Cha tôi

GD&TĐ - Mấy ngày chăm cha ở bệnh viện tôi vỡ ra được nhiều điều. Con người ta có mạnh mẽ đến bao nhiêu nhưng cũng có lúc cảm thấy cô đơn và rất cần một ai đó để sẻ chia, nương tựa, nhất là khi cảnh già yếu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1.

Cha tôi là một người lính, từng tham gia những trận đánh ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị, tôi luôn tự hào về điều đó. Bước ra từ cuộc chiến tranh “quà về cho mẹ là những vết thương”, ấy vậy mà phải mãi tới sau này, tôi mới hình dung được hết thế nào là nỗi đau sau cuộc chiến. Tôi nhớ hồi còn bé khi nhìn thấy trên cánh tay cha có một vết sẹo to, tôi hỏi về vết sẹo ấy.

Cha cười bảo rằng vì hồi nhỏ mải chơi không chịu học hành nên bị ông nội đánh đòn. Mãi sau này lớn lên, tôi mới biết đó chỉ là lời nói đùa. Vết sẹo ấy là do mảnh đạn găm vào tay cha trong trận chiến kéo dài suốt 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị.

Khi đó, cha tôi thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 27 do đồng chí Nguyễn Huy Hiệu là tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy, ở mặt trận B5. Đến tận bây giờ những lúc trái gió trở trời, vết thương ấy vẫn hành hạ cha. Những lúc ấy, cha âm thầm chịu đựng.

Có lần, tôi hỏi, bước qua cuộc chiến rồi cha còn nuối tiếc gì không? Cha trầm ngâm một lúc rồi trả lời, điều ông nuối tiếc nhất là chưa thể tìm thấy hết những đồng đội đã hi sinh trong cuộc chiến khốc liệt năm nào.

Khi nhớ về trận chiến năm xưa, cha lại xúc động, rưng rưng đọc cho tôi nghe mấy câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn ơi, chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Dường như những người đồng chí hi sinh khi tuổi còn thanh xuân luôn ám ảnh ông. Bao lần, cha cùng các cựu binh Thành cổ Quảng Trị về thăm chiến trường xưa với mong muốn có thể tìm lại được hài cốt cho đồng chí thân yêu. Nhưng mỗi lần trở về, tôi lại thấy cha buồn vì tâm nguyện chưa thành...

Trước giờ lên bàn mổ, tôi đùa, cha có sợ đau không… Cha tôi không trả lời. Ông chỉ ngắm những khuôn mặt bệnh nhân đang lo lắng xung quanh mình bằng một ánh nhìn động viên. Tôi hiểu, với cha đã cận kề với cái chết bao lần thì ca mổ lần này có là gì đâu…

2.

Cha tôi là người ít than vãn về bệnh tật, ốm đau gần như tự cha chăm sóc. Còn với người khác trong gia đình hễ ai đau ốm, cha đều chạy khắp nơi tìm thuốc thang chữa trị. Ngày cha nhập viện và được chỉ định mổ, cha cứ giục tôi về lo việc dạy học, tự cha gọi điện sắp xếp mọi công việc đâu vào đấy.

Đêm trước hôm lên bàn mổ, cha nhờ cậu vào làm thủ tục rồi cho cậu về. Cha bảo, vào nhiều người phiền hà mà họ cũng có cho vào buồng mổ đâu. Cha còn dặn, việc cha vào viện chớ điện cho em nó biết. Nó làm ăn xa, sinh lo lắng.

Sau ca mổ một ngày, tôi mới vào chăm cha được. Trên giường bệnh, trông cha gầy hẳn, tóc bạc hơn. Vừa trông thấy tôi, cha đã bảo: “Hôm nay không đi dạy à, vào làm gì?”. Tôi bảo hôm nay là ngày nghỉ, vào thay cho mẹ về, lúc đó cha mới không nói gì thêm.

Cha không kêu đau nhưng giọng nói yếu hẳn đi. Em gái tôi đùa: “Giọng nhỏ thế về nhà sao còn quát được mấy đứa cháu nghịch như giặc”. Cha tôi cười. Nụ cười mà có lẽ ai trông vào cũng khó nhận ra sự mệt mỏi của một bệnh nhân vừa qua cơn nguy kịch...

Sau ca mổ, chúng tôi cứ ngỡ cha còn yếu nên sẽ ít chuyện trò, vậy mà chỉ hơn ngày sau ông đã nói chuyện rôm rả với bệnh nhân cùng phòng. Dường như ca mổ cũng chỉ như là một vết thương nhẹ. Những lúc tôi sắp xếp công việc vào thăm, cha tôi lại say sưa kể chuyện chiến chinh ngày trước cho tôi nghe. Cha tôi kể nhiều đến những người đã không có được may mắn trở về đoàn tụ với gia đình vợ con.

Trong những người lính phải bỏ thân mình lại nơi chiến trường mà cha kể, tôi cứ bị ám ảnh với câu chuyện về chú Năm. Chú quê ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa), là con út trong gia đình đã có tới 3 người anh đã đi lính. Vậy mà, chú Năm vẫn viết đơn tình nguyện xung phong lên đường ra trận.

Trước đêm hi sinh, chú còn khoe với cha tôi vừa nhận được thư của mẹ và sẽ hồi âm sau trận đánh. Vậy mà… sau trận đánh ác liệt, đồng đội chỉ tìm được thấy một phần thân thể của chú. Trong túi áo nhuốm đầy máu vẫn còn bức thư của mẹ… 

3.

Sáng nay, cha đã ăn được cơm, tôi ra ngoài mua hai suất. Phòng chật quá tôi ra hành lang ăn, gặp một ông lão đầu tóc bạc phơ. Cả ông và tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Ông năm nay đã hơn tám mươi tuổi, từng là giảng viên trường đại học thủy sản, công tác từ thời trường còn đóng ở Hải Phòng.

Ông cũng vào đây chờ mổ. Tôi hỏi ông có lo lắng không. Ông bảo, ai sắp lên bàn mổ cũng ít nhiều lo lắng, đã vướng vào dao kéo, liên quan đến tính mệnh, người có mạnh mẽ đến đâu cũng không khỏi suy nghĩ.

Ông cười, có người sự lo lắng hiện ra bên ngoài, người khác họ dấu vào bên trong, chỉ khác nhau ở chỗ biểu hiện. Lộ ra bên ngoài đấy là nhút nhát. Ẩn bên trong là can đảm. Nhưng nhút nhát hay can đảm cũng đều lo lắng. Nên người nhà cần phải ở bên để động viên.

Tinh thần tốt sẽ chiến thắng thời khắc gay go. Nói đoạn, ông chỉ cho tôi bó hoa bên giường bệnh ông: “Con gái mình mua tặng đấy, cứ nhìn vào lại thấy yên tâm hơn với ca mổ sắp tới”. Tôi nhìn ông lão, cả hai cùng nở một nụ cười lạc quan. Bất ngờ, ông vỗ vai tôi rồi chỉ về đằng xa… thấp thoáng bóng dáng cô con gái vào thăm với trên tay lỉnh kỉnh đồ đạc… Tôi chúc ông sẽ có ca mổ thành công và sớm bình phục.

4.

Tôi ôm một bó hoa tặng cả phòng bệnh nơi cha tôi nằm. Tôi biết cha tôi sẽ mắng tôi rằng: “Phí tiền, hoa rồi tàn cũng vứt bỏ đi…”. Mà cha mắng tôi thật. Nhưng tôi vẫn để ngay ngắn bó hoa ở phòng bệnh. Tôi hiểu, cha mắng vậy nhưng trong lòng cha chắc vui, cả phòng bệnh vui… Hương hoa đang tỏa ngát khắp căn phòng khiến căn phòng dường như ấm áp hơn. Tôi nhìn cha, thấy rõ một nụ cười giấu kín trong đáy mắt... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ