Sẽ phản tác dụng nếu…
Trẻ em luôn có xu hướng quan sát hành động của mọi người xung quanh và bắt chước theo. Nếu người lớn luôn miệng nhắc nhở trẻ không được sử dụng điện thoại, hay cất ipad đi nhưng lại thường xuyên dán mắt vào màn hình thì mọi lời nói với con đều “phản tác dụng”. Vì vậy khi con ở bên, cha mẹ nên giới hạn thời gian sử dụng các loại thiết bị điện tử. Vì điều đó có thể trở thành một tấm gương xấu cho trẻ.
Theo chuyên gia Đinh Hồng Hạnh – giáo viên dạy kỹ năng sống, khi chơi cùng, hãy tập trung để con hiểu được bạn thực tâm chơi cùng chứ đừng ậm ừ cho qua chuyện khi con hỏi. Hoặc trả lời con trong lúc mắt dán vào màn hình điện thoại. Điều này không chỉ tác động xấu tới trẻ từ việc sử dụng thiết bị điện tử một cách đam mê, mà vô tình gây tổn thương khi trẻ cảm giác cha mẹ không quan tâm nhiều tới chúng.
Cũng theo chuyên gia Đinh Hồng Hạnh, việc làm gương cho con vô cùng cần thiết. Bởi trẻ cần có môi trường tích cực để sống, học tập, chơi đùa. Việc những người xung quanh không quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử sẽ khiến trẻ cảm thấy lạc lõng khi một mình tách ra khỏi gia đình. Trong khi, phần lớn tâm lý của trẻ rất thích náo nhiệt và các hoạt động chung thay vì cả nhà chơi đùa còn chúng lại ngồi một chỗ.
Trên thực tế, nhiều cha mẹ cũng thường dùng việc thưởng cho con chơi điện tử hay xem điện thoại khi con ngoan hoặc nghe lời. Điều này vô tình khiến cho trẻ hiểu việc này là chuyện tích cực, là phần thưởng, được cha mẹ đồng tình. Chính vì vậy, hãy giúp con hiểu được việc xem điện thoại chỉ nên là một hình thức giải trí trong thời gian ngắn. Đồng thời, cần nói cho con hiểu nếu xem quá nhiều gây ra những hệ lụy gì như chứng trầm cảm, giảm thị lực, học hành sa sút...
Để làm gương cho trẻ, cha mẹ cũng cần thống nhất việc quản lý thời gian sử dụng các thiết bị điện tử ở trẻ, bạn có thể quy định khoảng thời gian không sử dụng các loại màn hình điện tử trong ngày. Ví dụ như trong bữa tối thì cả gia đình phải đảm bảo các quy tắc. Đó là không sử dụng điện thoại trên bàn ăn. Không trả lời điện thoại trong bữa ăn. Không xem tivi khi ăn uống. Nếu con bạn mè nheo mong muốn một lần được phá bỏ quy tắc này, hãy nghiêm khắc, nếu không sẽ có những lần sau.
Trong trường hợp, nếu như bạn phải làm việc online, hãy cho trẻ biết rằng bạn đang làm việc và khi nào sẽ xong. Đừng quên chơi với trẻ khi bạn kết thúc việc của mình.
Giúp con không phụ thuộc vào thiết bị
Thông thường, trẻ ở độ tuổi nào cũng có những hiếu động, chơi đùa chứ không chịu ngồi yên một chỗ. Việc trông trẻ thường khiến nhiều phụ huynh mệt mỏi và trong tình huống này, nhiều bậc cha mẹ đã “quẳng” ngay cho con chiếc điện thoại để con ngồi yên.
Hoặc trong các bữa ăn, trẻ ăn chậm, biếng ăn, hoặc chạy nhảy lung tung, nhiều mẹ đã “cấp cứu” bằng cách cho xem điện thoại để ngồi yên một chỗ. Điều này có thể hình thành cho trẻ thói quen không tốt khi quá phụ thuộc vào các thiết bị. Thay vào đó, bạn có thể trực tiếp trò chuyện và giúp trẻ học cách quản lý, kiểm soát cảm xúc của chính mình. Tình cảm của cha mẹ lúc này là giải pháp tốt nhất giúp trẻ quên đi các thiết bị điện tử xung quanh.
Ngay cả khi con ngủ, nhiều cha mẹ cũng thường cho trẻ xem điện thoại để tránh gắt ngủ và nghĩ rằng xem chán sẽ buồn ngủ mà tự ngủ. Chuyên gia Đinh Hồng Hạnh cho rằng: Việc bé có thể ngủ ngon hay không thì tác động đến nhiều hoạt động khác trong gia đình chứ không phải từ việc xem điện thoại. Việc sử dụng các loại thiết bị điện tử không có lợi cho sức khỏe và có thể làm cho trẻ khó chịu và quấy phá do không được ngủ ngon, vì vậy, nên xây dựng một giấc ngủ không có thiết bị điện tử. Thay vào đó, cha mẹ có thể đọc truyện, ru con ngủ, vỗ về và nằm cùng con.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh cho rằng, trẻ xem các thông tin trên mạng khiến chúng thông minh hơn, biết nhiều hơn. Theo nhiều nghiên cứu, trẻ được học hỏi nhiều từ việc khám phá các thiết bị điện tử, cũng giống như việc người lớn tìm đọc báo, thông tin hàng ngày trên điện thoại hay các kênh mạng xã hội. Vấn đề bàn tới là xem nội dung gì và xem bao lâu là hợp lý?
Việc sử dụng các thiết bị điện tử trong một thời gian dài liên tục có thể khiến cơ thể mệt mỏi và có nhiều tác động không tốt đến sức khỏe. Vì vậy, cha mẹ cần đặt ra một giới hạn thời gian sử dụng cụ thể trong một ngày dành cho con của bạn.
Thay vì cho trẻ tự do sử dụng các loại thiết bị điện tử, người thân trong gia đình cần dành thời gian cho trẻ nhiều hơn. Có thể là cho anh chị em cùng chơi với nhau thay vì cho mỗi bạn một chiếc điện thoại để ngồi yên. Cha mẹ cũng nên “chịu đựng” sự ồn ào khi trẻ chơi với nhau. Bởi đó là lúc trẻ được vui đùa, giải phóng năng lượng, được thể hiện bản thân mình và có nhiều kỷ niệm đẹp.
Thật khó để ngăn cấm trẻ sử dụng thiết bị điện tử bởi nó không xấu, quan trọng là thời gian xem và nội dung trẻ được phép xem. Muốn vậy, cha mẹ có thể cùng con sử dụng thiết bị trong thời gian quy định. Như vậy, bạn không những hướng dẫn trẻ nội dung thích hợp để xem, được cùng con tham gia một trò chơi, mà còn giúp trẻ “nghe lời” bạn hơn.