Khẩn trương chấm thi tốt nghiệp THPT: Nghiêm túc và công bằng

Khẩn trương chấm thi tốt nghiệp THPT: Nghiêm túc và công bằng

Rốt ráo vào việc

Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Kết thúc môn thi cuối cùng, các điểm thi bố trí vận chuyển bài thi về khu vực làm phách. Khâu làm phách sẽ tiến hành một vòng và cách ly từ đầu đến cuối. Thời gian làm phách bắt đầu từ 13 giờ 30 phút ngày 11/8. 14 giờ cùng ngày, Ban chấm thi trắc nghiệm làm nhiệm vụ. Bài thi tự luận được chấm từ 8 giờ ngày 13/8, với trên 9.200 bài.

"Khoảng 90 người tham gia công tác chấm thi tự luận trong vòng 1 tuần. Rút kinh nghiệm từ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, buổi sáng hôm bắt đầu chấm thi có giáo viên báo cáo người nhà mất hoặc có những tình huống bất thường xảy ra, năm nay, chúng tôi dự kiến một số lượng cán bộ chấm thi dự phòng" – bà Tuyến cho hay, đồng thời nhấn mạnh: Phòng chấm thi tự luận và trắc nghiệm đều bố trí camera giám sát và ở chung một khu, để thuận tiện cho công tác quản lý cũng như thanh tra, giám sát.

Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết: Chiều ngày 9/8, Hội đồng thi cấp tỉnh tổ chức nhận và vận chuyển bài thi từ các điểm thi về nơi bảo quản bằng xe chuyên dụng, có lực lượng công an, thanh tra bảo vệ, giám sát. "Chiều ngày 10/8, chúng tôi tổ chức thu bài thi và hồ sơ thi từ các điểm thi. Công tác làm phách bài thi tự luận được tiến hành từ ngày 12/8 theo phương thức làm phách 2 vòng độc lập" – ông Phê chia sẻ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết thêm: Sở huy động 226 cán bộ, giáo viên tham gia vào khâu chấm thi. Công việc này bắt đầu từ 8 giờ ngày 13/8, dự kiến kết thúc vào ngày 20/8. Tại khu vực chấm thi, an ninh sẽ được siết chặt, có sự phối hợp với ngành Y tế trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ chấm thi.

"Quan điểm của chúng tôi là cẩn trọng, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế, nhưng phải bảo đảm an toàn trên mọi phương diện, trong đó có vấn đề về sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và cháy nổ. Dự kiến ngày 27/8, chúng tôi có thể công bố kết quả cho thí sinh; ngày 29/8 có thể xét công nhận tốt nghiệp THPT, để đến ngày 31/8 - 1/9, hiệu trưởng các trường THPT có thể in và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho các em" – ông Phê trao đổi.

Khẩn trương chấm thi tốt nghiệp THPT: Nghiêm túc và công bằng ảnh 1
Giáo viên chấm thi tự luận – Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Sỹ Điền

Tiếp tục hoàn thành mục tiêu kép

Tại TP Hải Phòng, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Quốc Tiến thông tin: Ngày 11/8, công việc liên quan đến chấm thi được khởi động. Toàn bộ những người làm phách sẽ được cách ly theo quy định. Việc chấm thi được tiến hành hai vòng (chấm lượt đi và chấm phúc khảo). Trong quá trình chấm thi có sự giám sát của PA03 Công an TP Hải Phòng. "Trường hợp có những thay đổi bất thường, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát vòng thứ ba và có thể kiểm tra đối chứng giữa lượt "chấm đi" và "chấm về" để bảo đảm kết quả được minh bạch, chính xác và công bằng" – ông Tiến cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, sau khi hoàn tất khâu coi thi, các địa phương bắt đầu chấm thi. Công việc này được tiến hành từ ngày 11/8. Theo đó, các địa phương thành lập Ban chấm thi tự luận và Ban chấm thi trắc nghiệm. Điều này đã thể hiện rõ trong quy chế thi. Đặc biệt, mỗi bài thi tự luận phải được hai cán bộ chấm thi, ở hai tổ chấm khác nhau chấm độc lập.

"Cũng giống như phần coi thi, Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu kép đối với khâu chấm thi: An toàn về phòng chống dịch bệnh và bảo đảm việc chấm thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế; qua đó góp phần vào thành công chung của kỳ thi" - Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Về công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện khuyến cáo của ngành Y tế: Giãn cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn các phòng, sát trùng, rửa tay và hạn chế giao tiếp. Đây cũng là một trong những việc đã được triển khai rất tốt trong khâu coi thi. Vì thế, những lưu ý này sẽ tiếp tục được thực hiện ở khâu chấm thi.

Trước những nghi ngại, bài thi cũng có thể là vật trung gian lây nhiễm Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua được Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu là, không có học sinh F0, F1, F2. Các thí sinh thuộc diện nghi nhiễm đều đã được cách ly. Còn với những thí sinh thi ở phòng thi riêng vì có dấu hiệu ho, sốt… Bộ chỉ đạo các địa phương phải có nhật ký theo dõi dịch tễ của thí sinh và lưu ý khi chấm thi.

Liên quan đến phổ điểm và đối sánh kết quả thi với kết quả học tập của thí sinh, Thứ trưởng nhận định: Điều này được thể hiện rõ trong quy chế thi. Do vậy, đối sánh kết quả thi với kết quả học tập của thí sinh là quy định bắt buộc và sẽ được thực hiện nghiêm túc. Đây cũng là giải pháp nhằm bảo đảm công bằng giữa chất lượng đánh giá học sinh trong quá trình học, với kết quả điểm thi của kỳ thi. Kết quả đối sánh sẽ công bố công khai để xã hội cùng biết và giám sát.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, với chấm thi trắc nghiệm phải thực hiện chấm thử một số bài, khi nào an toàn mới chấm chính thức, tránh để trường hợp bất thường có thể xảy ra. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ chấm thi trắc nghiệm; cán bộ công nghệ thông tin tại các sở GD&ĐT, lãnh đạo phòng quản lý thi. Theo ghi nhận, phần mềm chấm thi năm nay được đánh giá là an toàn, chặt chẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.