Cha mẹ nhất quyết không cho truyền máu, bé trai mang khối u gan nguy kịch được bác sĩ dùng cách này để “hồi sinh“

GD&TĐ - Bé trai 11 tuổi mang khối u gan đường kính đến 10cm nhưng cha mẹ nhất quyết không cho truyền máu bên ngoài vào người con để mổ. Để cứu bệnh nhân, các BS đã vận dụng tất cả tài năng và y đức của mình để "lách qua khe cửa hẹp", giữ mạng bệnh nhi.

Cha mẹ nhất quyết không cho truyền máu, bé trai mang khối u gan nguy kịch được bác sĩ dùng cách này để “hồi sinh“

Ngày 13/9, Bệnh viện  (BV) Quốc tế City (TP.HCM) cho biết sau hơn 2 giờ căng thẳng trong phòng mổ, ekip điều trị đã cắt trọn khối u gan 10 centimet, cứu sống một bé trai 11 tuổi (ngụ tại Quận 6, Tp. HCM) mà không dùng bất kỳ giọt máu bên ngoài nào truyền cho bệnh nhi.

Con mang khối u gan nguy kịch, cha mẹ nhất quyết không cho truyền máu (!)

Bé Nguyễn.G.B. (11 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) nặng 28 kg, phát hiện có khối u gan cách đây 6 tháng. 

Từ tháng 2/2018 đến nay, gia đình đã đưa bé đi nhiều BV lớn để mong cứu chữa. Nhưng vì yêu cầu của người nhà không cho truyền máu bên ngoài khi phẫu thuật nên nơi nào cũng đều từ chối điều trị. 

Đến BV Quốc tế City, điều kiện ngặt nghèo này một lần nữa được cha mẹ bé đưa ra, đó là "không truyền máu của người khác, kể cả máu của thân nhân bệnh nhân" trong quá trình phẫu thuật. 

Ekip điều trị căng thẳng hội chẩn trước yêu cầu không được truyền máu bên ngoài vào cơ thể bé từ gia đình.

Ngày 31/8, một cuộc hội chẩn quan trọng đã diễn ra với sự tham dự của gia đình bệnh nhân cùng nhiều BS giỏi của BV. 

Trước yêu cầu "kỳ lạ" trên, ban đầu ekip điều trị có chút ngần ngại. Tuy nhiên sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ, các BS phát hiện khối u gan của bé đã lên đến 10cm. Trước yêu cầu khẩn thiết của gia đình bệnh nhân và với lương tâm của người thầy thuốc, các BS đã quyết định sẽ dốc hết tâm sức để phẫu thuật cho bé. 

Cha mẹ nhất quyết không cho truyền máu, bé trai mang khối khối u gan nguy kịch được bác sĩ dùng cách này để hồi sinh - Ảnh 3.

Bệnh nhi được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật.

Theo "giao kèo" từ trước, BS chỉ được dùng máu của bệnh nhi và hoàn trả lại cho bé qua hệ thống máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver). Phương pháp này đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của việc truyền máu đồng nhóm cổ điển.

Tiền phẫu thuật, bệnh nhi được cho uống thuốc để kích hồng cầu phát triển. Bé cũng được truyền các dịch thay thế máu để bảo đảm sức khỏe suốt quá trình mổ.

Quá trình phẫu thuật, ekip điều trị hạ huyết áp của bé xuống để cắt gan ít bị chảy máu. Máy truyền máu hoàn hồi bắt đầu được dùng hút máu em bé ra rồi lọc, bơm trả lại cơ thể bệnh nhi. Phát hiện ổ bụng có những mạch máu bất thường, phẫu thuật viên thận trọng khống chế các mạch máu lớn nuôi khối u gan. 

Cha mẹ nhất quyết không cho truyền máu, bé trai mang khối khối u gan nguy kịch được bác sĩ dùng cách này để hồi sinh - Ảnh 4.

Khối u "khủng" được lấy ra.

Sau 130 phút, ekip mổ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật, chiếm khoảng 15% thể tích gan. Sau khi lấy được khối u, BS dùng hệ thống máy để thu hồi máu, lọc và truyền lại cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, tất cả thành viên ekip thở phào.

Quyết định kéo dài sự sống

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường, thành viên kíp mổ tâm sự: "Nếu lần này BV từ chối phẫu thuật thì có lẽ sẽ rất ít cơ sở y tế nào có thể đáp ứng được yêu cầu của gia đình bệnh nhân vì bệnh nhân có bệnh cảnh hiểm nghèo: Là trẻ em có khối u gan to nhiều mạch máu nuôi, lại có điều kiện không cho truyền máu. 

Nếu lúc phẫu thuật gặp chấn thương vỡ gan, vỡ lách, không cho truyền máu thì không thể có dịch truyền nào thay thế máu được và gây nguy hiểm cho bệnh nhân".

Cuộc phẫu thuật thành công vì ekip đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu giải phẫu bất thường của mạch máu, tận dụng tất cả các phương tiện máy móc tốt nhất. Trong khâu gây mê, ekip đã cho thuốc giảm đau ngoài màng cứng để sau khi hồi tỉnh, em bé sẽ ít đau, phục hồi sớm. 

Khi tới giai đoạn cắt gan, BS gây mê chủ động cho huyết áp giảm xuống nên lượng máu chảy chỉ 200ml.

BS Cường cho biết nếu không sớm được phẫu thuật, khối u sẽ phát triển ngày càng lớn và có nguy cơ vỡ ra gây đột tử. 

Cha mẹ nhất quyết không cho truyền máu, bé trai mang khối khối u gan nguy kịch được bác sĩ dùng cách này để hồi sinh - Ảnh 7.

Gia đình hạnh phúc ngày xuất viện.

"Khối u gan phát triển rất nhanh, nếu chúng ta không can thiệp thì thời gian sống còn của bé chỉ tiên đoán vài tháng. 

Tính trung bình cứ 100 trẻ có khối u gan ác tính thì 30% trẻ sẽ sống kéo dài 3-5 năm. Bệnh nhân sau phẫu thuật nên tái khám định kỳ theo hẹn để có những điều trị, can thiệp kịp thời nếu khối u tái phát" - BS đưa ra lời khuyên.

Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ