Những cái chết non trẻ đau lòng
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nam 8 tuổi Đ.T.K ở huyện Nhà Bè trong tình trạng hôn mê nặng. Trước đó, K được người nhà phát hiện khi dùng khăn quàng đỏ treo cổ trên dây phơi đồ, chân cách mặt đất 20 cm, môi tím, tiêu không tự chủ, hôn mê. May mắn được đưa vào viện kịp thời, bệnh nhi được cho thở máy, chống phù não, dùng kháng sinh. Sau 7 ngày điều trị sức khỏe ổn định. Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân xem "clip hướng dẫn treo cổ" trên mạng xã hội rồi làm theo.
Chỉ cách vài ngày, một bé gái 12 tuổi ở Ba Vì (Hà Nội) đang học lớp 7 cũng được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ, bên cạnh là chiếc điện thoại vẫn hay dùng. Khi điều tra điện thoại thấy nạn nhân có vào một trang mạng ở nước ngoài thấy thông tin tự tử rồi làm theo.
Trước khi việc đau lòng này xảy ra, người thân không phát hiện điều gì bất thường ở em. Bé gái trên được mọi người nhận định là ngoan ngoãn, học tập tốt, tích cực tham gia hoạt động tập thể. Hay trước đó, vào cuối tháng 9, một thiếu nữ 14 tuổi người Trung Quốc bị tử vong và một người bạn khác bị bỏng nặng vì học theo cách nấu ăn được hướng dẫn trên YouTube.
Có thể rất dễ nhận thấy ở mạng xã hội hiện xuất hiện nhiều hoạt động nguy hiểm cho trẻ em như lập tài khoản dưới dạng hướng dẫn vượt qua thử thách rồi ép tự tử, các clip có nhân vật hoạt hình quen thuộc như người nhện, nữ hoàng băng giá... nhưng hành động mang tính chất rất bạo lực, thậm chí còn có hình ảnh gợi dục…Những tai nạn, cái chết đau lòng này gióng thêm hồi chuông cảnh báo về những hiểm họa khôn lường từ mạng xã hội.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh - Phòng Tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP HCM) cho rằng, nếu không có biện pháp giám sát, những thông tin độc hại, bạo lực ẩn trong các video rất dễ khiến trẻ bị dẫn dụ và có những hành vi dại dột.
Trẻ nhỏ có xu hướng bắt trước rất nhanh, ngược lại nhận thức lại chưa hoàn thiện. Chúng không thể chọn lọc được những thông tin mình xem rằng đúng sai ở đâu, có tốt hay có nguy hiểm như người lớn nên luôn tin vào những gì đăng tải ở trên mạng. Và tò mò, trẻ vô tư làm theo dẫn tới tự gây tai nạn cho mình.
Đã có nhiều nghiên cứu về những hệ lụy khi cho trẻ dùng nhiều thiết bị công nghệ. Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD (Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam) về tác động của mạng xã hội tới trẻ em cho thấy cứ 5 trẻ em có 3 em có kỷ niệm đau buồn trên mạng xã hội và nhiều trẻ còn bị xâm hại. Đáng nói là đa phần trẻ không có kĩ năng tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ dùng các thiết bị di động sẽ tác động rất xấu đến tâm sinh lý như làm trẻ tăng nguy cơ béo phì lên tới hơn 30%, tăng nguy cơ mất ngủ lên 55%, suy giảm hệ thống miễn dịch do tiếp xúc với vi khuẩn trên điện thoại, gây ra các bệnh tim mạch cho trẻ, gia tăng tính bạo lực, giảm sự tập trung của trẻ...
Điều cha mẹ cần làm để bảo vệ trẻ
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, trẻ rất dễ bị thôi miên trước các màn hình, mê mẩn với những video trên Youtube… Việc cấm hoàn toàn trẻ em dùng thiết bị công nghệ số là điều không thể vì khó đi ngược lại với xu thế phát triển của thế giới. Hơn nữa nếu biết cách, mạng xã hội còn rất tốt cho trẻ.
Trẻ nhỏ bây giờ rất thông minh, có thể tự mở và sử dụng thiết bị điện tử ngay từ khi còn rất nhỏ. Để tránh những cái chết đau lòng của trẻ khi chúng làm theo những video độc hại và để trẻ dùng thiết bị công nghệ một cách an toàn, điều quan trọng là sự định hướng của phụ huynh. Cha mẹ cần đưa ra quy định thời gian dùng, hướng dẫn trẻ tránh khai thác những nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Việc dùng máy tính nên để ở nơi công khai để cha mẹ có thể quan sát trực tiếp.
Cha mẹ cũng phải đảm bảo biết được con trẻ đã truy cập những gì trên mạng. Hiện nay, có một số thiết bị giúp phụ huynh kiểm soát được tổng thời gian trẻ dùng mỗi ngày, các địa chỉ website hay mạng xã hội... nên có thể tìm sử dụng để giám sát trẻ, giữ an toàn cho trẻ.
Theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải dành thời gian cho con để trò chuyện, thấu hiểu con. Hơn hết đừng để trẻ rơi vào tâm lý tiêu cực, cô đơn khi chúng không được quan tâm, yêu thương đúng nghĩa. Đừng để trẻ chỉ làm bạn với điện thoại, youtube mà nỗ lực trò chuyện cùng con hàng ngày.
Qua những trò chuyện vừa gắn kết với con cũng là cách để tìm hiểu thêm về những gì con đã tìm kiếm trên mạng. Giống như việc cha mẹ quan tâm, hỏi con cảm nhận thế nào khi đi học về thì quan tâm đến việc trẻ dùng mạng ra sao với những câu hỏi như "Hôm nay trên mạng có gì hay không, có gì làm con cảm thấy không ổn/không thoải mái không?".
Các chuyên gia khuyến cáo, việc để mắt đến trẻ là điều cha mẹ luôn luôn cần làm. Cha mẹ nếu thấy con trẻ dùng mạng mà có một số dấu hiệu này phải thẩn trọng: Trẻ dành nhiều thời gian quá mức cho internet và mạng xã hội; Giữ bí mật với cha mẹ, đặc biệt về hành động của trẻ trên mạng xã hội và Internet; Bất ngờ tắt màn hình máy tính hoặc che giấu điện thoại khi bố mẹ xuất hiện bất ngờ hoặc là trẻ có biểu hiện lạ, hay tức giận khi dùng mạng xã hội…