Cha mẹ lo lắng thái quá, con chịu áp lực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thấy con không làm hết bài tập cô giao, viết chậm, đọc chậm, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 tỏ ra lo ngại.

Tiết học của cô trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Tiết học của cô trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Vì vậy, có gia đình cho con học thêm, nhà lại bắt học đến khuya. Lo lắng thái quá đôi khi khiến trẻ sợ hãi việc học hoặc thiếu ngủ, đến lớp ngủ gật trong giờ học.

Tác dụng phụ của việc ép con học

Anh Trần Viết Bảo (Quận 10, TPHCM) khá lo lắng khi con gái chưa nhớ hết bảng chữ cái, học toán còn chậm. Do đó ngoài học trên lớp, vợ chồng anh hôm nào cũng “đánh vật” với con đến gần 23 giờ để hoàn thành các bài tập.

“Hè vừa rồi, vợ tôi có ý định cho con đi học tiền lớp 1 nhưng nghĩ hai năm dịch con phải sống trong nhà, không được đi chơi hay về quê do đó tôi đã cho con “xả hơi”. Bước vào lớp 1 gần một tháng, nhiều bạn học cùng lớp đã đọc, đánh vần và viết thành thạo, con mình thì trầy trật với các bài tập trên lớp, thức đến muộn cũng chưa xong bài”, anh Bảo chia sẻ.

Cũng giống anh Bảo, đêm nào chị Nguyễn Thúy Ngọc (quận Long Biên, TP Hà Nội) và con cũng thức đến hơn 22 giờ mới xong số bài tập viết, toán chưa kể mỗi tuần 3 tối chị còn thuê gia sư về phụ đạo tại nhà. Theo chị Ngọc, nếu không ép học, con sẽ không theo kịp các bạn trên lớp, không hoàn thành các bài tập được giao.

Chia sẻ với quan điểm lo lắng thái quá của phụ huynh, cô Trần Thị Minh Hiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) nói: “Học sinh tiếp thu bài chậm hơn so với các bạn khiến nhiều phụ huynh lo thường bắt học đến 22-23 giờ.

Tuy nhiên, điều này phản khoa học. Bởi, các em còn nhỏ, nếu thức khuya thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, sức khỏe. Sáng hôm sau ngủ dậy muộn, đến trường muộn ảnh hưởng đến việc thực hiện nội quy, nền nếp nhà trường. Thậm chí, nhiều em đến lớp mệt mỏi, ngủ gật ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài”.

Thầy giáo Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP Hà Nội) đón học sinh lớp 1 vào học. Ảnh: Ngô Chuyên.

Thầy giáo Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP Hà Nội) đón học sinh lớp 1 vào học. Ảnh: Ngô Chuyên.

Phát huy thế mạnh thay vì so sánh

“Khi con vào lớp 1, tôi phải dạy 1 tuần con mới viết được chữ O vậy mà sau một thời gian, con vẫn theo kịp bạn bè, hoàn thành chương trình học. Phụ huynh hãy kiên nhẫn mỗi ngày, khích lệ con bằng những phần thưởng phù hợp để tạo tâm lý hứng thú khi học. Hãy chấp nhận điều con làm được và cả điều chưa làm được.

Mỗi ngày đi học về, bố mẹ hãy hỏi con có vui không? Điều gì làm con thích nhất, điều gì khiến con lo lắng? Hãy cùng con tháo gỡ, động viên và học những chỗ chưa biết với con. Đặc biệt, cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện để hiểu, giúp các em ổn định tâm lý khi thay đổi môi trường học tập”, cô Liễu nói.

“Thay vì lo lắng, cha mẹ hãy đồng hành, bám sát chương trình trên lớp cùng con”, đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Liễu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP Hà Nội).

Theo quan điểm của cô Liễu, sau mỗi bài học trên lớp, cùng với cô giáo, về nhà phụ huynh hãy giúp con ôn lại kiến thức đã học. Nếu các em có chậm một chút, cha mẹ nên động viên, khích lệ, không so sánh con với bạn. Nên để học sinh có thời gian thích ứng với cấp học mới; cho các em đi ngủ trước 21 giờ để có năng lượng học bài ngày hôm sau.

Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, học sinh học chậm so với các bạn có nhiều nguyên nhân. Ví dụ: Học sinh lớp 1 quen môi trường mầm non tự do, thoái mái. Vào lớp 1, các em có thể chưa thực sự để ý đến bài giảng của cô giáo dẫn đến tiếp thu chậm hơn so với một số bạn. Theo đó, phụ huynh nên tùy từng trường hợp để nhắc nhở, hướng dẫn, không nên sốt ruột.

Hiện Chương trình GDPT 2018 giảm tải học lý thuyết, tăng thời lượng học thực hành do đó phụ huynh không nên ép trẻ làm thêm nhiều bài tập ở nhà, bởi những bài học cần thiết thầy cô đã giao rồi. Thay vào đó, cha mẹ nên kiểm tra xem trẻ tiếp thu kiến thức cơ bản trên lớp có tốt không; tìm những ví dụ thực tế trong cuộc sống để vận dụng kiến thức giúp trẻ dễ hiểu, nhớ lâu.

“Học trò lớp 1, phụ huynh không nên tạo áp lực khiến các em cảm thấy căng thẳng, sợ hãi khi nghĩ đến học. Quan trọng cần nhắc trẻ khi học phải nghiêm túc, tự giác. Học xong, các em được phép đọc truyện, giải trí.

Khuyến khích các em tập thể dục, thể thao để cơ thể khỏe mạnh”, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra nhận định đồng thời khuyến cáo: Nếu bắt trẻ học nhiều quá dẫn đến tác dụng phụ là chán học. Trong học tập, phụ huynh cần tạo ra hứng thú, cùng tìm ra phương pháp học hiệu quả. Tuyệt đối, không so sánh con mình với “con nhà người ta”, mỗi học sinh có ưu-nhược điểm khác nhau. Có em học giỏi toán, em giỏi vẽ… Chúng ta nên tìm ra thế mạnh để tạo môi trường cho các em phát huy…

“Với học sinh tiếp thu bài chậm, nhà trường sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm sử dụng phương pháp dạy học phân loại đối tượng; khuyến khích động viên các em học để có nền tảng kiến thức đạt yêu cầu của chương trình đề ra. Chúng tôi cố gắng tạo tâm lý thoải mái, thích đến trường, gặp thầy gặp bạn để các em không cảm thấy bị lẻ loi, phân biệt”, cô Trần Thị Minh Hiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ