Cha mẹ truy nhập mạng xã hội của con có bị xử phạt?

GD&TĐ - Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng (gọi tắt là dự thảo nghị định) đang được lấy ý kiến rộng rãi để các cá nhân, tổ chức tham gia góp ý, đảm bảo tính khả thi của các quy định.

Ảnh minh họa internet
Ảnh minh họa internet

Dự thảo nghị định quy định rất rõ các hành vi vi phạm và mức độ xử lý rất nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe, giáo dục, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng mạng xã hội để kích động, lôi kéo, dụ dỗ, bịa đặt, vu khống… xuất hiện ngày càng dày đặc trên các trang mạng xã hội, nhất là hành vi tạo lập các tài khoản facebook giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để nói xấu, chia rẽ, gây mất đoàn kết, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc có hành vi tuyên truyền chống đối, phản động. Đồng thời, góp phần định hướng mọi người sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có văn hóa.

Các hành vi nổi bật của dự thảo nghị định như cá nhân sử dụng mạng xã hội có thể sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu có hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan, trừ trường hợp pháp luật quy định; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém giết, tai nạn rùng rợn trong các tin bài, phim, ảnh; cung cấp thông tin mê tín, dị đoan, không hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; người sử dụng mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản sử dụng dịch vụ mạng xã hội…

Riêng quy định “hành vi truy nhập mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền tới 30 - 50 triệu đồng” thì tôi có chút lăn tăn với quy định này. Một cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có quyền sử dụng mạng xã hội phù hợp với quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật khi sử dụng, chia sẽ các thông tin trên mạng và được pháp luật bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân. Vì vậy, quy định hành vi truy nhập mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền tới 30 - 50 triệu đồng là phù hợp.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, đó là mạng xã hội không chỉ là của riêng người lớn, mà hiện nay trẻ em cũng đang sử dụng một cách phổ biến. Trẻ em làm quen và tiếp cận với mạng xã hội thông qua cha mẹ, thậm chí cha mẹ tạo riêng cho con mình một tài khoản để truy nhập, sử dụng mạng xã hội nhưng với sự giám sát và quản lý của cha mẹ.

Để giám sát con của mình sử dụng mạng xã hội như thế nào, cha mẹ thường xuyên truy nhập để tìm hiểu thông tin về những người bạn của con, những thông tin mà con chia sẽ, hay ghi nhận những tâm tư, tình cảm của con để có thể định hướng, giáo dục phù hợp hoặc giúp con ngăn chặn những thông tin độc hại hoặc kết bạn với đối tượng xấu, cũng như giúp con có thể nhận biết, loại bỏ những luồng thông tin không chính xác…Do đó, cha mẹ truy nhập mạng xã hội của con mình là cần thiết, chính đáng, vì con chưa đủ tuổi, rất cần sự giám hộ và hành vi này của cha mẹ liệu có bị xử phạt theo quy định trên hay không?

Theo tôi, đối với quy định “hành vi truy nhập mạng xã hội của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền tới 30 - 50 triệu đồng” trong dự thảo nghị định cần phải loại trừ hành vi của cha mẹ khi truy nhập mạng xã hội của con chưa thành niên với mục đích để giám sát và giáo dục thì không thuộc đối tượng bị xử phạt sẽ phù hợp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ