Thời gian gần đây, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Thắm (phường Kinh Bắc, Bắc Ninh) trở nên hỗn loạn khi phát hiện một địa chỉ facebook cá nhân "lạ hoắc" tự ý lấy ảnh con chị đưa lên. Nếu chỉ một, hai lần với ý hâm mộ, yêu quý bé thì không có vấn đề gì nhưng chủ địa chỉ facebook đó lại nhận đó là con của họ, và việc đó diễn ra đã vài năm.
Chị Thắm kể rằng chị bán hàng online. Một hôm chị nhập hàng về, chụp ảnh và đăng lên facebook. Ngay hôm sau đã thấy tấm hình đấy xuất hiện trong bức ảnh bạn bè like (thích) trong một địa chỉ facebook khác. Lúc đầu chị bực mình nghĩ địa chỉ này ăn cắp ảnh của mình nên định vào hỏi sao lại tự ý lấy ảnh không xin phép. Thế nhưng, khi vào trang, chị vô cùng bất ngờ khi thấy ảnh con mình được đăng đầy trên địa chỉ facebook lạ đó.
Sau đó chị Thắm tìm hiểu và có được số điện thoại chủ nhân trang facebook từ 2 nhân vật xưng là cậu - mợ. Tuy nhiên, khi gọi vào số điện thoại đó thì không ai bắt mắt. Giải pháp cuối cùng, để đảm bảo an toàn cho con và cũng để không nghĩ nhầm cho người tốt, gia đình chị Thắm đã nhờ công an vào cuộc điều tra.
Cha mẹ nên cân nhắc, thận trong, hạn chế đưa hình con trẻ lên mạng xã hội Facebook (ảnh minh họa)
Đây cũng là bài học cảnh tỉnh không riêng gì chị Thắm mà cho tất cả bậc làm cha làm mẹ phải rất thận trọng khi quyết định đăng hình con lên facebook. Thực sự, khi có đứa con cưng, nhìn thấy con lớn lên hằng ngày với bao hành động ngộ nghĩnh đáng yêu, những câu nói bập bẹ, bước đi đầu tiên, ngày đầu tiên đi nhà trẻ, khi con cười, khi con khóc, khi con ngủ… đều là những khoảnh khắc tuyệt vời mà bạn có thể ghi lại chỉ cần một chiếc smartphone.
Tuy nhiên, nên giữ hình ảnh của con trong máy tính hay album gia đình thì vẫn tốt hơn là đưa tất tần tật hình ảnh của con lên mạng xã hội. Hành động ấy có thể giúp cha mẹ thỏa mãn tâm lý khoe con nhưng có thể để lại hậu quả lâu dài cho con, nếu chẳng may các bức ảnh ấy rơi vào tay kẻ xấu.
Theo các chuyên gia thì việc đưa hình con trẻ lên facebook có thể gặp nhiều hệ lụy. Hình ảnh ấy có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Bởi rất nhiều kẻ xấu thường xuyên săn lùng hình ảnh các bé trên mạng để trục lợi. Trên các trang tin, đặc biệt ở các nước phương Tây, có rất nhiều câu chuyện phụ huynh tá hỏa khi phát hiện ảnh con em mình xuất hiện trên các trang web khiêu dâm.
Nguy hiểm hơn, hình ảnh con trẻ trên facebook vô tình tạo cơ hội cho những kẻ bắt cóc. Bởi không ít bậc cha mẹ bên cạnh đưa ảnh con lên facebook thì còn viết rất chi tiết về bé, như đang đi đâu, làm gì, ăn gì, giờ giấc ra sao, học trường nào… Đây là những thông tin mà những kẻ bắt cóc trẻ dựa vào để dễ dàng hành động. Trẻ con vẫn chưa biết cách để tự bảo vệ mình và rất dễ tin tưởng nếu người lạ nói đúng tên tuổi, thông tin của bé, gia đình, nơi bé ở... Thế nên, cha mẹ càng phải bảo vệ những thông tin cá nhân của con vì lý do an toàn.
Chưa kể, khi lớn lên và đã biết xấu hổ trẻ sẽ rất giận cha mẹ nếu những bức ảnh thời thơ bé trở thành chủ để bình luận xấu, chỉ trích từ bạn bè. Đầu tháng 6 vừa qua, nam ca sĩ Tuấn Hưng vô cùng bức xúc khi con trai Su Hào bị một cư dân mạng xúc phạm với những lời lẽ không hay. Nam ca sĩ đã gọi điện thẳng cho người xúc phạm cho con trai mình để "dằn mặt".
Việc bố mẹ đăng tải hình ảnh và thông tin con lên facebook có thể những thông tin đứa trẻ sẽ không muốn thấy về sau này. Những hình ảnh xấu của trẻ hồi bé như khóc nhè, cắn móng chân, ngồi bô, ngồi trong toilet...có thể là lí do khiến bé bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt sau này. Mới đây ở Áo, một cô gái 18 tuổi kiện phụ huynh xâm phạm quyền riêng tư” khi đưa những bức ảnh lúc nhỏ cô ngồi trên bô lên mạng xã hội. "Họ chẳng biết xấu hổ và giới hạn là gì. Dù tôi ngồi trong toilet hay chẳng mặc gì nằm trong cũi, họ cũng chụp rồi đăng lên", cô gái nói với tờ Heute của Áo.
Cô gái cho biết, đã nhiều lần nhờ bố mẹ gỡ hơn 500 bức hình của mình khỏi Facebook nhưng bị phụ huynh từ chối. Vì thế, cô đã nhờ tới pháp luật xử lý khi vừa bước sang tuổi 18. "Tôi cảm thấy mệt mỏi vì bị bố mẹ chẳng coi tôi ra gì", cô nói.
Thậm chí, hiện nay nhiều nhà tuyển dụng đã sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin về ứng viên vì việc đăng tải hình ảnh càng cần phải cẩn thận. Ở nước ngoài, đã có những chiến dịch cho phép trẻ em được quyền gỡ những thông tin liên quan tới chúng ở một độ tuổi nhất định (16 tuổi) để tránh ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống cá nhân.
Do đó, việc nghiện đưa hình con cái lên Facebook không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà là căn bệnh chung của nhiều bậc cha mẹ trên toàn cầu. Tại Anh, một nghiên cứu gần đây cho thấy trung bình bố mẹ đăng khoảng 1.498 bức ảnh con lên mạng xã hội trước khi trẻ lên 5. Theo Telegraph, nghiên cứu cho thấy 85% bố mẹ không cài đặt chế độ riêng tư trên Facebook ít nhất là một năm và 79% hiểu sai rằng những người lạ sẽ không thể nhìn được hình con mình.
Vì thế, việc đăng hình ảnh con một cách quá vô tư lên mạng xã hội đôi khi vô tình làm hại con. Bên cạnh được luật pháp bảo vệ thì con trẻ cần ý thức tự giác tôn trọng trẻ của cha mẹ, để không đưa thông tin và hình ảnh các em lên mạng mà chưa được sự cho phép của trẻ, để không làm ảnh hưởng cuộc sống các em trong hiện tại cũng như mai sau.
• Luật trẻ em 2016 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Luật gồm 7 chương với 106 điều, có một số điểm mới như sau: Liên quan đến Quyền bí mật đời sống riêng tư, Luật quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Luật quy định: Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
• Luật về đăng hình ảnh trẻ em trên mạng xã hội khá phổ biến ở châu Âu. Tại Pháp, bất cứ ai đăng ảnh mà chưa được sự đồng ý của người đó - như bố mẹ đưa hình con lên mạng - có thể bị phạt tới 38.000 bảng Anh (khoảng hơn 1,1 tỷ đồng).
* Tại Mỹ, Children"s Online Privacy Protection Act năm 1998 (gọi tắt là COPPA) là một đạo luật ban hành ngày 21 tháng 10, 1998), có hiệu lực từ ngày 21 tháng 4 năm 2000, áp dụng cho việc thu thập trực tuyến các thông tin cá nhân từ trẻ em dưới 13 tuổi bởi những người hoặc các đơn vị thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ. Nó đưa ra chi tiết những gì một nhà điều hành trang web phải thực hiện bao gồm chính sách bảo mật, khi nào và làm thế nào để được sự chấp thuận kiểm chứng từ cha mẹ hoặc người giám hộ, và trách nhiệm một nhà điều hành để bảo vệ sự riêng tư và an toàn của trẻ em trực tuyến bao gồm hạn chế về tiếp thị cho trẻ em dưới 13 tuổi. Trong khi trẻ em dưới 13 tuổi hợp pháp có thể đưa ra thông tin cá nhân với sự cho phép của cha mẹ, nhiều trang web không cho phép trẻ em tuổi vị thành niên sử dụng dịch vụ của họ vì những giấy tờ liên quan.