5 năm, 700 tỷ đồng quyên góp xây nhà công vụ giáo viên
Đây là một trong rất nhiều con số ấn tượng được đưa ra trong báo cáo của Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2018. Đó là kết quả của những giải pháp đột phá; của việc thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, từ đó, nhiều chỉ tiêu trong 8 nhiệm vụ, 6 chương trình công tác toàn khóa hoàn thành đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội XIV đã đề ra.
Đơn cử, từ năm 2015, CĐGD Việt Nam đổi mới hình thức triển khai cuộc vận động “Quyên góp xây dựng nhà công vụ, giúp đỡ nhà giáo, người lao động ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn” theo phương châm tập trung nguồn lực, giải quyết dứt điểm một số khó khăn tồn đọng lâu dài ở cơ sở, tránh dàn trải.
Kết quả vận động, quyên góp trong 5 năm đạt trên 700 tỷ đồng; từ nguồn vận động quyên góp và đầu tư ở một số địa phương đã xây dựng được 1.687 nhà công vụ giáo viên và hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) khó khăn, thiên tai, rủi ro. Tính riêng trong năm 2017, CĐGD Việt Nam vận động quyên góp, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão lũ đạt trên 8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quỹ “Mái ấm công đoàn - Hỗ trợ nhà giáo và người lao động trong ngành Giáo dục” do CĐGD Việt Nam triển khai đạt con số 11 tỷ đồng trong 5 năm để hỗ trợ xây mái ấm công đoàn, hỗ trợ giúp đỡ CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn, rủi ro...
Nhiệm kỳ vừa qua, CĐGD các cấp cũng đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ, nhất là bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo; triển khai các chương trình phúc lợi đoàn viên; vận động thêm nguồn lực xây nhà công vụ, thiết chế văn hóa, hỗ trợ kịp thời các nhà trường và
CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, bão lũ; tổ chức các chương trình đón Tết cho giáo viên cắm bản, chăm lo thiết thực CBNGNLĐ, quan tâm nhiều hơn đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng các hoạt động tôn vinh nhà giáo tiêu biểu...
Trong nhiệm kỳ mới, CĐGD Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐGD các cấp; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo, nghề giáo. Tăng cường phát triển lợi ích của đoàn viên công đoàn; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ CBNGNLĐ, kỹ năng ứng xử, đạo đức, phong cách nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện trong các nhà trường. Đổi mới, triển khai có chiều sâu các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngành Giáo dục ngày càng vững mạnh.
Để đạt được mục tiêu trên, các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đã được Đại hội đưa ra, đó là: Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng; chăm lo thiết thực cho đoàn viên và CBNGNLĐ; tham gia quản lý, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định;
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao chất lượng đội ngũ
CBNGNLĐ, chú trọng năng lực nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo; nề nếp, kỷ cương trong các trường học. Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nâng cao hiệu quả công tác nữ công và phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; chăm lo, phát triển đội ngũ nữ CBNGNLĐ đáp ứng yêu cầu mới…
Không chỉ chăm lo mà còn là bảo vệ nhà giáo
Tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có những chia sẻ tâm huyết liên quan đến hoạt động công đoàn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đội ngũ nhà giáo. Đánh giá cao báo cáo Đại hội với những nhận định được minh chứng bằng số liệu, đồng tình với tổng kết những mặt đã làm được của CĐGD Việt Nam trong các hoạt động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ việc báo cáo đã thẳng thắn nhận định còn nhiều việc chưa làm được, chưa thực sự sâu sát theo đúng mong muốn; trong đó có bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà giáo.
Cùng với đó là cơ chế quản lý, chỉ đạo của hệ thống công đoàn, nhất là đối với ngành Giáo dục có nhiều thay đổi; CĐGD cấp huyện đã bị giải thể; sự phối hợp chỉ đạo hoạt động giữa CĐGD Việt Nam và Liên đoàn Lao động các địa phương trong cả nước còn có những vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động công đoàn ngành Giáo dục và tâm tư đội ngũ cán bộ công đoàn…
Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu để có những chỉ đạo sát sao hơn, thực tế và thiết thực hơn, cùng chia sẻ với các thầy cô giáo; đặc biệt nhấn mạnh không chỉ chủ trương, định hướng mà là hành động.
Về phương hướng nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng gợi ý phương châm thiết thực, khả thi, hiệu quả, gắn bó với công đoàn viên toàn ngành, không dừng lại ở khẩu hiệu; chương trình cụ thể phải thể hiện được ước nguyện của công đoàn viên; phân công rõ nhiệm vụ; chi tiết, sát sao hơn qua quy chế phối hợp CĐGD với Tổng Liên đoàn Lao động…
Bộ trưởng cũng mong muốn, ngoài những vấn đề đã thống nhất trong chương trình Đại hội, thảo luận của các đại biểu cần quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công đoàn viên, trước hết là về chế độ, chính sách; giải pháp chủ động làm công tác tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo; hỗ trợ giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tư vấn cho địa phương để hài hòa trong thực hiện dồn điểm trường, tinh giản đầu mối với điều kiện học tập của học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc; quan tâm đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn; tham gia các phong trào, các cuộc vận động nhằm lan tỏa những nhân tố tích cực trong ngành Giáo dục…
Đại diện cho hàng nghìn nhà giáo thành phố Hoa Phượng Đỏ, nơi mà câu chuyện về cô giáo phạt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng, khiến đồng nghiệp, dư luận bàng hoàng - chia sẻ của Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hải Phòng Lâm Tuyết Trinh tại Đại hội đã nói hộ tâm tư của triệu thầy cô đang hàng ngày lặng thầm cống hiến.
Chia sẻ bài học từ thực tế, cô Lâm Tuyết Trinh chia sẻ là đội ngũ CBQL, cán bộ công đoàn phải thực sự coi trọng văn hóa ứng xử, năng lực chuyên môn; cùng phối hợp để thường xuyên nắm bắt “hiện tượng” phát sinh trong ứng xử của nhà giáo, chú ý tiêu chí văn hóa ứng xử trong phân công làm công tác chủ nhiệm, đưa vào nguồn quy hoạch, phân công làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn... Phát huy vài trò nêu gương của đội ngũ CBQL giáo dục, nhà giáo trong xây dựng môi trường văn hóa của nhà trường…
Tổ chức công đoàn trong mỗi đơn vị giáo dục cần phát huy tích cực “lợi thế” trong việc xây dựng khối đoàn kết, động viên đội ngũ, khơi dậy niềm tự hào, lòng tự trọng của người thầy. Chú trọng xây dựng nhân rộng các mô hình điểm, các điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, chú trọng tổ chức các hội nghị biểu dương, tôn vinh. Cùng với đó là tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học…