Các con số cụ thể
Nhìn chung, báo cáo cho thấy, sự tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia vào GD ĐH của người khuyết tật hay có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống đáng kể, khi chỉ có 41 SV là người nhập cư trong tổng số khoảng 250.000 SV ĐH hiện nay ở Ireland.
Kế hoạch quốc gia 5 năm về công bằng tiếp cận GD ĐH (2015 - 2019) đã đặt mục tiêu nâng số lượng người nhập cư học ĐH lên ít nhất 80 SV vào năm tới, nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng thừa nhận khó có thể đạt được điều này.
Ngoài vấn đề số lượng người nhập cư tham gia ĐH, báo cáo cũng chỉ ra những tiến bộ mạnh mẽ trong việc đáp ứng hoặc vượt quá các mục tiêu về công bằng tiếp cận GD ĐH với các nhóm khác được khảo sát. Trong đó, tỷ lệ SV khuyết tật đã tăng từ 6% trong năm 2015 lên 10% vào năm 2017. Điều này vượt xa mục tiêu 8% mà Chính phủ đã đặt ra cho năm 2019.
Tương tự, tỷ lệ SV từ các nhóm lao động vừa học vừa làm, hay lao động trình độ thấp theo học ĐH, đã tăng từ 26% trong năm 2015 lên 36% vào năm 2017. Điều này cũng đi trước mục tiêu 35% của chính phủ đặt ra cho năm 2019.
Tỷ lệ SV đến từ các gia đình hay cộng đồng dân cư có điều kiện kinh tế khó khăn nhất có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, với mức tăng từ 23% của năm 2015 lên 27% vào năm 2017. Số trẻ em từ các trường có hoàn cảnh khó khăn (Deis) tiếp tục học lên ĐH cũng tăng nhưng tốc độ khá chậm, từ 12% trong năm 2015 lên 13,5% vào năm 2017. Bù lại, tỷ lệ SV ở độ tuổi trưởng thành (quá tuổi trung bình của SV ĐH) theo học ĐH toàn thời gian đã giảm còn 9% vào năm 2017, vượt xa chỉ tiêu của chính phủ đặt ra cho năm 2019 là 16%.
Những thách thức đối với GD
Vì sao việc giảm tỷ lệ SV ở độ tuổi trưởng thành trong GD ĐH toàn thời gian lại được coi là một trong những mục tiêu quan trọng về định hình lại GD ĐH ở Ireland? Kế hoạch quốc gia 5 năm về công bằng tiếp cận GD ĐH (2015 - 2019) của chính phủ lưu ý rằng một nền kinh tế mở có triển vọng việc làm tốt, đồng nghĩa với việc có ít người ở độ tuổi trưởng thành lựa chọn con đường học ĐH thay vì tập trung cho công việc.
Nhìn tổng thể, báo cáo đánh giá về kế hoạch của chính phủ cho thấy, tỷ lệ người học tham gia vào GD ĐH ở Ireland đã tăng 4% kể từ năm 2015, từ 51% lên 55% vào năm 2017.
Khi được chia theo từng địa phương, tỷ lệ người học ĐH ở những nơi như Dublin, Kilkenny, Roscommon và Wexford (các thành phố phát triển hàng đầu ở Ireland) vẫn giữ mức tăng trung bình như nhiều năm qua. Tại các thành phố như Kerry,
Limerick,Offaly và Sligo, báo cáo ghi nhận có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ người theo học ĐH, ở mức tăng trung bình 10%.
Bên cạnh các con số về tỷ lệ người theo học ĐH hiện tại (chia theo từng nhóm đối tượng hay từng địa phương), báo cáo cũng nhấn mạnh về hàng loạt thách thức trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT của đất nước; đặc biệt yêu cầu về tính thiết thực mà GD cung cấp cho người học.
Báo cáo cũng lưu ý rằng, tiến trình nâng cao chất lượng GD đang bị hạn chế bởi sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và thông tin, đòi hỏi các phương pháp giảng dạy và học tập cũng phải thay đổi theo, để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Bài toán đối với người nhập cư
Trở lại vấn đề người nhập cư ở Ireland. Hai thập kỷ trước, GD được coi là giải pháp hữu hiệu để mang lại sự bình đẳng và hòa nhập nhanh chóng cho nhóm đối tượng này; trong đó, GD trung học là ngưỡng tối thiểu được đặt ra. Hai thập kỷ sau, ngay ngưỡng tối thiểu này cũng không đạt được. Trẻ em thuộc các gia đình nhập cư vẫn theo học tiểu học đầy đủ, nhưng giảm dần ở trung học và hầu như vắng bóng ở ĐH.
Các nhà hoạt động xã hội chỉ ra nguyên nhân: Ai cũng biết giá trị của việc học hành, nhưng vấn đề là trong xã hội Ireland, việc học cao không tạo ra sự khác biệt đối với người nhập cư, đơn giản là không mấy ai muốn thuê họ làm việc ở những vị trí có thu nhập cao (đồng thời với đòi hỏi cao về kỹ năng). Người nhập cư chủ yếu chỉ được tham gia vào các lĩnh vực lao động cơ bản. Đó là lý do họ không học lên cao, dù thực sự được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện.
Trong cuộc điều tra dân số năm 2016 của chính phủ, số lượng người nhập cư tại Ireland là 30.987, chiếm 0,7% tổng dân số. Cứ 10 người nhập cư thì có tới 8 người phải nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc tham gia vào các công việc không cụ thể (gọi chung là nhóm lao động thất nghiệp), cho dù phần lớn trong số họ đang ở độ tuổi lao động (kết quả điều tra dân số 2016 cho thấy, trong số 30.987 người nhập cư thì chỉ có 932 người từ 65 tuổi trở lên).