 vụ với 57 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bằng đường chuyển phát quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam.
Qua đó, thu giữ hơn 931,53kg ma túy tổng hợp các loại (so với 3 năm liền kề trước thời điểm thực hiện kế hoạch 422 (2018 - 2020), tăng 11 vụ, tăng 28 đối tượng.
Liên quan tội phạm ma túy vận chuyển qua đường hàng không, ông Dương Phú Đông, Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội, đánh giá, các đối tượng sử dụng các phương pháp che giấu rất tinh vi.
Đơn cử như thuốc, thực phẩm chức năng, hàng hóa dạng bột như sữa, bột giặt hoặc dầu gội đầu, sữa tắm, cà phê, kẹo socola, ép mỏng vào quần áo, trong các thiết bị điện tử loa, đài, trong vật dụng gia đình...
“Chúng được bọc trong các lớp giấy bạc nhằm đối phó với sự kiểm tra của máy soi, chó nghiệp vụ, hoặc kiểm tra thủ công gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ...”, ông Dương Phú Đông cho hay.
Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cũng tiết lộ, tội phạm sử dụng thủ đoạn là thuê người nước ngoài, có lịch bay vòng qua nhiều nước (thường sử dụng đối tượng là người của các nước trong khối ASEAN để được hưởng ưu đãi miễn visa).
Tội phạm cũng lợi dụng tuyến đường từ Việt Nam đi các nước không phải là tuyến đường trọng điểm buôn bán ma túy. Các đối tượng mua lại tiêu chuẩn hành lý của các hành khách và nhờ khách đứng tên, vận chuyển hộ, sau đó nhận lại trong nội địa. Thủ đoạn này gây khó khăn trong việc xác minh đối tượng chủ mưu.
Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng tên giả, giấy tờ giả, địa chỉ không rõ ràng, không có thật, điện thoại sim rác, thuê người nhận hộ để gửi hàng, nhận hàng.
Tội phạm thuê các công ty dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh hàng hóa qua nhiều công đoạn để làm thủ tục khai báo hải quan, giao hàng tận nơi, nếu bị phát hiện thì dễ dàng xóa dấu vết.
Tang vật từ một số vụ án ma túy được cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ. |