Cha mẹ tự làm bác sĩ: Hại nhiều hơn lợi

GD&TĐ - Con ốm dù nặng hay nhẹ luôn là nỗi ám ảnh với các bậc cha mẹ. Người cẩn thận thì đưa con đi khám ngay còn phụ huynh có kinh nghiệm hoặc bạo tay thì để ở nhà theo dõi, tham khảo kinh nghiệm chữa bệnh của người thân, thậm chí mạng xã hội. 

Cha mẹ tự làm bác sĩ: Hại nhiều hơn lợi

Nếu may mắn trẻ sẽ khỏi, nếu không vẫn phải đi viện với tình trạng bệnh nặng hơn, nguy cơ kháng thuốc cao hơn.

Gia tăng trẻ ốm

Thời tiết nóng lạnh thất thường ở miền Bắc những ngày qua khiến người lớn, đặc biệt là trẻ nhỏ luôn có cảm giác khó chịu. Khi cơ thể chưa kịp làm quen với cái nắng oi ả của mùa hè thì trời đột ngột chuyển mát khiến nhiều trẻ đổ bệnh.

Những ngày qua, số trẻ đến khám tại Khoa Nhi các bệnh viện và Bệnh viện Nhi tăng cao. Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), lượng bệnh nhân đến khám tăng lên, với khoảng 400 - 500 trẻ đến khám mỗi ngày. Trẻ mắc chủ yếu là hô hấp. Đáng chú ý, nhiều trường hợp do bố mẹ tự mua thuốc điều trị cho con khiến bệnh trở nặng, viêm phổi, suy hô hấp nguy hiểm. Trong số bệnh nhi phải nhập viện, đa phần là viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Đặc biệt là ở lứa tuổi sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi dấu hiệu không điển hình nên nhiều bố mẹ ngỡ ngàng khi con phải nhập viện điều trị vì viêm phổi.

Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Hà Nội) cũng liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, sốt virus, bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chị Nguyễn Thu Hà (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Sáng đi làm thấy con vẫn ăn uống bình thường, chiều về đã sổ mũi, hâm hấp sốt, ăn kém. “Biết đang mùa dịch bệnh nên hai vợ chồng đưa con vào viện khám ngoài giờ hành chính cho yên tâm”, chị Hà cho biết. Cũng đang chờ đến lượt khám, vợ chồng chị Lương Hoài An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đứng ngồi không yên bởi cậu con trai mới 8 tháng tuổi quấy khóc, đi ngoài liên tục. Chị An cho biết: Bà nội đã dùng các bài thuốc dân gian mà cháu không đỡ. Mới hơn 1 ngày mà trông con đã tong teo nên vợ chồng đưa con đi khám.

Tôn trọng quyền được ốm

Trừ bệnh nặng, với bệnh thông thường, mỗi lần ốm là một lần trẻ làm quen với môi trường, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, người lớn lại không nghĩ vậy. Trẻ ốm đồng nghĩa với việc sẽ quấy khóc, bỏ ăn, khó ngủ… và nhiều phiền phức đi kèm như việc phải nghỉ làm, căng thẳng, tốn kém. Do vậy, phần lớn cha mẹ đều sợ con ốm. Khi thấy con có biểu hiện ốm liền dùng thuốc theo đơn cũ hoặc lên mạng tìm kiếm lời khuyên.

Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2009 đến nay, lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra cộng đồng đã tăng gấp 2 lần do việc tự ý sử dụng thuốc của người dân. Ở thành thị, 88% người dân tự mua thuốc điều trị, ở nông thôn tỷ lệ này lên tới 91%. Kiểu tự làm bác sĩ hoặc chữa theo tư vấn người khác đem tới hậu quả khôn lường. Có tới 80 - 90% người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), có bé lúc đầu chỉ là viêm đường hô hấp nhưng do mẹ sốt ruột, muốn nhanh khỏi nên dùng kháng sinh cho con. Nhiều lần như vậy con bị kháng thuốc, kết quả bé chuyển sang viêm phổi từ triệu chứng bệnh đơn giản. Còn với bác sĩ Anh Xuân (Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Cuba), việc tự ý sử dụng kháng sinh phổ biến tới mức câu đầu tiên bác sĩ thường hỏi bố mẹ là bé đã sử dụng thuốc gì trước khi tới viện. Và câu trả lời của hầu hết các phụ huynh là tự ý mua thuốc về điều trị nhưng không khỏi… Và phác đồ điều trị của bác sĩ vì thế cũng phải lựa theo loại kháng sinh cha mẹ từng dùng cho bé.

Tự ý kê đơn thuốc, đặc biệt là dùng kháng sinh cho trẻ ngoài việc khiến bệnh tình nặng hơn còn để lại hậu quả cho xã hội. Đó là khi người bệnh mang mầm bệnh kháng kháng sinh thông thường sẽ phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới, kết hợp nhiều loại, khả năng thành công thấp, tỷ lệ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài, điều trị khó khăn, chi phí khám chữa bệnh tăng. Hơn nữa, việc sử dụng phối hợp nhiều kháng sinh liều cao sẽ làm gia tăng các tác dụng phụ như suy thận, suy gan, thậm chí nhiều trẻ mất tương lai cho “thời gian vàng” điều trị bị lãng phí bởi đơn thuốc từ cha mẹ hoặc các loại kháng sinh điều trị bệnh đều không còn tác dụng.

- Trong khi các quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1, thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4.

- Chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi cho phí dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.