Chăm sóc và phòng tránh loãng xương

GD&TĐ - Loãng xương là bệnh gắn liền với thời gian và tuổi tác. Tuổi càng cao thì nguy cơ bị mắc bệnh loãng xương càng lớn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong dòng chảy của thời gian, mọi vật dần trở nên phôi pha. Bộ khung xương chắc khỏe của một người trưởng thành cũng bị bào mòn bên cạnh tuổi già đang dần ngả bóng. Dưới những cặp mắt “săm soi” của các nhà chuyên môn, bộ xương dường như đang “loãng” dần.

Bệnh của người cao tuổi

Loãng xương là bệnh gắn liền với thời gian và tuổi tác. Tuổi càng cao thì nguy cơ bị mắc bệnh loãng xương càng lớn. Vì trong quá trình sống, một thành phần trong xương có tên là Calci đã bị hao mòn hoặc thiếu hụt nguồn cung cấp để bồi đắp bởi nhiều lý do khác nhau.

Có người thắc mắc rằng tại sao điều kiện kinh tế tốt, dinh dưỡng đầy đủ nhưng vẫn bị bệnh loãng xương? Có một điều mà các chuyên gia đúc kết và cần phải nhớ là “không phải tất cả những gì chúng ta ăn vào đều nuôi dưỡng chúng ta, mà chỉ có những gì được tiêu hoá mới nuôi dưỡng chúng ta mà thôi”.

Các nghiên cứu tại nhiều nước cho thấy, nhu cầu hằng ngày của cơ thể cần khoảng 1.000mg Calci. Nguồn cung cấp Calci chủ yếu từ thức ăn đưa vào. Với một số người thì lượng cung cấp này không có đủ trong thức ăn, nhưng với một số người khác thì lượng cung cấp này có thừa trong thức ăn.

Tuy nhiên, cơ thể không hấp thu được do các bệnh lý ở đường ruột. Phụ nữ độ tuổi mãn kinh, những người dùng kéo dài các thuốc thuộc nhóm Corticoide (như Dexamethasone, Prednisolone…) hoặc thiếu vận động ngoài trời, thiếu ánh sáng soi rọi vào cơ thể cũng đều dễ bị loãng xương.

Bệnh loãng xương luôn diễn ra từ từ, thầm lặng và kéo dài trong nhiều năm. Đến một lúc nào đó thì bộ xương của cơ thể con người giảm cả về trọng lượng cũng như chất lượng.

Tuy vậy, có thể chủ nhân hoàn toàn không hay biết, cho đến khi xảy ra một biến cố nào đó, thông thường là trượt chân té, có khi rất nhẹ nhàng nhưng cũng làm cho xương gãy. Lúc đó, các bác sĩ mới kết luận gãy xương do mắc bệnh loãng xương.

Như đã nói ở trên, để phòng ngừa bệnh loãng xương chúng ta cần phải cung cấp nguồn thức ăn phong phú thành phần Calci cho cơ thể (như tôm, cua, cá, nghêu, sò, ốc, hến, sữa, rau dền, rau ngót, đậu nành…).

Mọi người luôn có những hoạt động ngoài trời nắng để cơ thể hấp thu Vitamine vitamine D cần thiết cho quá trình hấp thu và chuyển hóa Calci. Nếu điều kiện kinh tế khá có thể sử dụng thêm một số loại sữa bổ sung Calci đang được khuyến cáo rất nhiều trên thị trường (như Mama sữa non - For old, Obilac...).

Những người đang mắc bệnh ở đường tiêu hoá hoặc nghi ngờ mắc bệnh ở đường tiêu hóa cần phải đi khám và điều trị hiệu quả. Qua việc thăm khám, các bác sĩ sẽ có lời khuyên cụ thể cho từng trường hợp.

Những điều cần nhớ

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Theo sự ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/ OMS), hiện nay, toàn thế giới có hơn 200 triệu phụ nữ đang mắc bệnh loãng xương. Tỉ lệ mắc ở độ tuổi 60 - 70 là 1/3 và độ tuổi >_ 80 là 2/3. Nam giới mắc bệnh loãng xương ít hơn. Điều này được cho là có liên quan đến sự mang thai sinh đẻ và các chu kỳ kinh nguyệt.

Khi chăm sóc cho người mắc bệnh loãng xương, đau khớp, cần ghi nhớ một số điều sau:

> Giúp người bệnh giảm đau trong giai đoạn cấp tính bằng cách để người bệnh nằm nghỉ tại giường hoặc ngồi trên ghế. Hạn chế đi lại để giảm trọng lực lên các khớp viêm đau.

- Chườm nóng hoặc chiếu đèn hồng ngoại vào các khớp viêm đau. Xoa bóp các cơ lân cận 2 lần/ ngày.

- Hướng dẫn người bệnh tập vận động các cơ vùng đau khớp: Ví dụ người bệnh thoái hóa cột sống cổ nên tập gồng cơ cổ, thoái hóa cột sống thắt lưng nên tập gồng cơ bụng và cơ lưng..

- Cho người bệnh mang áo nịt hoặc nẹp cột sống (mang đai lưng) một thời gian nếu người bệnh có những cơn đau dai dẳng.

> Để người bệnh nằm tư thế đúng: Các khớp ở bàn tay, cẳng tay để ở tư thế gấp, các khớp ở chân để ở tư thế duỗi. Có thể dùng chăn, gối, đệm kê đỡ tay, chân cho người bệnh giảm đau.

Phối hợp với kỹ thuật viên phục hồi chức năng hướng dẫn người bệnh thường xuyên tập vận động các khớp, chống dính khớp, cho người bệnh tập các bài thể dục thích hợp để tăng cường quá trình chuyển hóa Calci, chống loãng xương.

> Người bệnh bị loãng xương, thoái hóa khớp rất hay lo lắng. Nên cần động viên, an ủi để người bệnh yên tâm điều trị.

> Vì đau, cứng khớp người bệnh thường khó tự làm được các việc trong sinh hoạt hàng ngày, điều dưỡng cần hướng dẫn giúp đỡ họ như: Tạo bàn ăn tại giường để người bệnh tự xúc ăn, hỗ trợ thay quần áo, làm vệ sinh, đi lại…

> Người bệnh nằm lâu có thể bị các biến chứng như: Nhiễm khuẩn hô hấp, loét… cần phát hiện sớm. Đo nhiệt độ cơ thể người bệnh 2 lần trong ngày vào buổi sáng và buổi chiều.

- Phát hiện sớm vết loét, lưu ý ở những vị trí bị tì đè do tiếp xúc như vùng mông, vùng gót chân, vùng vai.

- Xoa bóp thay đổi tư thế nằm nhiều lần trong ngày.

> Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, chế dộ ăn giàu Calci, đủ nước, chống táo bón, chống ăn quá ít hay ăn quá nhiều. Cần ăn chế độ ăn có nhiều rau xanh. Những người bị táo bón kinh niên nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ và uống đủ lượng nước trong ngày.

- Hướng dẫn người bệnh dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, tránh quên thuốc hoặc dùng quá liều. Những người cao tuổi có vấn đề về nhận thức và trí nhớ cần được người nhà quan tâm kiểm soát chặt chẽ nhằm hạn chế thấp nhất những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ