Cha mẹ nhập cư "bó tay" khi con học trực tuyến

GD&TĐ - Một bộ phận phụ huynh Mỹ là người nhập cư không thể nói tiếng Anh. Từ lâu, họ không thể hỗ trợ con cái học tập nhưng vấn đề này đã trở nên trầm trọng hơn bởi dịch Covid-19.

Cô giáo Vazquez trò chuyện với một học sinh nhập cư.
Cô giáo Vazquez trò chuyện với một học sinh nhập cư.

Khi trường học trở lại học trực tiếp, giáo viên ghi nhận số đông học sinh trong gia đình nhập cư có kết quả học tập sa sút so với trước đại dịch.

Nhiều phụ huynh cho biết, trong thời gian học trực tuyến, họ không thể thuê phiên dịch viên trong khi dịch trực tuyến không chính xác nên không thể giúp con cái. Chị Mandy, sống tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, đã quyết định cho con trai 10 tuổi trở lại trường bất chấp dịch bùng phát do việc học trực tuyến không hiệu quả.

“Tôi phải dịch báo cáo, tài liệu nhà trường gửi về gia đình từ tiếng Anh sang tiếng Quan Thoại, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Nhưng công việc này rất khó, mất thời gian lại không hiệu quả. Tôi có cảm giác đứng ngoài việc học tập của con”, chị Mandy bày tỏ.

Hàng năm, Văn phòng Quyền Công dân thuộc Bộ Giáo dục Mỹ nhận được hàng chục đơn khiếu nại từ phụ huynh về rào cản ngôn ngữ. Nhận thức về vấn đề này, chính quyền thành phố Philadelphia, nơi có đông phụ huynh nhập cư, đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ các gia đình theo dõi tiến trình học tập của con cái.

Các nhà trường gửi thư điện tử, thông tin liên lạc bằng nhiều ngôn ngữ, thuê hàng chục thông dịch viên, còn gọi là trợ lý văn hóa song ngữ (BCA) để giao tiếp với phụ huynh. Các khu học chánh khuyến khích phụ huynh yêu cầu trợ giúp ngôn ngữ tại các nhà trường.

Jenna Monley, Phó Chánh văn phòng học khu Philadelphia, cho biết trong các cuộc họp trực tiếp giữa nhà trường và phụ huynh, BCA là trung gian hỗ trợ hai bên trao đổi các vấn đề liên quan đến học sinh. Giáo viên, nhân viên các nhà trường được khuyến khích tham gia bồi dưỡng hàng năm. Phụ huynh được khuyến khích đăng ký học tiếng Anh ngay tại khu học chánh của con em mình.

Ước tính, số người học tiếng Anh tại thành phố Philadelphia đã tăng từ 12.000 người vào năm 2013 lên 16.500 vào năm 2021. Số người trên 5 tuổi không nói tiếng Anh ở nhà tại Philadelphia giảm còn 1/4.

Những nỗ lực của thành phố trong việc cải thiện số lượng người nói tiếng Anh cũng như hỗ trợ phụ huynh không nói tiếng Anh theo dõi quá trình học tập của con cái là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang làm lung lay những cố gắng suốt thời gian qua.

Do dịch Covid-19, số lượng BCA bị cắt giảm tăng cao. Giáo viên, do phải tăng cường kỹ năng công nghệ, thích ứng với mô hình giáo dục mới, không có nhiều thời gian để quan tâm, ưu tiên gia đình nhập cư.

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, phụ huynh được yêu cầu tăng cường hỗ trợ, phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn trẻ học trực tuyến. Nhưng phụ huynh nhập cư không chỉ hạn chế về giao tiếp, việc sử dụng công nghệ bằng tiếng Anh cũng rất khó khăn. Đa số chỉ có thể khuyến khích, động viên con tự học. Điều này khiến nhiều học sinh mất động cơ học tập, chểnh mảng và sa sút trong học tập.

Khi trường học trở lại học trực tiếp, thành phố Philadelphia đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ phụ huynh nhập cư với mong muốn mỗi lớp học đều có một BCA đồng hành cùng giáo viên, cha mẹ học sinh.

Cô giáo Vazquez, 27 tuổi, học khu Philadelphia, bày tỏ: “Giáo dục là rất cần thiết với học sinh, đặc biệt là trẻ em nhập cư cần nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn. Do đó, tôi mong muốn có thể những người bạn đồng hành giúp tôi kết nối, hỗ trợ học sinh và các gia đình nhập cư”.

Theo AP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ