Với nhiều quốc gia trên thế giới, công tác xã hội đã trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, nghề công tác xã hội (CTXH) mới chỉ ở bước đầu, chưa phát triển theo đúng ý nghĩa và tầm vóc trên tất cả các khía cạnh, từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương nhấn mạnh: Công tác xã hội trong trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh và với nhân viên y tế. Do đó trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bệnh viện là nơi cần có hoạt động CTXH nhất. Tại các nước phát triển, hầu hết các bệnh viện đều có phòng CTXH và đây là điều kiện được công nhận là hội viên của Hội các bệnh viện. Sự hỗ trợ của nhân viên CTXH đã làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.
Tại Việt Nam, mạng lưới công tác xã hội ở tuyến Trung ương có 80% các bệnh viện có phòng công tác xã hội và ở các tỉnh là 60%. Đội ngũ cán bộ nhân viên chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở dịch vụ về CTXH chưa phát triển, trong khi để thực hiện tốt các chính sách xã hội thì việc phát triển nghề CTXH là hết sức cần thiết. Đó là một yêu cầu khách quan của quá trình hội nhập quốc tế.
Nghề CTXH ở Việt Nam chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010. CTXH trong ngành Y tế cũng đã được hình thành ngay sau đó khi Bộ Y tế ban hành Đề án “Phát triển nghề CTXH trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020”.