Những năm qua, việc cung cấp dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản đã cải thiện nhưng nhìn một cách tổng thể vẫn còn khoảng cách vùng miền, chất lượng dịch vụ, đối tượng hưởng thụ…
Tai biến sản khoa: Nỗi sợ không lời
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng năm 2014, cả nước có 148 ca tử vong mẹ, tập trung chủ yếu ở trung du và miền núi phía Bắc với 72 ca, 68 ca tại Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Ngoài ra, kết quả điều tra biến động dân số cũng cho thấy, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức 15,3/1.000 và 23,5/1.000 trẻ đẻ sống. Con số trên cho thấy Việt Nam còn nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu về giảm tử vong mẹ và trẻ dưới 1 tuổi cũng như trẻ dưới 5 tuổi.
Tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh có nhiều lý do, trong đó không thể không kể đến tình trạng không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc trước sinh và trong khi sinh. Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm cả nước có xấp xỉ 1,2 triệu phụ nữ sinh đẻ.
Tuy nhiên, khoảng 50.000 bà mẹ ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Bắc Trung Bộ vẫn “vượt cạn một mình”. Nguyên nhân do việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế có nhiều khó khăn bởi đường xá xa xôi, phương tiện giao thông không thuận lợi trong khi lượng cô đỡ chưa bao phủ đến từng thôn bản. Bên cạnh đó, những phong tục lạc hậu cản trở phụ nữ tiếp cận với dịch vụ y tế. Kết quả, nhiều chị em sinh đẻ tại nhà, sinh đẻ không có cô đỡ. Tỷ lệ thăm khám mẹ và trẻ sau sinh còn thấp.
Không chỉ chịu thiệt thòi trong quá trình mang thai, sinh nở, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận phương tiện tránh thai. Kết quả, tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở thanh niên, người chưa thành niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến, phá thai không an toàn vẫn còn xảy ra.
Tỷ lệ vô sinh còn cao, nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho người vô sinh còn hạn chế. Tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản khá phổ biến, bệnh lây truyền qua đường tình dục - HIV và ung thư đường sinh sản còn cao. Việc khám, phát hiện, điều trị, theo dõi và tư vấn sau điều trị chưa được quan tâm đúng mức. Sự kết nối giữa hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế…
Cần sự quan tâm thích đáng
Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia quan tâm nhiều hơn nữa tới phụ nữ và trẻ em gái. Bởi đây không chỉ là một nửa của thế giới mà còn là người giữ lửa trong mỗi gia đình, là người quyết định chất lượng giống nòi của mỗi quốc gia. Nói như vậy để thấy rằng, vai trò phụ nữ và trẻ em gái là vô cùng quan trọng và cần được nhìn nhận cũng như đầu tư thích đáng.
Theo bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của đất nước. Do vậy, năm 2015, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, trong đó chú trọng truyền thông trực tiếp tại từng hộ gia đình thông qua mạng lưới nhân viên y tế thôn bản để giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi.
Cùng với đó là việc đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế về dự phòng, phát hiện và xử lý, cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Mạng lưới cô đỡ thôn bản tiếp tục được mở rộng để giúp đỡ chị em ở vùng sâu, vùng xa. Vị thành niên, thanh niên cũng là đối tượng được quan tâm đặc biệt trong thời gian tới nhằm nâng cao hiểu biết, hành vi về sức khỏe sinh sản, có hoạt động tình dục an toàn. Người già, người di cư cũng được đáp ứng nhu cầu trong chăm sức khỏe sinh sản, tiếp cận phương tiện tránh thai…