Bà Rịa - Vũng Tàu: Không tùy tiện lập quỹ để ép học sinh đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện.
Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện nghiêm các quy định về các khoản thu của học sinh; các phòng GD&ĐT chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Theo đó, yêu cầu rõ thủ trưởng các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo phải công khai hóa, chi tiết hóa bằng văn bản các khoản thu của đơn vị, nêu rõ những khoản thu theo quy định, thu theo luật, thu theo sự thỏa thuận hoặc dưới hình thức tự nguyện; công khai hình thức tổ chức thu, trên cơ sở đó xây dựng quy chế quản lý (chi tiêu, mua sắm, thanh quyết toán...) đối với từng nguồn thu một cách cụ thể, minh bạch.
Cơ sở giáo dục phải thống nhất với cha mẹ học sinh ngay từ đầu năm học. Phải có biên bản họp tại kỳ họp cha mẹ học sinh đầu năm của lớp và biên bản họp của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường ký. Chỉ được phép lấy thu bù chi, tuyệt đối không có lợi nhuận.
Thống nhất quản lý tài chính, tài sản của đơn vị là chủ tài khoản, không thu thay, thu hộ để tránh sự hiểu nhầm, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Sở cũng yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đều phải công khai mức thu học phí theo quy định.
Với tiền cơ sở vật chất phục vụ lớp học bán trú: Đối với các lớp bán trú phải trang bị dụng cụ phục vụ bếp ăn, nhà ở; đồ dùng cá nhân phục vụ cho bữa ăn và ngủ trưa của học sinh tại trường, nhà trường phải thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng nội dung mức thu và chi theo nhu cầu thực tế năm học.
Với quỹ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Để bồi dưỡng kiến thức cho các học sinh dự thi nghề, Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường phải thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng nội dung mức thu và chi theo nhu cầu thực tế. Chỉ được phép lấy thu bù chi, tuyệt đối không có lợi nhuận.
Để phục vụ cho công tác quản lý, Sở GD&ĐT cho phép các cơ sở giáo dục thống nhất với cha mẹ học sinh để thu hộ, chi hộ một số khoản sau: Sổ liên lạc, phù hiệu, giấy thi (giấy kiểm tra) trong các kỳ kiểm tra theo đề chung của trường, của Phòng GD&ĐT, của Sở GD&ĐT.
Sở này nhấn mạnh: Các cơ sở giáo dục trong tỉnh không được thu của học sinh những khoản không có trong quy định nêu trên, cụ thể như: Tiền ghế ngồi, tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh... và những khoản không có trong biên bản thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Hà Tĩnh: Không tổ chức thu một lần học phí vào đầu năm
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nêu rõ: Các khoản thu bắt buộc trong trường học gồm học phí (trừ tiểu học) và bảo hiểm y tế học sinh. Với học phí, các trường không tổ chức thu một lần vào đầu năm.
Đối với bảo hiểm y tế học sinh: Tăng cường công tác tuyên truyền và giải thích về nội dung và tính ưu việt của bảo hiểm y tế. Đồng thời, phổ biến chính sách hỗ trợ thêm từ ngân sách nhà nước để mua bảo hiểm y tế học sinh và các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế bắt buộc.
Vận động đóng góp tự nguyện phải có mục đích cụ thể, trên tinh thần tự nguyện và công khai. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu cho Ngành. Vận động đóng góp phải có kế hoạch.
Đối với các khoản vận động đóng góp tự nguyện phục vụ tăng cường cơ sở vật chất trường học: Chỉ tổ chức vận động để sử dụng cho các nội dung phục vụ thiết yếu cho giảng dạy và học tập, nhưng chưa được ngân sách cấp hoặc cấp chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu.
Đặc biệt, mức vận động phải phù hợp điều kiện kinh tế của từng địa phương và khả năng đóng góp của đại bộ phận cha mẹ học sinh. Thời điểm đóng nộp không nhất thiết phải ngay từ đầu năm học, mà tùy vào thời điểm sử dụng để có kế hoạch thu nộp phù hợp...
Khoản thu đề mua quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, ghế ngồi chào cờ đầu tuần, phù hiệu học sinh, vở mang tên trường...: Các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với cha mẹ học sinh, cha mẹ học sinh tự lựa chọn và quyết định hình thức mua phù hợp.
Đối với khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống ..., yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.
Với vị trí bảo vệ và lao công, trường hợp ngân sách chưa bố trí được, Sở cho phép các trường và cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa để thực hiện hai vị trí việc làm nói trên.
Tùy quy mô và tình hình xã hội địa bàn trường đóng, các địa phương có thể quy định mức tiền công chi trả cho từng vị trí việc làm; căn cứ mức tiền công quy định, các trường tổ chức huy động đóng góp từ cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân khác để bảo vệ tài sản cho nhà nước và học sinh, xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp và thân thiện.
Quảng Bình: Phải trả lại những khoản thu sai quy định
Người chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu, chi là thủ trưởng đơn vị. Những khoản thu, chi sai quy định phải trả lại học sinh.
Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết: Năm học vừa qua, các trường học trên địa bàn đã tổ chức phổ biến, quán triệt công văn của Sở về việc thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục đến tận cán bộ, giáo viên, phụ huynh; thực hiện công khai các khoản thu theo quy định;
Các khoản thu phải thu và được phép thu theo quy định của nhà nước như: Khoản thu tiền học phí, lệ phí trông giữ xe, tiền mua BHYT, tiền học thêm... đã được các đơn vị triển khai thực hiện đúng quy định về đối tượng, mức thu và thời gian thu, do đó đã kịp thời phục vụ tốt công tác dạy học và các hoạt động giáo dục của đơn vị
Để thuận lợi trong việc thực hiện và tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu chi tài chính, chấm dứt tình trạng lạm thi trong các cơ sở giáo dục công lập, Sở GD&ĐT lưu ý:
Với các khoản được phép thu như Bảo hiểm y tế, thu dạy thêm - học thêm, các cơ sở giáo dục không được thông báo thu các khoản đóng góp tự nguyện trong cùng thông báo các khoản thu theo quy định vì như vậy sẽ gây sự hiểu lầm đến cha mẹ học sinh là khoản thu bắt buộc.
Với học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên, không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo. Học phí đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác (phí học nghề THCS, phí học nghề chuyên sâu, phí học chứng chỉ tin học, ngoại ngữ..) theo thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và người học.
Các khoản thu theo thỏa thuận phải đảm bảo nguyên tắc: Tự nguyện, thu đủ bù chỉ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi.
Với những khoản thu từ sự vận động, kêu gọi cha mẹ học sinh để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng công trình Hội, nếu được cha mẹ học sinh thống nhất, chính quyền xã, phường, thị trấn đồng thuận, Sở đề nghị đưa vào khoản "Tài trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân", không được ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh, người học...