Chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Bảo đảm tiến độ và chất lượng

GD&TĐ - Chấm thi tốt nghiệp THPT được các địa phương tiến hành ngay sau khi kết thúc coi thi. Chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị,

Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú
Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiệp vụ chấm thi được đặc biệt quan tâm để bảo đảm cả tiến độ và chất lượng công tác này.

Bắt tay ngay vào chấm thi

Tại Hà Nam, 14 giờ 30 phút ngày 30/6, Ban Chấm thi trắc nghiệm bắt đầu làm việc. Với chấm tự luận, khai mạc Ban Chấm thi được tổ chức vào sáng 2/7, sau đó bắt đầu chấm theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết, Ban Chấm thi tự luận của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nam gồm 127 người; Ban Chấm thi trắc nghiệm gồm 15 người. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ chấm thi được chuẩn bị chu đáo. Tại mỗi phòng chấm thi có 2 camera ghi hình không có kết nối Internet.

Vị trí lắp đặt camera bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng. Có bố trí bộ lưu điện dự phòng, bảo đảm camera hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới; dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày. Với chấm thi trắc nghiệm, camera ghi hình giám sát; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ chấm thi theo quy định.

Phú Thọ đã khai mạc Ban Chấm thi trắc nghiệm ngay chiều 29/6; tiến hành chấm tự luận từ sáng 1/7. Với hơn 16.000 thí sinh dự thi, sở GD&ĐT huy động trên 200 cán bộ quản lý, giáo viên, công an, bảo vệ tham gia công tác chấm thi. Dự kiến địa phương hoàn thành công tác này trước 11/7.

“Tại buổi khai mạc chấm thi, lãnh đạo sở GD&ĐT đã quán triệt quy chế, nội quy, kế hoạch, cũng như lề lối làm việc; đưa ra những vấn đề cần lưu ý trong quá trình học hướng dẫn chấm, chấm chung và chấm bài thi để tránh sai sót, bảo đảm đúng quy chế, hướng dẫn chấm và bảo đảm công bằng, chính xác”, ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho hay.

Hải Dương bắt đầu chấm thi từ 2/7, dự kiến hoàn thành ngày 12/7. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lương Văn Việt, cán bộ địa phương huy động tham gia công tác chấm thi là 135 người; công an, y tế, phục vụ, bảo vệ có 25 người. Sở GD&ĐT chuẩn bị đủ văn bản hướng dẫn, quy định chấm thi; điều kiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác chấm thi; công tác đảm bảo an toàn chấm thi; chuẩn bị phòng, vật dụng bảo quản phương tiện thu phát thông tin, điện thoại, tư trang của cán bộ chấm thi. Lực lượng công an, bảo vệ được bố trí thường trực tại khu vực chấm thi, bảo vệ bài thi và thiết bị chứa dữ liệu chấm thi.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Đinh Thị Hường, tỉnh thành lập 2 ban chấm thi. Ban Chấm thi tự luận huy động 124 cán bộ tham gia; trong đó có 5 lãnh đạo, 104 ủy viên, 3 công an và 12 nhân viên bảo vệ, y tế, phục vụ. Ban Chấm thi trắc nghiệm huy động 26 cán bộ tham gia; trong đó có 4 lãnh đạo, 12 ủy viên, 4 công an và 4 nhân viên bảo vệ, y tế, phục vụ. Các ban chấm thi thực hiện nhiệm vụ từ ngày 1/7, dự kiến hoàn thành vào ngày 12/7.

cham thi tot nghiep thpt nam 2024a.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Chú trọng an ninh, an toàn và quyền lợi thí sinh

Đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm khâu chấm đúng quy chế, chính xác, khách quan, công bằng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Phùng Quốc Lập cho rằng, học sinh, phụ huynh có thể yên tâm vì hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT đã tính toán điều này, đặc biệt việc đề Ngữ văn “mở” thì chấm cũng phải “mở”. Với bài tự luận, Ban Chấm thi tại 63 tỉnh, thành sẽ tổ chức quán triệt, trao đổi, thảo luận kỹ hướng dẫn chấm, xem xét yếu tố vận dụng sáng tạo của thí sinh và lập biên bản.

Ngoài ra, tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận, qua đó cán bộ chấm thi nắm chắc hướng dẫn chấm. Sau đó, tổ chức chấm thi theo hai vòng độc lập tại các phòng chấm thi riêng biệt. Ngoài ra, qua thực tế bài làm của học sinh, Ban Chấm thi thống nhất những vấn đề phát sinh ngoài hướng dẫn nếu có và thống nhất việc vận dụng hướng dẫn trong chấm thi độc lập của mỗi giám khảo nhằm bảo đảm chính xác, công bằng cho thí sinh. Bên cạnh đó, còn một bộ phận chấm kiểm tra nhằm thẩm định tính chính xác, công bằng của giám khảo khi chấm thi.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam Phạm Anh Tuấn cũng nhắc đến việc mỗi bài thi tự luận được chấm hai vòng độc lập bởi cán bộ coi thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Tổ trưởng chấm kiểm tra tổ chức cho các ủy viên chấm ít nhất 5% tổng số bài thi. Chấm thi trắc nghiệm thực hiện đúng theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT và hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ GD&ĐT.

Ông Lương Văn Việt thì cho biết, Sở GD&ĐT Hải Dương chú trọng lựa chọn điều động cán bộ tham gia công tác chấm thi (không có người thân dự thi tại địa phương) đảm bảo tiêu chuẩn và năng lực; tổ chức học tập quy chế thi, các quy định về chấm thi; quán triệt yêu cầu chấm thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.

Địa phương tổ chức cho cán bộ chấm thi nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn chấm; phổ biến quy trình chấm thi, thực hiện nghiêm túc quy trình chấm thi và các yêu cầu về bảo mật thông tin về bài thi, kết quả thi. Bố trí thanh tra giám sát các khâu trong quá trình chấm thi; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định. Sở GD&ĐT cũng phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Điện lực, Y tế chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ, đảm bảo cho công tác chấm thi an toàn, thuận lợi; bố trí đủ lực lượng công an, phục vụ, bảo vệ, y tế, lái xe phục vụ trong thời gian chấm thi.

Lưu ý cán bộ chấm thi khi thực hiện nhiệm vụ, bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, thầy cô cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn chấm, đáp án - thang điểm; tổ chức chấm chung bài thi trước toàn thể cán bộ chấm thi - công tác này thực hiện vào ngày 1/7 trước khi cán bộ chấm thi bắt đầu chấm thi lần 1.

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.

Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ