Chấm thi tốt nghiệp THPT cần minh bạch, khách quan

GD&TĐ - Kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ có những lưu ý về công tác chấm thi và tổ chức thi đợt 2.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường THPT Tiên Lữ (Hưng Yên).
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường THPT Tiên Lữ (Hưng Yên).

Theo đó, công tác chấm thi sẽ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ sẽ thống nhất ngày thi phù hợp với đợt 2.

Giám khảo thực hiện đúng quy chế, gian lận khó xảy ra

- Từ ngày 9/7, nhiều địa phương triển khai các công đoạn của khâu chấm thi. Vậy việc này được quy định như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Công tác chấm thi được thực hiện theo quy chế gồm: Chấm bài thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm. Phần chấm thi tự luận sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Một bài thi phải được 2 giám khảo ở 2 tổ khác nhau chấm độc lập, nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Việc chấm thi sẽ thực hiện theo quy trình hai vòng độc lập.

Cụ thể, bài thi phải được giám khảo 1 chấm trước; sau đó trả về cho tổ thư ký để tổ này chuyển tiếp bài thi đó cho giám khảo 2. Giám khảo 2 chấm xong sẽ lại trả lại bài về tổ thư ký. Có đủ điểm của 2 giám khảo, một bộ phận sẽ thực hiện việc thống nhất điểm.

Trường hợp điểm được chấm bởi 2 giám khảo có độ chênh lớn mà 2 giám khảo không thống nhất được, phải có thống nhất của người thứ 3. Trong quy chế đã quy định rất rõ cách xử lý với những tình huống tương tự. Cũng theo quy chế, mỗi hội đồng thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận. Khi chấm kiểm tra, nếu thấy có sự chênh lệch phải điều chỉnh; nếu phát hiện chấm sai sẽ kịp thời uốn nắn. Cán bộ chấm kiểm tra có thể kiến nghị, đề xuất với Trưởng ban chấm tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan, nghiêm túc.

Với quy định như vậy, nếu giám khảo làm việc nghiêm túc, chặt chẽ sẽ khó xảy ra gian lận và hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh, chúng ta có hoạt động chấm phúc khảo và chấm thẩm định với những quy định cụ thể đã được nêu rõ trong quy chế. Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra quy chế bắt buộc phải chấm chung trong toàn ban Ban chấm thi tự luận (ít nhất 10 bài) để thống nhất nhận thức, biểu điểm và nhận định tình hình.

Theo quy định, hội đồng có dưới 30.000 thí sinh phải chấm chung. Theo đó, trong điều kiện dịch Covid-19 sẽ có một số nơi gặp khó khăn. Tuy nhiên, các tổ chấm thi có thể họp trực tuyến. Qua đó, vừa thực hiện giãn cách, vừa có thể thực hiện việc chấm chung; từ đó thống nhất nhận thức, rồi triển khai thực hiện. Còn với những hội đồng trên 30.000 bài thi, có thể chia về các tổ chấm. Việc này các tỉnh sẽ quyết định.

- Với bài thi tự luận, nhiều người băn khoăn về việc chấm thi sẽ không đều tay giữa các địa phương. Vậy làm thế nào để hạn chế việc này?

- Thực tế đã có sự thống nhất về hướng dẫn chi tiết việc chấm bài thi tự luận nên việc điều chỉnh điểm trong một câu rất ít. Nếu cán bộ chấm thi thực hiện theo đúng hướng dẫn là bảo đảm công bằng và không có sự chênh lệch.

- Với bài thi trắc nghiệm thì sao, thưa Thứ trưởng?

- Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm được thể hiện rất rõ trong quy chế. Quy trình đưa ra 4 đĩa CD rất chặt chẽ. Đầu tiên là quét ảnh bài thi, đưa ra một đĩa CD, gọi là CD0. Theo đó, một CD0 gửi cho Chủ tịch Hội đồng, một gửi về Bộ GD&ĐT và Ban chấm thi giữ một bản. Có CD0 rồi sẽ chuyển thành định dạng chấm là CD1...

Quy trình chấm rất chặt chẽ, từ CD0 sang CD1 có mật khẩu. Mật khẩu đó phải được Chủ tịch Hội đồng (Giám đốc Sở GD&ĐT) nắm giữ, khi làm hết thao tác quy trình bước 1, giám đốc sở mới cho mật khẩu chuyển sang bước 2; sau đó đến bước 3, bước 4, tất cả đều có mật khẩu riêng.

Việc lùi quy trình (ví dụ đang ở quy trình 3, sang quy trình 1, 2) sẽ không làm được. Việc này chỉ thực hiện được khi báo cáo với Bộ GD&ĐT và phải được sự thống nhất chỉ đạo. Khi đó, mới có thể xem ngược lại quy trình. Như vậy, các dữ liệu được quản lý chặt chẽ.

Việc tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm phải được thực hiện theo đúng yêu cầu và quy trình các bước theo quy định. Những vấn đề phát sinh trong quá trình chấm bài thi trắc nghiệm phải được Ban chấm thi trắc nghiệm lập biên bản ghi nhận, mô tả sự việc và báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để có quyết định xử lý kịp thời, phù hợp.

Bộ tổ chức thi đợt 2 dựa trên đề xuất của địa phương

- Kỳ thi năm nay được tổ chức thành 2 đợt. Vậy việc công bố kết quả có thực hiện cùng một đợt không?

- Thi đợt nào xong sẽ công bố đợt đấy để thí sinh và phụ huynh yên tâm.

- Bộ GD&ĐT có chủ trương gì đối với thi tốt nghiệp THPT đợt 2?

- Nhìn chung, vẫn dựa trên văn bản hướng dẫn của Bộ trước đó và chỉ thi đợt 2 khi địa phương có đề xuất. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ sẽ điều chỉnh và thống nhất ngày thi cho phù hợp.

- Từ việc tổ chức kỳ thi đợt 1, Bộ GD&ĐT có lưu ý gì cho đợt 2?

- So với đợt 1, thí sinh tham dự kỳ thi đợt 2 ít hơn rất nhiều. Các địa phương có thể chuyển toàn bộ thí sinh thi đợt 2 đến một địa điểm an toàn và bố trí xe đưa đón các em. Các em sẽ ở luôn khu vực thi cho đến khi thi xong mới về địa phương. Trong trường hợp có thí sinh “diện F” vẫn có thể tổ chức thi. Khi đó, các em sẽ dự thi ở một khu vực riêng.

Về nguyên tắc, những thí sinh F0 được miễn thi và có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho các em vào các trường đại học. Nếu thí sinh F0 khỏi bệnh sẽ thi vào đợt 2.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.