Các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn và ngành Giáo dục luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ nhà giáo. Chẳng thế mà, từ Trung ương cho đến địa phương, năm nào cũng vậy, khi triển khai nhiệm vụ năm học mới đều thể hiện đậm nét và nhất quán rằng: “Quan tâm, chăm lo đến đội ngũ giáo viên...”.
Đơn cử như năm nay, trước thềm năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục cùng các cơ quan đoàn thể, Công đoàn ngành đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ và có những chương trình, hoạt động hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm.
Trước đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, Công đoàn ngành đã vận động, quyên góp được 700 tỷ đồng để xây nhà công vụ giáo viên. Qua đó, đã xây dựng được 1.687 nhà công vụ giáo viên và hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động
(CBNGNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai và rủi ro. Tính riêng trong 2 năm 2017, 2018 Công đoàn Giáo dục Việt Nam vận động, quyên góp, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão lũ là trên 8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Quỹ “Mái ấm Công đoàn - Hỗ trợ nhà giáo và người lao động trong ngành Giáo dục” với trên 11 tỷ đồng đã kịp thời hỗ trợ giúp đỡ CBNGNLĐ khi cần thiết...
Cùng với những hoạt động thiết thực nêu trên, một trong những việc làm ý nghĩa đó là quan tâm đến đội ngũ giáo viên bằng những chế độ chính sách. Thực tế hiện nay, đội ngũ nhà giáo đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nghề, chẳng hạn như: Chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm đối với giáo viên đang trực tiếp dạy học tại những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, và một số chế độ chính sách ưu đãi khác.
Tuy nhiên, tâm nguyện của những người làm trong ngành Giáo dục, của Bộ GD&ĐT là: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Qua đó, để thể hiện sự nhất quán trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo và chính sách tiền lương của nhà giáo tương xứng với vị trí, vai trò đó.
Đây không chỉ là mong mỏi của Bộ GD&ĐT mà còn là sự đồng thuận, tâm huyết của rất nhiều đại biểu Quốc hội. Điều này lý giải vì sao tại các kỳ họp của Quốc hội, có rất nhiều ý kiến đề xuất chính sách nêu trên cần được sửa đổi, bổ sung vào Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để Quốc hội thông qua. Mới đây nhất, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhằm bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.