Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên: Khoảng trống…

GD&TĐ - Thanh niên và vị thành niên, lực lượng lao động tương lai của đất nước phải được trang bị đầy đủ kiến thức về ngành nghề cũng như cách bảo vệ sức khỏe. Nhưng nhìn vào số liệu về vụ nạo phá thai được báo cáo chính thức của lứa tuổi này mới thấy, vẫn còn khoảng trống khá lớn đang chờ được lấp đầy.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên: Khoảng trống…

Trái đắng đầu đời

Theo số liệu thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Như vậy, tính trung bình, một phụ nữ có 2 con thì cũng có 2 lần nạo phá thai.

Nạo phá thai là một trong những biện pháp kế hoạch hóa gia đình được phụ nữ đã có gia đình áp dụng khi không may vỡ kế hoạch. Tuy nhiên, trong số ca nạo phá thai trên có không ít trường hợp là người chưa lập gia đình, thậm chí có cả vị thành niên.

Số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, có tới 20 - 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh. Đây là con số được báo cáo chính thức, tức các em thực hiện việc phá thai ở cơ sở y tế được cấp phép.

Trên thực tế còn tỷ lệ không nhỏ thanh niên, vị thành niên do lo sợ bị phát hiện, do không có nhiều tiền nên thay vì đến bệnh viện thì các em vào phòng khám tư nhân để nạo hút thai.

Bên cạnh đó, rất nhiều em khi biết mình có thai ngoài ý muốn, thay vì nói chuyện với người lớn hoặc đi gặp bác sĩ để được tư vấn lại lên mạng tìm hiểu và chọn cách tự phá thai.

Theo chia sẻ của bác sĩ sản khoa Trần Kim Phượng, có em được bạn đưa đến phòng khám trong tình trạng máu chảy đầm đìa. Bác sĩ không thể khai thác được thông tin gì nên chỉ biết động viên lên bàn kiểm tra, xử lý hậu quả.

Đơn thuốc hay dặn dò bác sĩ đều phải viết vào giấy và yêu cầu bạn đi cùng giám sát, nhắc nhở. Những trường hợp trên phải theo dõi sát sao sức khỏe những ngày sau đó nhưng phần lớn các em không quay trở lại. Do vậy, không ai dám chắc các em có bị viêm nhiễm sau nạo hút, nếu có thì điều trị ra sao…

Cũng có trường hợp phá thai bằng cách mua thuốc về dùng mà không có sự tư vấn, theo dõi và hỗ trợ của bác sĩ sản khoa và kết quả phải vào viện cấp cứu.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã cứu sống trường hợp sốc mất máu sau khi tự phá thai ở nhà. Bệnh nhân được người thân đưa đến trong tình trạng da xanh, nhận thức lơ mơ, âm đạo ra nhiều máu.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị băng huyết sau phá thai bằng thuốc. Ngay lập tức, bệnh nhân được phẫu thuật cầm máu đồng thời truyền hồng cầu, máu toàn phần để bù vào lượng máu đã mất.

Đây là trường hợp may mắn do được người nhà phát hiện sớm và đưa đến viện kịp thời. Còn theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, người gắn bó với lĩnh vực sản khoa gần 50 năm tuy đã về hưu nhưng những ký ức về cô gái nếm phải trái đắng đầu đời và gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc nạo phá thai luôn ám ảnh bà.

Đó là trường hợp vào viện cấp cứu do biến chứng từ việc nạo hút thai ở cơ sở không uy tín. Là hình ảnh những cô gái một mình đến bệnh viện giải quyết hậu quả, một mình chịu đau đớn rồi tự ra về…

Một phần trách nhiệm thuộc về người lớn

Tỷ lệ nạo hút thai ở vị thành niên, thanh niên tăng đồng nghĩa với việc cơ hội tiếp cận với biện pháp tránh thai còn hạn chế.

Theo thống kê của Vụ sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở nước ta được được duy trì ở mức cao (khoảng 75 - 79%) trong nhiều năm qua nhưng tỷ lệ phá thai vẫn còn cao chứng tỏ còn nhiều trường hợp không áp dụng biện pháp tránh thai (chiếm 55,6%), có nhu cầu nhưng không được đáp ứng và đặc biệt là thất bại trong các biện pháp tránh thai (gần 40%).

Rõ ràng, nhu cầu tình dục và sử dụng các biện pháp tránh thai là quyền của mỗi người. Nhưng hiện nay, chúng ta mới tập trung vào đối tượng có gia đình để kế hoạch hóa gia đình chứ chưa thực sự quan tâm đến người chưa lập gia đình.

Điều này dẫn đến tình trạng khó tiếp cận với biện pháp tránh thai. Bằng chứng là thanh thiếu niên khi mua bao cao su thường bị ánh mắt soi mói của người lớn, những câu nói ám chỉ (hư hỏng). Ngay cả khi đến cơ sở y tế, đâu đó vẫn còn cái nhìn thiếu thiện cảm của nhân viên y tế với trẻ “ăn cơm trước kẻng”…

Tiếp đó, gia đình, thầy cô cũng… ngại động chạm đến vấn đề được cho là nhạy cảm này. Cho đến nay, không phải gia đình nào cũng cởi mở chia sẻ với con cái về vấn đề liên quan đến tuổi dậy thì, thậm chí có người còn cấm con hỏi hoặc lờ đi khi trẻ nhắc đến những vấn đề trên.

Tất cả những trở ngại đến từ phía người lớn đang là rào cản lớn, khó phá bỏ để trẻ được hưởng quyền lợi chính đáng của mình trong việc nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản và tìm hiểu về tình dục an toàn.

Nhìn vào tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi thanh niên, vị thành niên ở nước ta những năm qua thấy nhiều điều. Thứ nhất, kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn của các em như khoảng trống… mênh mông. Kế nữa, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng trong khi độ tuổi dậy thì trẻ hóa, quan niệm thoáng nên việc nhiều em phải trả giá đắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.