Cha mẹ nên làm gì khi con bị sang chấn tâm lý?

GD&TĐ - Khi gặp phải sang chấn ngay từ nhỏ, trẻ sẽ có hiện tượng stress liên tục.

Cha mẹ cần biết khi nào nên đưa trẻ tới gặp chuyên gia. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần biết khi nào nên đưa trẻ tới gặp chuyên gia. Ảnh minh họa

Từ đó, xuất hiện các hành vi thách thức liên quan đến hoạt động chức năng của não dưới, khiến trẻ gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội, nhận thức và cảm xúc, vấn đề về hành vi...

Sang chấn còn tác động tiêu cực đến sự phát triển nói chung của trẻ em. Những trẻ có tiền sử sang chấn tâm lý có nguy cơ lạm dụng chất kích thích khi bước vào giai đoạn vị thành niên và trưởng thành.

Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý

Những câu chuyện về khủng hoảng tâm lý, trầm cảm đã không còn là cá biệt, xảy ra ở mọi lứa tuổi, môi trường sống... Đặc biệt, liên tục thời gian gần đây, trên mạng xã hội cũng như phương tiện thông tin xuất hiện nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến trầm cảm ở trẻ. Nhiều trường hợp vì không chịu nổi áp lực học hành, công việc, chuyện tình cảm... nên gặp sang chấn tâm lý, trầm cảm.

Nhiều phụ huynh đã băn khoăn và đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để phát hiện, đồng hành và giúp con trẻ, người thân, bạn bè vượt qua được những khủng hoảng này?

Bên cạnh đó, các vụ bạo lực, cũng như hoạt động gây tổn thương thể xác và tinh thần của trẻ là một trong những nguyên nhân gây sang chấn tâm lý. Sang chấn có thể xảy ra trong vài tuần đầu, hoặc nhiều năm sau những cú sốc mà trẻ phải trải qua.

Sang chấn thường làm trẻ trải nghiệm những tổn thương tâm lý dưới hình thức “hồi tưởng” ký ức, những cơn ác mộng, hoặc ý nghĩ đáng sợ. Đặc biệt là khi trẻ tiếp xúc, chứng kiến sự kiện hoặc đồ vật gợi lại những chấn thương tâm lý.

Theo các chuyên gia, một số tình huống cụ thể có thể gây sang chấn tâm lý ở trẻ em. Trong đó, bao gồm các cuộc tấn công bạo lực như hãm hiếp, đánh đập, hành hạ trẻ; lạm dụng thể chất hoặc tình dục; hành vi bạo hành như khủng bố, đe dọa trường học, khu nhà ở; thiên tai; tai nạn xe. Trẻ cũng có thể gặp khủng hoảng tâm lý nếu chứng kiến người khác trải qua những sự kiện chấn thương này, hoặc bị chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo.

Trong nhiều trường hợp, sang chấn tâm lý xảy ra do trẻ phải tiếp xúc quá nhiều lần với các sự kiện trên. Hoặc, khi cả gia đình là nạn nhân của các sự kiện đó, mà chỉ có một mình trẻ là người duy nhất sống sót, điều đó cũng gây ra rối loạn căng thẳng. Bởi, trẻ thường mang theo cảm giác tội lỗi sau những chấn động đó. Không phải trẻ nào trải qua những sự kiện chấn động đều bị tổn thương sau sang chấn. Tình trạng này xảy ra dựa trên các yếu tố như nhân cách, lịch sử các vấn đề sức khỏe tâm thần, sự hỗ trợ xã hội, lịch sử gia đình, kinh nghiệm thời thơ ấu, mức căng thẳng hiện tại và bản chất của sự kiện chấn thương.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ở mọi nơi trên thế giới, sức khỏe tâm thần kém gây ra đau khổ cho trẻ em và thanh niên. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, bệnh tật và tàn tật, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên lớn tuổi. Một nửa số trẻ nhỏ gặp các vấn đề liên quan đến tâm thần bắt đầu từ 14 tuổi, nhưng hầu hết các trường hợp không được phát hiện và điều trị.

Những trẻ sang chấn tâm lý thường có các mức hormone chủ chốt không điển hình liên quan đến phản ứng căng thẳng. Ảnh minh họa.

Những trẻ sang chấn tâm lý thường có các mức hormone chủ chốt không điển hình liên quan đến phản ứng căng thẳng. Ảnh minh họa.

Mọi trẻ em đều có quyền được lớn lên trong môi trường yêu thương, nuôi dưỡng và an toàn, với các mối quan hệ hỗ trợ và tiếp cận với các hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội có chất lượng. Việc hạn chế đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần trước đây đã dẫn đến những lỗ hổng nghiêm trọng trong việc phòng ngừa và chăm sóc cho trẻ em, thanh thiếu niên và những người chăm sóc trẻ khi họ gặp vấn đề.

Các nghiên cứu cho thấy, những trẻ sang chấn tâm lý thường có các mức hormone chủ chốt không điển hình liên quan đến phản ứng căng thẳng. Chẳng hạn, trẻ có nồng độ cortisol thấp hơn bình thường, còn nồng độ epinephrine và norepinephrine cao hơn bình thường. Các hormone này đều đóng một vai trò lớn trong phản ứng “đối đầu hay bỏ chạy” (fight or flight) của cơ thể khi đột ngột gặp phải sự kiện gây căng thẳng. Điều đó có nghĩa là, trẻ chỉ có 2 phương án để lựa chọn là đối diện và vượt qua lo âu, hoặc chạy trốn và tránh né bằng mọi cách.

Theo các chuyên gia, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, mà sang chấn còn tác động tiêu cực đến sự phát triển nói chung của trẻ em. Các trải nghiệm bạo lực có tác động nghiêm trọng và lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ. Tiền sử sang chấn tâm lý là một trong những nguy cơ mạnh nhất dẫn đến việc sau này trẻ lạm dụng chất kích thích khi bước vào giai đoạn vị thành niên và trưởng thành.

Trẻ em bị lạm dụng thể chất và tình dục thời thơ ấu có tương quan mạnh với những vấn đề tâm thân ở tuổi trưởng thành. Sang chấn bị tích lũy từ thuở nhỏ có thể dẫn đến giảm sức khỏe thể chất trong quá trình trưởng thành. Đặc biệt, không ít trẻ dần rơi vào tình trạng trầm cảm sau những cú sốc trong đời.

Sang chấn có thể xảy ra trong vài tuần đầu, hoặc nhiều năm sau những cú sốc mà trẻ phải trải qua. Ảnh minh họa.

Sang chấn có thể xảy ra trong vài tuần đầu, hoặc nhiều năm sau những cú sốc mà trẻ phải trải qua. Ảnh minh họa.

Nguy cơ trầm cảm

Theo bác sĩ Nguyễn Tâm Long - Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cha mẹ không nên lơ là khi con có các dấu hiệu trầm cảm. Thay vào đó, phụ huynh cần quan tâm, bày tỏ tình yêu thương, không dò xét con. Cha mẹ nên trò chuyện, gợi mở để trẻ có thể chia sẻ những gì mà con đang trải qua. Đồng thời, thực sự lắng nghe trẻ nói, sẵn sàng giúp đỡ con giải quyết những hành vi rắc rối và rối loạn cảm xúc.

Những trẻ bị trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích và bạn bè. Tuy nhiên, đơn độc chỉ khiến tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ. Do đó, cha mẹ hãy khéo léo giúp con mình tái kết nối với xã hội, cho trẻ đi chơi, du lịch…

Ngoài ra, cần ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố sức khỏe thể chất. Bởi, sức khỏe thể chất và tinh thần có sự kết nối chặt chẽ. Trầm cảm sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ không hoạt động, ngủ ít và dinh dưỡng kém.

Thời đại ngày nay, trẻ vị thành niên thường có những thói quen không lành mạnh như: Thức dậy muộn, ăn các món nhiều calo và ngồi hàng giờ bên điện thoại cũng như máy tính. Vì vậy, cha mẹ hãy hỗ trợ con bằng cách tạo lập một thói quen sống tích cực từ hoạt động vui chơi và sinh hoạt cả gia đình vào những ngày nghỉ.

Cha mẹ cũng cần biết được khi nào cần kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Khi áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng trầm cảm của trẻ không cải thiện, cha mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chăm sóc con từ các chuyên gia tâm lý học hoặc thần kinh học.

Phụ huynh cũng cần chăm sóc chính bản thân và các thành viên còn lại trong gia đình. Khi có con bị trầm cảm, cha mẹ có thể thấy bản thân mình tập trung quá nhiều sức lực và tinh thần vào trẻ, mà quên đi nhu cầu của bản thân và các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ nên quan tâm đến bản thân và các thành viên khác.

Phụ huynh không nên để trẻ thấy vì con mà cha mẹ tiều tụy, buồn rầu. Việc cha mẹ bình an, lạc quan, vui vẻ sẽ truyền năng lượng tích cực đến trẻ.

Theo bác sĩ Long, phòng bệnh luôn hiệu quả và ít tốn kém công sức, thời gian hơn chữa bệnh. Trầm cảm tuổi vị thành niên có thể phòng ngừa được khi cha mẹ để tâm và áp dụng liên tục các biện pháp. Trong đó, phụ huynh cần luôn lắng nghe trẻ.

Ở bất kỳ lứa tuổi nào, cha mẹ cần luôn quan tâm chia sẻ, học và thực hành liên tục cách làm bạn với con. Luôn lắng nghe trẻ chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trẻ có trong cuộc sống. Sau lắng nghe, phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực về quan điểm hay vấn đề của trẻ. Bởi, việc nhận xét sẽ khiến trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của con.

Ngoài ra, cần thiết lập những thói quen tốt cho trẻ. Cha mẹ nên cùng con sắp xếp các hoạt động sinh hoạt hằng ngày phù hợp, luôn sát sao, khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, hoạt động thể chất và làm những việc mà con thích. Cha mẹ cần thiết lập những thói quen tốt cho chính mình, làm gương cho trẻ làm theo.

Bên cạnh đó, nên đảm bảo đầy đủ tinh thần, vật chất cho trẻ. Những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, có cha mẹ yêu thương, quan tâm và sẻ chia sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm.

Cha mẹ cần biết chia sẻ và cùng thảo luận với trẻ để giúp con từng bước vượt qua các khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ hướng dẫn con tự thiết lập những mục tiêu theo khả năng bản thân. Lưu ý, không đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập.

Phụ huynh cần tránh để trẻ rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực. Cụ thể, không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc đạt kết quả học tập kém bạn bè. Thay vào đó, phụ huynh nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu.

Đối với những suy nghĩ sai lệch của trẻ, cha mẹ cần nhẹ nhàng phân tích chứ không được làm trẻ xấu hổ.

“Trẻ thường cố gắng che giấu đi những vấn đề khiến chúng tổn thương. Vậy nên, cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp con mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống. Khi trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm, thì khả năng trẻ sẽ bị rất cao. Cha mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này”, bác sĩ Long nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ có thể cần hỗ trợ sức khỏe tâm thần liên tục trong nhiều tháng hoặc lâu hơn sau khi bị cú sốc tinh thần. Cha mẹ hãy cân nhắc về việc nói chuyện với một chuyên gia nếu trẻ tiếp tục rất khó chịu (lo lắng, sợ hãi, buồn bã, tức giận) trong hơn 2 - 4 tuần sau sự kiện. Hoặc, tình trạng của trẻ ngày càng tồi tệ hơn, phản ứng của trẻ ảnh hưởng đến việc học hoặc các mối quan hệ với bạn bè hoặc gia đình. Giúp đỡ con trẻ vượt qua cú sốc tinh thần là thách thức đối với cha mẹ. Vì vậy, hãy tìm sự trợ giúp bất cứ khi nào phụ huynh cảm thấy cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.