Tuy nhiên, phụ huynh nên tìm hiểu nguyên nhân con nói dối. Từ đó, đưa ra phương pháp phù hợp thay vì phạt trẻ.
Khi biết trẻ nói dối, cha mẹ nên giúp con hiểu, đó là hành động gây tổn thương cho người khác. Như vậy, con sẽ tránh tái diễn thói quen không tốt này.
Khuyến khích con nói sự thật
Nói dối thường được biết đến là một thói quen xấu, thể hiện sự không trung thực. Đây cũng là một vấn đề không quá xa lạ với xã hội. Theo kết quả từ một số cuộc khảo sát, học sinh cấp I có tỷ lệ nói dối là 22%, học sinh cấp II chiếm 50%.
Trong khi đó, có 64% học sinh cấp III nói dối. Dường như, những con số này cho thấy, tỷ lệ trẻ em nói dối tỷ lệ thuận với độ tuổi.
Theo chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thuý Trinh – Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), trẻ em và thanh thiếu niên không suy nghĩ như người lớn. Tình trạng nói dối ở trẻ xảy ra không phải do một số vấn đề về cảm xúc.
Trẻ nói dối cũng không phải do cha mẹ thất bại trong việc giáo dục con. Thay vào đó, hiện tượng nói dối xảy ra do sự phát triển theo lứa tuổi của trẻ.
“Những đứa nhỏ thực sự không hiểu tại sao cha mẹ buồn vì chúng nói dối. Trong suy nghĩ của đứa trẻ, đơn giản chúng đang nói cho cha mẹ biết những gì họ muốn nghe để làm cha mẹ vui, và điều đó thì có gì sai?”, chuyên gia Thuý Trinh cho biết.
Theo bà Trinh, nếu đánh giá một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên theo cách người trưởng thành nghĩ, có lẽ chúng ta sẽ đưa ra một kết luận sai lầm. Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng, người lớn cần suy nghĩ như trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Và, sau đó, chúng ta có thể điều chỉnh những gì mình nói.
“Có những hành động bạn có thể thực hiện với trẻ em ở mọi lứa tuổi, nhằm loại bỏ sự giả dối và dạy trẻ thành thật. Giả sử, bạn nghe thấy một tiếng động mạnh trong phòng nên bước vào đó. Bạn thấy con đang đứng cạnh một chiếc bình vỡ và tay cầm quả bóng chày.
Hầu hết các cha mẹ sẽ nói điều gì đó như: “Chuyện gì đã xảy ra vậy con?”. Hãy xem xét các lựa chọn theo cách nhìn nhận của một đứa trẻ. Con có thể nói cho bạn biết sự thật và sẽ bị trừng phạt. Hoặc, trẻ nói con không biết gì cả và hy vọng rằng cha mẹ sẽ tin. Do đó, sự lựa chọn của trẻ là giữa 100% khả năng bị phạt hoặc 50% cơ hội được thoát nạn”, bà Trinh lý giải.
Để thay đổi điều đó, chuyên gia này khuyến khích các phụ huynh không bao giờ hỏi một câu mà bản thân đã biết câu trả lời. Thay vào đó, cha mẹ có thể nói: “Con đã làm vỡ chiếc bình khi chơi trong nhà. Hình phạt của con là chà rửa hai nhà vệ sinh và lau chùi hai cửa sổ. Tuy nhiên, nếu con muốn xin lỗi và nói cho mẹ biết những gì sẽ làm, con chỉ phải chà rửa một nhà vệ sinh và lau chùi một cửa sổ”.
Khi đó, trẻ sẽ phải nhận lỗi. Điều này được cho là khuyến khích trẻ học cách đánh giá tình huống, cảm nhận từ bên trong và nói lời xin lỗi mà không phải do ai ép buộc. Và, trẻ cần nói sự thật để nhận hình phạt nhẹ hơn.
“Gốc rễ” của tình trạng nói dối
Một thực tế là, lời nói dối có thể đáng tin hơn và thậm chí giúp trẻ né tránh được bất lợi, như lời chị Thanh Phương (Hoàng Mai, Hà Nội): “Thằng bé vì không thuộc bài nên nói dối với cô giáo rằng, mẹ bị sốt cao. Bí mật đó chỉ bị lộ ra khi tôi đi họp phụ huynh”.
Trong khi đó, một số trẻ có thể nói dối để mong muốn nhận được sự quan tâm của người khác. Chị Ngọc Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, do mới sinh bé thứ hai, chị ít có thời gian hỏi han cháu lớn. Một lần, cậu bé bị ốm và được cả gia đình quan tâm, lo lắng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cậu bé có hành động giả ốm để được chăm sóc.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh nhận định, việc gây áp lực hoặc kỳ vọng quá mức cũng có thể khiến trẻ nói dối về kết quả học tập để làm hài lòng người lớn. Thậm chí, một số cha mẹ thừa nhận đã vô tình dạy con nói dối khi bản thân mình cũng làm vậy. Chị Thu Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thú nhận, khi đưa con đi học muộn, chị thường nói dối với cô giáo rằng do xe bị hỏng.
“Tôi rất ân hận khi dạy con nói dối như vậy”, chị Trang chia sẻ.
Theo thực nghiệm khảo sát kết quả trên 1.200 trẻ em của Viện Nghiên cứu trẻ thuộc Đại học Toronto (Canada) vừa được công bố, phần lớn trẻ 2 - 3 tuổi đã biết nói dối với mức độ “tinh vi” tăng dần.
Trong khi đó, theo bác sĩ Ma Văn Thấm – Khoa Nhi, Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, nói dối là hành vi xuất phát từ một động cơ nhất định. Hành vi được biểu hiện ra bên ngoài bằng hành động ngôn từ nhưng lại thống nhất với biểu hiện tâm lý bên trong của nhân cách, mang nội dung không đúng thực tế, được người nói cố ý đưa ra. Chuyên gia này nhận định, hiện tượng này xảy ra có thể do trẻ học nói dối.
“Tác giả Charles Ford nói dối do “học” mà biết. Điều này có nghĩa là con người ta không phải sinh ra đã mang “gen nói dối”. Chỉ sau 4 tuổi, trẻ mới học được cách nói dối. Nghiên cứu theo độ tuổi, tác giả Gervais và cộng sự cho rằng, tần suất của hành vi nói dối tích lũy đến khi 7 tuổi theo chiều dọc.
Trẻ em ở độ tuổi 7 và 8 đã nói dối thường xuyên hơn so với trẻ em ở tuổi lên 6. Lee và Ross cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể liên quan đến độ tuổi về nội dung của một lời nói dối. Tuổi càng tăng, lời nói dối càng tinh vi hơn”, bác sĩ Thấm dẫn chứng.
Bên cạnh đó, cách nhận thức của trẻ khác người lớn. Có thể đối với chúng ta, đó không hẳn là sự thật. Tuy nhiên, với trẻ, đó là sự thật. Bởi, người lớn và trẻ nhìn sự thật theo hướng khác nhau.
“Điều quan trọng là hiểu đúng những gì trẻ cảm thấy và tin rằng mình cảm thấy. Khi trẻ nói “con đã dọn dẹp phòng của con”, trẻ không nói dối mà đang cố thuật lại sự thật theo cách của trẻ”, chuyên gia chia sẻ.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác của nói dối là do trẻ được lập trình để trả lời đúng. Bác sĩ Thấm nêu ví dụ, khi mẹ hỏi trẻ: “Con yêu ai nhất?”, niềm kì vọng của mẹ là trẻ sẽ nói “con yêu mẹ nhất”. Khi nghe câu trả lời này, chắc chắn mẹ sẽ rất vui và thể hiện cảm xúc, hành vi để trẻ nhận ra điều đó. Và tương tự, khi bà hoặc bố hỏi câu đó, trẻ đều trả lời là mình yêu người đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia này, khi cha mẹ quá bao bọc hoặc trấn áp, trẻ có khuynh hướng nói dối để tự do hơn và giúp cha mẹ không lo lắng. Hoặc, đôi khi, trẻ nói dối vì giàu trí tưởng tượng và muốn thoát ra khỏi thực tế gây ấm ức, khó chịu hay thất vọng. Dù trong thâm tâm, trẻ ý thức là điều mình kể không có thật, nhưng con sẽ cảm thấy dễ chịu trong ảo tưởng.
Do đó, bác sĩ Thấm nhấn mạnh, điều quan trọng là tìm hiểu trẻ hay nói dối với ai: Cha mẹ để gây sự chú ý, hay với thầy cô để được quan tâm.
Giúp con bỏ thói quen xấu
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh gợi ý, để chấm dứt tình trạng nói dối ở trẻ, cha mẹ nên ngừng hỏi nếu đã biết câu trả lời của con.
“Bạn đã yêu cầu con dọn gọn gàng phòng và bạn cũng biết chắc rằng con mình không làm điều đó. Khi đó, cha mẹ thường có xu hướng đặt câu hỏi: “Con đã hoàn thành việc dọn dẹp phòng mình chưa?”. Và chắc chắn, với thái độ gay gắt của cha mẹ, con sẽ nói dối. Do đó, thay vì đặt câu hỏi khi biết con chưa thực hiện điều gì đó, cha mẹ hãy nói: Con hãy dọn phòng để khi mẹ trông thấy, nó không còn bừa bộn thế này”, ông Lê Khanh nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, để tình trạng xấu này ở con chấm dứt, phụ huynh cần để trẻ biết rằng, người nghe lời nói dối sẽ bị tổn thương. Chuyên gia này khuyến khích, phụ huynh có thể kể cho con nghe một câu chuyện nào đó có nội dung xoay quanh việc ảnh hưởng xấu khi lừa dối người khác. Qua đó, con sẽ tự cảm nhận như thế nào là xấu. Từ đó, trẻ sẽ nhận ra rằng, nói dối làm tổn thương người khác và như vậy, con cần tránh làm điều đó.
Không ít ông bố, bà mẹ thường dùng hình phạt để xử lý trẻ khi con nói dối. Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Khanh, đây là điều các phụ huynh nên tránh.
“Bạn có chắc chắn rằng, con sẽ không nói dối chỉ bởi vì cha mẹ sẽ trừng phạt? Nếu có, hãy cố gắng tìm ra một cách tốt hơn để kỷ luật trẻ thay cho hình phạt. Hãy nói chuyện với con về lý do tại sao nói dối là điều không tốt. Hoặc, mọi người sẽ đối xử với những người nói dối như thế nào? Từ bài học đó, trẻ sẽ biết rằng, mình không nên nói dối”, chuyên gia Lê Khanh cho biết.