Cha mẹ hãy thả lỏng cho con lớn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều độc giả bày tỏ sự đồng thuận với quan điểm cha mẹ hãy thả lỏng để con tự lớn của nhà báo Trần Thu Hà.

Nhà báo Trần Thu Hà và con gái. Ảnh: FBNV
Nhà báo Trần Thu Hà và con gái. Ảnh: FBNV

Nhà báo Trần Thu Hà, tác giả sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết” đã bày tỏ cách dạy con trên mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận đồng quan điểm về việc cha mẹ hãy thả lỏng để con tự lớn. Dưới đây là những chia sẻ của chị:

Kỷ luật nội tại mới là điều quan trọng nhất

Minh hỏi Xu Sim: “Con đã thi chưa?” Xu trả lời: “Con thi xong từ mấy hôm rồi. Cả lớp con, chỉ có duy nhất mình mẹ là hỏi kiểu như thế thôi đấy”.

“Nghĩa là sao?”

“Nghĩa là ba mẹ các bạn ấy toàn kèm các bạn học bài. Các cô các bác ấy biết rõ thi thử ngày nào, thi thật ngày nào, đề dạng làm sao. Có mỗi mình mẹ là không quan tâm thôi… Nhưng mà con thích mẹ như thế”.

“Đó, được con thích là tốt rồi”.

Đúng là tôi không biết con tôi học tới bài nào thật. Vở báo bài của Xu và Sim thường dồn vào cả tuần ký “sỉ” 1 lần. Bài tập về nhà con tự làm, thời khoá biểu tự soạn. Tôi không phải kiểm tra bài, không kiểm tra vở, không phải xét cặp của 2 đứa.

Bởi vì, ngay từ mẫu giáo, tôi đã quán triệt rằng, việc học là của con, việc kiếm tiền là của mẹ. Mẹ không yêu cầu con phải kiếm tiền phụ mẹ, thì con cũng không được yêu cầu mẹ học với con. Thế là cộng trừ, nhân chia, viết hoa viết thường, tập làm văn, tập đọc… chỉ học ở trường.

Vậy thì tôi dạy con cái gì?

Tôi quan niệm rằng, mỗi ngày của tôi chỉ có 24 giờ, tôi sẽ chỉ tập trung vào dạy những thứ mà nhà trường không dạy.

Tôi cũng không xem sách giáo khoa, không xem vở bài tập, không dạy lại những bài cô giáo dạy. Tôi chỉ phụ cô theo cách khác.

Ví dụ mẫu giáo tôi cho con đi học vẽ, tô màu, để luyện cách cầm bút. Chơi ghép hình để rèn kiên nhẫn, cho con cầm dao thái rau củ, cho con rửa chén, quét nhà, nấu ăn, khâu vá… để luyện tay. Tiểu học, muốn viết chính tả tốt thì đọc sách thật nhiều. Để học toán tốt thì cứ làm việc nhà luôn tay, đi chợ nhiều vào. Để làm văn thì đi du lịch, khuyến khích kể chuyện…

Thậm chí tôi cũng không giảng bài cho con. Hôm rồi con mang một bài toán ra hỏi, mẹ ơi con không hiểu. Tôi bảo, “con gấp sách đi rồi đọc đề lại cho mẹ nghe”. Xu nói: “Con không thuộc đề”. “Ồ, nếu con chưa thuộc đề thì con đọc đề chưa kỹ. Con về bàn đọc lại đề. Khi nào suy nghĩ nhiều tới mức mà thuộc lòng cả đề bài rồi mà vẫn chưa giải được thì ra đây mẹ giảng”. “Mẹ khó tính vậy thì thà tự giải còn hơn!”. Và quả nhiên sau khi đọc lại đề vài lần thì Xu tìm ra cách giải.

Có bạn nói rằng nếu không ép thì con sẽ bỏ học luôn, sẽ rơi tự do luôn. Dạ không, nếu bạn luôn đồng hành cùng con, mềm mỏng và kiên định để giữ kỷ luật, thì con vẫn học rất tốt nhé. Rất nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh điều này.

Năm nay Xu Sim đã lên lớp 9 và 10, nửa năm học online do Covid-19, mẹ không phải nhắc 1 câu nào, con vẫn luôn tự giác học. Và khi thầy cô không ở bên cạnh nhắc phạt kiểm soát gắt gao nữa, thì chỉ có động lực nội tại, kỷ luật nội tại của con mới là điều quan trọng nhất để con học tốt!

Bởi vì, “Khi chúng ta lạc đường, càng tiến tới, chúng ta càng xa đích đến!”.

Thế nên là, các bố mẹ ơi, thả lỏng đi!

“Con chỉ cần học thôi, mọi thứ để đó mẹ lo”

Tại sao lại tước đoạt quyền làm bể chén đĩa, được đứt tay, được làm hỏng... của con?

Các bố mẹ có hay cho con cái vô bếp không? Thú thật là nhiều khi nhìn ngứa cả mắt, làm thì ít, nghịch thì nhiều. Làm chả được bao nhiêu mà bày biện thì dọn hết hơi. Thà để mình làm cố cho nó xong.

Đúng thật, cũng như hướng dẫn một đứa trẻ tập viết, hay làm toán chắc chắn là mệt hơn chính chúng ta tự viết hoặc tự tính. Nhưng chẳng lẽ bạn xác định sẽ làm hộ bé cả đời?

Hồi con học lớp 3, mình tới lớp con để chuẩn bị bánh kẹo làm liên hoan tổng kết năm, mình thấy cô giáo phải cắt sẵn các thanh bánh xốp vì: “Nếu giáo viên cắt sẵn thì có nhiều bé không biết cách mở gói bánh ra ăn đâu”.

Mình cũng gặp nhiều bạn sinh viên đi du học mà không biết làm cái gì, cơm không biết nấu, ăn rồi không biết dọn, chủ nhà tức anh ách. Có bạn học giỏi, có học bổng, mà phải xách vali về nước vì không thể tự lập ở một đất nước phương Tây xa lạ.

“Con chỉ cần học thôi, mọi thứ để đó mẹ lo” là một câu nói rất quen thuộc trong nhiều gia đình. Rồi khi con lớn, bố mẹ lại đau đớn khi không hiểu tại sao nó vụng về thế, nó ích kỷ thế. Mình đau lưng muốn sụm lưng, mà nó ngồi trên ghế, điềm nhiên co chân lên để mình lau nhà. Mình ốm nằm bẹp một chỗ, mà nó chả nấu cho mình lấy một chén cháo. Từ vô tư tới vô tâm, tới vô nhân đạo nó không cách xa là bao nhiêu.

Theo một thống kê của Israel, tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ không biết làm việc nhà gấp 15 lần những đứa trẻ biết làm việc nhà. Còn những đứa trẻ biết làm việc nhà thu nhập bình quân gấp 20 lần những đứa trẻ không biết làm việc nhà.

Sự lớn lên của trẻ con được xây dựng bằng quá trình thử và sai. Nếu tụi nó không được quyền thử, không được quyền sai, thì làm sao mà lớn?

Hihi, thế nên ngay từ hồi nhỏ xíu, mình hay kéo Xu Sim vào bếp cùng. Hồi mẫu giáo thì cho đánh trứng, nhặt rau, chiên trứng, rửa chén bát... dùng con dao nhỏ nhỏ cùn cùn thái đậu que... Khi làm việc tụi nó không bị đứt tay đâu, thường chỉ đứt tay khi nghịch thôi. Mà đứt tay cũng không phải là tai nạn quá nguy hiểm, tụi trẻ con da nhanh lành lắm!

Nhiều khi nàng ta chỉ kê ghế lên bấm cái nút phụ mẹ thôi mà mặt mũi cũng hớn hở lắm. Mình không cho con học tập viết trước khi vào lớp 1, ngày đầu tiên con vào lớp 1, con viết chậm nhất khối. Nhưng có lẽ là do làm bếp nhiều nên tay chân khéo léo, khoảng 1, 2 tháng sau là đã viết kịp bạn bè.

Đầu tiểu học thì Xu Sim bắt đầu nấu nướng vài món đơn giản, thái rau đơn giản, tuy rằng mỗi khi cuốn nem chả thì cái nào cũng méo mó, xẹo xọ. Hồi nhỏ, mỗi lần vào bếp, cái bếp nhà mình như cái bãi chiến trường, công dọn còn mệt hơn công làm. Sau này khi lát sàn gỗ, mình phải lát khu bếp bằng gạch men. Nhưng kệ, tuổi tiểu học làm việc nó còn thấy vui, chứ nếu cứ chiều con tới khi nó lớn là nó ngại làm lắm.

Xu Sim giờ vào tuổi teen, lười làm việc nhà hơn hồi xưa, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ khá tốt. Nếu sau này rời mẹ ra thì con cũng sẽ biết tự chăm sóc, và tự tổ chức được cuộc sống của con.

Nhà báo Thu Hà đang sống và làm việc ở TPHCM, là tác giả cuốn sách: “Con nghĩ đi, mẹ không biết”. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.