Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng

GD&TĐ - Ngày 8/9 Hội thảo tham vấn về Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2017-2025”được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ liên quan phối hợp với UNICEF tổ chức tại Hà Nội.

Quang cảnh chung cuộc hội thảo
Quang cảnh chung cuộc hội thảo

Bên cạnh Luật Trẻ em năm 2016, Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều điều luật, chính sách và kế hoạch khác liên quan tới phát triển trẻ em toàn diện (PTTTTD) ví dụ như: Luật Bảo hiểm Y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, Luật Giáo dục công nhận giáo dục mầm non là một phần của hệ thống giáo dục Quốc gia, Luật Lao động quy định thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng dành cho nữ giới và nhiều các văn bản liên quan đển cải cách phúc lợi xã hội hướng tới một hệ thống xã hội đổi mới, hòa nhập và đảm bảo quyền lợi người dân...

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong việc hỗ trợ phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ em trai và trẻ em gái ở Việt Nam, đặc biệt ở nhóm trẻ từ 0 đến 4 tuổi. Gần 25% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi. Khoảng 77% trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) và 13% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) không được tham gia các chương trình giáo dục mầm non chính thống.

Mỗi năm vẫn còn khoảng 2000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, 170.000 trẻ em mồ côi, bỏ rơi và nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích trong đó đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Việc xây dựng Đề án "Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2017-2025” đã đưa ra cách tiếp cận toàn diện về chính sách và các chương trình hướng tới trẻ em từ khi trong bụng mẹ đến tám tuổi, bố mẹ và người chăm sóc các em.

Đề án nhấn mạnh các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như y tế, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nước sạch vệ sinh môi trường…và các dịch vụ này rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Nội dung Đề án cũng đưa ra cách tiếp cận lồng ghép các dịch vụ cho trẻ em.

Cách tiếp cận này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát huy lợi thế, điểm mạnh của từng ngành, đảm bảo sự linh hoạt và tạo điều kiện đáp ứng toàn diện cho trẻ em và gia đình. Đề án cũng giúp các gia đình và trẻ được tiếp cận với các dịch vụ một cách đồng bộ hơn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp đã nhấn mạnh: “Phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD) đóng vai trò quan trọng và đặt nền tảng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc của trẻ em tạo nên những tiền đề cần thiết đảm bảo cho việc hòa nhập xã hội cũng như công bằng xã hội, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai Chính phủ Việt Nam luôn cam kết thực hiện các điều ước Quốc tế đã phê chuẩn và nỗ lực đảm bảo việc thưc hiện các quyền của trẻ em.”

Chia sẻ về vấn đề này, ông Youssouf Abdel Jelil, Trưởng Đại Diện UNICEF tại Việt Nam cũng cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã đưa ra quyết định đúng đắn khi cam kết xây dựng một chính sách mang tầm quốc gia về Phát triển Trẻ thơ Toàn diện, kết nối ban ngành có vai trò chủ chốt trong sự sống còn và phát triển của trẻ em. Chất lượng học tập kém, lương thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và gánh nặng trợ cấp xã hội ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế xã hội là những hệ quả to lớn nếu không có sự cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ.”

Hội thảo tham vấn đã thu hút hơn 200 đại biểu đại diện cho Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, các trường đại học, các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức phát triển và đại diện các Sở, ngành từ 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các đại biểu tham gia đã nhiệt tìnhđưa ra các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện nội dung Đề án, đảm bảo sự phối hợp đồng nhất giữa các bộ ngành liên quan nhằm thực hiện tốt quyền trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...